Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hương Trà: Chung tay tri ân người có công
Ngày cập nhật 29/07/2021

Mong muốn xoa dịu nỗi đau, mất mát của những cá nhân, gia đình đã hiến dâng xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thị xã Hương Trà luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” với nhiều hoạt động thiết thực.

 

Trân quý người ở lại

Trong cuộc đấu tranh khốc liệt để giành độc lập, tự do cho quê hương, hàng ngàn bà mẹ đã tiễn con ra đi nhưng không có ngày trở về. Theo thống kê, Hương Trà có 248 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Đối với 4 mẹ VNAH hiện còn sống, thị xã đang dốc lòng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các mẹ để quãng đời còn lại các mẹ được sống tốt, sống vui, sống khoẻ cùng con cháu.

Cùng cán bộ chính sách phường Hương Văn, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Ngô Thị Thiện (93 tuổi) ở tổ dân phố Giáp Thượng 2. Mẹ có chồng và con trai tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hy sinh (năm 1968 và 1969). Ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ còn rất minh mẫn và đang sống cùng người con trai - ông Phạm Bốn, 66 tuổi (cũng là bệnh binh, có tỷ lệ thương tật 67%) và cháu nội trực tiếp chăm lo, phụng dưỡng. Ông Bốn cho biết, bên cạnh việc được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước thì mẹ được lãnh đạo, cán bộ thị xã, địa phương rất quan tâm, thăm hỏi và tặng quà cho mẹ trong các dịp lễ, Tết cũng như cử cán bộ thường xuyên đến thăm, trò chuyện tạo niềm vui cho mẹ trong cuộc sống lúc tuổi già. Mẹ còn được 2 đơn vị nhận phụng dưỡng gồm Công đoàn Sở Công thương và Trường THPT Đặng Huy Trứ.

Mẹ Thiện vui vẻ kể: “Mỗi khi tỉnh, thị xã tổ chức các hoạt động lễ lớn, mẹ đều được mời tham dự, như Đại hội Đảng bộ tỉnh và thị xã mới đây. Ở sự kiện, mẹ nhận được sự quan tâm của mọi người, nhận hoa và quà do các đồng chí lãnh đạo trao tặng. “Đây là sự động viên, niềm tự hào rất lớn đối với mẹ và gia đình”, mẹ Thiện nói.

Qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Hương Trà là một trong những địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát. Toàn thị xã có gần 1.900 liệt sĩ, 351 thương bệnh binh, hàng ngàn người đã đóng góp công sức, xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Đỗ Ngọc An, tri ân các mẹ VNAH, thị xã luôn làm tốt công tác phụng dưỡng, dành sự chăm sóc đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần cho các mẹ (hiện cả 4 mẹ đều được các cơ quan, ban, ngành thị xã nhận phụng dưỡng); quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở, như trường hợp mẹ Phan Thị Nghé ở phường Hương Xuân, được hỗ trợ xây lại ngôi nhà với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Không quên người nằm xuống

Trong công tác chăm sóc người có công, gia đình có công, Hương Trà dành nhiều sự quan tâm, tri ân, hỗ trợ với gia đình liệt sĩ bằng nhiều mô hình Đền ơn đáp nghĩa. Vào các dịp lễ, Tết ngoài nguồn kinh phí thăm hỏi của Chủ tịch nước, các xã, phường còn trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên hàng ngàn đối tượng có công với cách mạng trên địa bàn, giúp các đối tượng thật sự yên tâm, phấn khởi trong cuộc sống.

Tính đến nay, toàn thị xã có hơn 2.000 người có công và thân nhân của họ đang được quản lý, hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, với số tiền thực hiện hàng năm trên 15 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 495 hộ với số tiền trên 12 tỷ đồng…Cùng với đó, nhiều hoạt động tu bổ các công trình ghi danh, ghi công; chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng nhà bia tưởng niệm; quy tập mộ liệt sĩ được các đơn vị phối hợp thực hiện. 

Các hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ cũng thường xuyên được Đoàn thanh niên các cấp tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7). Theo Phó Bí thư Thị đoàn Hương Trà - Trần Xuân Thịnh, đây là một trong những việc làm thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên, thanh niên.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Đỗ Ngọc An cho rằng, thị xã luôn coi công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, là nhiệm vụ thường xuyên, là thực hiện đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, công tác này góp phần giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân, tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

 

Hoàng Dũng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.013