Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả
Ngày cập nhật 17/03/2021

Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND thị xã đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất, lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng cho hàng ngàn lượt hộ nông dân tham gia. Mặc khác, các công ty kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều cuộc hội thảo kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hộ nông dân tham gia về việc sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa, cây lạc, rau màu, cây cao su, cây ăn quả nhưng tình hình sử dụng thuốc BVTV của một số nông dân vẫn còn hiều hạn chế. Tình trạng sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật ngoài việc không diệt trừ được sâu, bệnh hại mà có khi còn ảnh hưởng đến cây trồng (bị chết), sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

 

Để sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả bà con nông dân cần tuân thủ các yêu cầu sau:

1. Lựa chọn và mua thuốc

1.1. Mua đúng sản phẩm

Người sử dụng thuốc cần mua loại thuốc phù hợp để phòng trừ đúng đối tượng dịch hại, thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại Việt Nam và do các đại lý được cấp phép bán. Sản phẩm thuốc BVTV được mua phải ở dạng thành phẩm, có dán nhãn ghi rõ các thông tin cần thiết: tên thương mại của thuốc, tên hoạt chất, đối tượng phòng trừ, liều lượng sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng,... 

1.2. Mua các bao, gói thuốc chưa bị hư hỏng

Kiểm tra kỹ các bao, gói thuốc cẩn thận trước khi mua. Không mua các thuốc mà bao bì đã bị hư hỏng, rách, thủng, nứt, vỡ hoặc rò rỉ, không còn nhãn nguyên bản, nhãn phai mờ khó đọc, nhãn có dấu hiệu dán lại hoặc bị mất niêm phong. Tất cả chi tiết trên nhãn phải thể hiện độ tin cậy. Không mua các bao, gói thuốc không có nhãn bằng tiếng Việt, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.

2. Vận chuyển và bảo quản thuốc

2.1. Vận chuyển thuốc

- Khi vận chuyển thuốc BVTV cần cẩn thận, tránh đổ vỡ, rò rỉ thuốc.

- Không vận chuyển thuốc lẫn với người, gia súc, thực phẩm, thức ăn gia súc và các hàng hóa khác trên cũng một phương tiện vận chuyển (trừ phân bón).

2.2. Bảo quản thuốc

Thuốc BVTV phải được bảo quản tại nơi mà trẻ em, những người không có nhiệm vụ, gia súc không tiếp cận được và không được để lẫn với thực phẩm, thức ăn gia súc và các loại hàng hoá khác; không được bảo quản gần nguồn nước.

3.  Các hướng dẫn về an toàn và bảo hộ lao động và sơ, cấp cứu khi có sự cố hoặc ngộ độc

3.1. Bảo hộ lao động

 Khi sử dụng hay tiếp xúc với thuốc BVTV phải mặc bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện thực tế và loại thuốc sử dụng như: Quần áo bảo hộ lao động, áo choàng; Kính, mũ bảo hộ; Găng tay, ủng; Khẩu trang, mặt nạ.

3.2. Các hướng dẫn về an toàn

- Phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên nhãn trước khi sử dụng.

- Khi lấy thuốc, pha thuốc và phun rải thuốc phải mặc bảo hộ lao động phù hợp.

- Không đi phun rải thuốc một mình ở nơi vắng người, không đi phun rải thuốc vào lúc trời nắng nóng, khi gió to. Không phun rải thuốc ngược chiều gió, đi vuông góc với chiều gió.

- Không được ăn uống, hút thuốc khi đang phun rải thuốc.

- Không sử dụng thiết bị phun rải thuốc bị rò rỉ, hư hỏng hoặc để thuốc dây lên da.

- Không để trẻ em và phụ nữ mang thai tiếp xúc với thuốc BVTV.

- Sau khi phun phải dọn bao bì, chai thuốc vào một chỗ, tiêu huỷ đúng quy định. Rửa thiết bị phun rải sạch sẽ, đúng cách. Không đổ thuốc đã pha không sử dụng hết và nước súc rửa, vệ sinh thiết bị phun rải xuống ruộng, nguồn nước,...       

3.3. Các biểu hiện khi bị ngộ độc thuốc BVTV

Thuốc BVTV có thể xâm nhập vào cơ thể qua: tiếp xúc qua da, qua hô hấp, miệng và mắt. Khi bị ngộ độc thuốc BVTV có thể có những biểu hiện sau: Toàn thân mệt mỏi, đổ mồ hôi, nhức đầu, da bị viêm tấy, mắt bị giãn đồng tử, chảy nước mắt, cơ bắp co giật; miệng, họng nóng, ra nhiều nước dãi, ho, khó thở tức ngực, đau bụng.

3.4. Khi bị nhiễm thuốc hoặc bị ngộ độc thuốc BVTV, phải thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu sau đây:

- Thuốc dây vào mắt: rửa mắt bằng nước sạch liên tục ít nhất là trong 15 phút.

- Thuốc rò rỉ ra quần áo, thấm vào người: cởi bỏ hết quần áo bị dây thuốc, rửa sạch thuốc trên người nạn nhân bằng nước sạch và xà phòng.

- Gây nôn cho nạn nhân nếu nạn nhân nuốt phải thuốc BVTV khi nạn nhân còn tỉnh táo và trên nhãn thuốc có khuyến cáo cần gây nôn nếu bị ngộ độc. Không được cho nạn nhân hút thuốc, uống rượu.

- Đặt nạn nhân nằm ở tư thế ổn định, nếu nạn nhân bị nóng, sốt thì dùng khăn thấm nước lạnh để lau cho nạn nhân. Nếu nạn nhân cảm thấy lạnh thì dùng chăn đắp cho nạn nhân.

- Nếu nạn nhân bị co giật cần lưu ý để giữ không cho nạn nhân cắn phải lưỡi.

- Khi nạn nhân bất tỉnh, cần tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

- Sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ quan y tế, nhớ luôn phải cầm theo nhãn thuốc BVTV.

4.  Các chỉ dẫn và lưu ý khi pha thuốc

Cách pha thuốc phải phù hợp với dạng thuốc để tạo hiệu quả cao nhất.

5. Sử dụng thuốc

5.1. Nguyên tắc bốn đúng trong sử dụng thuốc

5.1.1. Sử dụng đúng thuốc: Là dùng loại thuốc phù hợp nhất để phòng trừ dịch hại trên cơ sở cân nhắc các yêu tố: đối tượng dịch hại, loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng mà dịch hại tấn công, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế.

5.1.2. Sử dụng đúng lúc: Là dùng thuốc vào thời điểm mà hiệu quả phòng trừ dịch hại cao nhất, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất nhưng ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người nhất.

5.1.3. Sử dụng đúng liều lượng, nồng độ: Là sử dụng với nồng độ và liều lượng đem lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế cao nhất đồng thời giảm thiểu tác hại do thuốc BVTV gây ra đối với môi trường, con người và sản phẩm.

5.1.4. Sử dụng đúng cách (đúng kỹ thuật): Là sử dụng với kỹ thuật mang lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu nhưng ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người nhất.

5.2. Phun thuốc trên đồng ruộng

- Người đi phun thuốc phải có hiểu biết và được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả.

- Không được để trẻ em, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người bị bệnh  tật pha thuốc, phun rải thuốc BVTV.

- Không đi phun rải thuốc vào lúc trời sắp mưa hoặc đang mưa, thời tiết quá nóng hoặc gió to.

6. Xử lý khi có sự cố về thuốc BVTV

Khi xảy ra sự cố rò rỉ, thuốc đổ ra ngoài, cần phải thực hiện các biện pháp sau đây:

- Dùng đất bột, cát hoặc hoặc mùn cưa, tro để hấp phụ thuốc dạng lỏng, quét cẩn thận và thu gom xử lý chúng theo quy định, để không còn nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

- Rửa sạch toàn bộ các phần phương tiện bị nhiễm thuốc tại nơi cách xa nguồn nước, sông suối, ao hồ, xử lý nước rửa thích hợp.

7. Xử lý vỏ, bao bì thuốc đã qua sử dụng

- Thu dọn sạch sẽ không để vương vãi thuốc và bao bì thuốc trên đồng ruộng.

- Bao bì chứa thuốc, vật liệu nhiễm thuốc là loại rác thải độc hại cần phải được thu gom để đúng nơi quy định.

- Bao bì thuốc đã qua sử dụng phải được thải bỏ theo khuyến nghị của nhà sản xuất, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người và môi trường.

Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 9.348