Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ về thành lập thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 27/08/2021

              Ngày 15/11/2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về việc thành lập thị xã Hương Trà và các phường thuộc thị xã Hương Trà, trãi qua thời gian 10 năm Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân thị xã Hương Trà với sức trẻ của một thị xã mới thành lập đã tích cực tổ chức triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nhằm thực hiện Nghị quyết, đưa Hương Trà tiến bước trên con đường phát triển đô thị và đạt được những kết quả quan trọng thể hiện ở các mặt sau:

 Thành tựu nổi bật về kinh tế- xã hội

 Tình hình kinh tế - xã hội tăng trưởng và có những chuyển biến khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; tiềm năng lợi thế của các vùng, ngành từng bước khai thác có hiệu quả,giá trị sản xuất bình quân tăng 15,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 46 triệu đồng, tăng 1,88 lần so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp lần lượt là 47,5% - 45,2% - 7,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 7.250 tỷ đồng, tăng 1.980 tỷ đồng so giai đoạn 2011-2015.  Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền nên đã giảm hộ nghèo còn dưới 3%.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ

Quá trình đô thị hóa trên địa bàn thị xã diễn ra với tốc độ khá nhanh, đã tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội thị xã, trong đó thị xã tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về xây dựng đô thị, chủ động đề ra các giải pháp huy động mọi nguồn lực nhằm để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa khu vực các phường nội thị và định hướng hình thành khu trung tâm đô thị Hương Trà.

Đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tứ Hạ mở rộng. Triển khai lập quy hoạch phân khu khu trung tâm phường Hương Văn (181ha), quy hoạch chi tiết khu trung tâm các phường Hương Xuân (30ha), Hương Chữ (30ha), Hương Hồ (30ha) để làm cơ sở hình thành các khu vực lõi đô thị của mỗi phường, từng bước hoàn chỉnh và mở rộng bộ mặt đô thị.  Triển khai Đề án đặt tên đường phố khu vực nội thị và đề án xây dựng phường văn minh đô thị, quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch.

Hạ tầng đô thị được xây dựng, nâng cấp, bộ mặt cảnh quan đô thị biến chuyển nhanh, có nhiều khởi sắc, các phường nội thị đang được quy hoạch mở rộng, thực hiện Đề án nâng cấp xã Hương Toàn, Hương Vinh và Bình Tiến trở thành phường để toàn bộ Thị xã trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực đô thị lõi trung tâm của Thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến.  Đến nay thị xã đã có 42/49 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại IV, có một số tiêu chí ở một số phường đạt trên chuẩn như:

 Dân số toàn đô thị đến năm 2020: 124.696 người; Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 55-60 triệu đồng, tương đương 2.600-3.000 USD năm;  Tỷ lệ đô thị hóa (% dân cư đô thị): > 75% (tiêu chuẩn là 40-70%); Lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị: 81%. Tỷ lệ hộ nghèo: <3% .

Bên cạnh đó còn có một số chỉ tiêu chưa đạt nhưng tiềm cận với quy định như mật độ dân số, cơ sở trung tâm văn hóa, mật độ đường chính trong khu vực nội thị….

Hệ thống giao thông đã được ưu tiên đi trước, đã tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục chính kết nối các vùng, các tuyến đường các khu trung tâm và đầu tư nâng cấp, cải tạo mạng lưới đường hiện có để đáp ứng các yêu cầu tiêu chí đô thị. Kiến trúc cảnh quan đô thị được quan tâm, chú trọng; nhiều dự án chỉnh trang đô thị, cảnh quan môi trường được triển khai tạo nên diện mạo mới, khang trang cho cảnh quan đô thị như: Dự án xây dựng chỉnh trang tôn tạo không gian cảnh quan Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ theo mô hình của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, xây dựng công viên cây xanh trung tâm, công viên cây xanh đầu cầu Tứ Phú, công trình chỉnh trang khu vực chợ trung tâm Tứ Hạ. Đi đôi đầu tư xây dựng một số khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ thì công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị và bảo tồn các giá trị di sản, lịch sử, văn hóa, cảnh quan đã được coi trọng.

 Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới các xã vùng ngoại thị theo hướng đô thị hóa

Cùng với phát triển khu nội thị, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai hoàn thành quy hoạch xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cho 8 xã, riêng xã Bình Điền ( nay là Bình Tiến hình thành từ việc sáp nhập 2 xã Bình Điền và Hồng Tiến) định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị. Kết quả đến nay có 05 đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Hương Vinh, Hương Bình, Hương Toàn, Hải Dương và Hương Phong, Hương Thọ đang đề nghị công nhận  xã nông thôn mới nặm 2021. Tổng vốn huy động đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.327 tỷ đồng,

Chất lượng cuộc sống của dân cư đang từng bước được cải thiện

 Sau năm 10 năm thành lập thị xã, thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên, năm 2011 chỉ đạt 27,2 tr.đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt 46 tr.đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 8,8% năm 2011 giảm còn dưới 3% năm 2020. Bên cạnh đó thị xã luôn quan tâm chỉ đạo phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm vệ sinh môi trường, đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt khu vực nội thị đã hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán trong khu dân cư, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường sống đô thị.

Phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố xanh – sạch –đẹp được chú trọng, đã tuyên truyền vận động người dân tham gia hưởng ứng tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng. Đến nay đã có 20 tuyến phố được UBND thị xã công nhận đạt chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Các hoạt động dịch vụ giáo dục, văn hóa - thể thao, vệ sinh môi trường được chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng.

Năng lực quản lý đô thị của chính quyền được nâng lên, bộ máy quản lý đô thị kịp thời được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới

UBND thị xã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của thị xã, các phường, xã sau khi có Quyết định của Chính phủ về việc thành lập thị xã Hương Trà và các phường thuộc thị xã; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đảm bảo số lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu khi chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ huyện sang thị xã; đặc biệt là kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức Phòng Quản lý đô thị, Đội Quy tắc đô thị, Phòng Kinh tế …chỉ đạo các phường, xã bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý đô thị để đảm bảo đáo ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị trong giai đoạn mới.

UBND thị xã đã chú trọng tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, công khai công bố các quy hoạch trên địa bàn để hạn chế tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Đã rà soát, sắp xếp lại các hệ thống tổ dân phố trên địa bàn các phường nội thị. Bổ sung hoàn chỉnh hệ thống biển báo giao thông, đặt tên các tuyến phố, lắp đặt biển số nhà trên địa bàn.

Một số hạn chế, tồn tại

Có thể thấy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, qua 10 năm xây dựng và phát triển thị xã Hương Trà đã đạt được những thành tựu quan trọng, có sự chuyển biến về chất trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, so với các đô thị khác cùng cấp trên cả nước và vùng lân cận thì vẫn còn những tồn tại đó là:

Tốc độ phát triển đô thị ở Hương Trà còn chậm, nền kinh tế tuy có phát triển và tăng trưởng khá nhưng nhìn chung vẫn còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, tích lũy nội bộ nền kinh tế còn thấp, thiếu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị không đáng kể làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực phát triển cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Vẫn còn một số tiêu chí hạ tầng đô thị của thị xã Hương Trà chưa đạt chuẩn, gồm: tỷ lệ nước thải được xử lý, chiều dài đường ống thoát nước/1 Km2, điện chiếu sáng đô thị;  mạng lưới dịch vụ đô thị còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ quản lý đô thị chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của hàm lượng công việc, vai trò của chính quyền đô thị trong việc điều phối các đối tượng và điều tiết các nguồn lực tham gia trong quá trình phát triển đô thị còn gặp nhiều khó khăn, cần phải tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị để đáp ứng đầy đủ yêu cầu Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019  của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; thị xã Hương Trà cần phát huy hơn nữa nội lực xây dựng đô thị văn minh, hiện đại,với những mục tiêu và giải pháp sau:

Mục tiêu, phải kiên trì thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV đã đề ra đối với phát triển đô thị là: Phấn đấu đến năm 2025 các xã trở thành phường,  xây dựng Hương Trà trở thành đô thị động lực phía Bắc của tỉnh phát triển theo hướng bền vững với kết cấu hạ tầng đồng bộ; lối sống đô thị văn minh, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao; môi trường sinh thái trong sạch, bền vững, từng bước xây dựng đo thị tăng trưởng xanh.

Các giải pháp cần tổ chức thực hiện:

Một, Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, phát huy vai trò khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; các trung tâm thương mại. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng  sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến. Phát huy lợi thế của các xã, phường tiếp giáp với thành phố Huế, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị; đồng bằng. Chú trọng bảo tồn và phát triển làng nghề TTCN, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng lao động nông nghiệp.

            Hai, Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, huy động tối đa mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển đô thị: Tiến hành kiểm tra, rà soát quy hoạch và có những điều chỉnh phù hợp; trước hết là quy hoạch đô thị, giao thông và các ngành quan trọng khác. Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng theo hướng thực hiện các tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn thị xã trong mối quan hệ cơ cấu kinh tế và cấu trúc không gian đô thị với thành phố Huế phù hợp với xu hướng phát triển chung của tỉnh, của cả nước.

 Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của trung ương, của tỉnh, huy động cao nhất nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích các hình thức đầu tư để hình thành hệ thống giao thông, hạ tầng các khu đô thị mới...Tiếp tục tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị từ quỹ đất một cách hợp lý.

Ba, Nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy nhà nước về quản lý đô thị: Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính trong xây dựng, phát triển và quản lý đô thị; khắc phục tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, biểu hiện gây khó khăn, phiền phức. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức của thị xã đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy làm công tác quản lý đô thị từ thị xã đến cơ sở.

           Bốn, Tập trung phát triển văn hóa-xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu quản lý phát triển đô thị, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các mô hình văn minh đô thị để vận động, khuyến khích cộng đồng dân cư đô thị tham gia. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm công dân trong việc xây dựng, bảo vệ và góp phần quản lý, phát triển đô thị. Chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề về việc làm, nhà ở, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái đô thị. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

          Năm, Lựa chọn mô hình đô thị hóa hợp lý, bảo đảm xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân: Quy hoạch xây dựng các không gian xanh nội thị và ven đô.  Chú trọng cây xanh phòng hộ, bảo tồn cảnh quan và cân bằng sinh thái. Đảm bảo cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt của dân cư, cấp nước cho công cộng, dịch vụ, vệ sinh môi trường đô thị, công viên cây xanh và sản xuất công nghiệp – TTCN. Nâng cao chất lượng xử lý, quản lý chất thải rắn, nước thải đô thị.

Sáu, Tăng cường liên kết, nghiên cứu trao đổi thông tin với các đô thị lân cận trong tỉnh và ngoài tỉnh: áp dụng công nghệ, phương thức mới trong quản lý đô thị nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong trong lĩnh vực phát triển đô thị.

Suốt chặng đường 10 năm, thị xã Hương Trà đã kiên trì, liên tục thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển đô thị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Song, những năm tới yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị đòi hỏi ngày càng cao, trong xu thế phát triển và hội nhập đang là tất yếu; Vì vậy nhiệm vụ đặt ra cho thị xã Hương Trà những yêu cầu cao hơn, cấp thiết hơn. Với  những nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo thị xã, các cấp các ngành và việc tiếp tục quán triệt cho toàn dân phát huy những thành quả về xây dựng và phát triển đạt được trong thời gian qua, duy trì triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới chắc chắn rằng những năm tiếp theo trên địa bàn thị xã sẽ có bước đột phá mới về mọi mặt để hoàn thành sớm các mục tiêu xây dựng thị xã ngày càng văn minh, hiện đại và giàu mạnh.

Trần Ngọc Huyến - Chánh Văn phòng HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.974