Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những điều bạn cần biết về quy định của pháp luật về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
Ngày cập nhật 09/09/2021

Nghị định số  91/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn (SMS, MMS, USSD), thư điện tử và gọi điện thoại đã bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.

 

Đây được xem là giải pháp để giúp ngăn chặn vấn nạn tin nhắn và cuộc gọi rác đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay.

Nghị định 91/2020 hy vọng sẽ xử lý dứt điểm được tình trạng tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo làm phiền người dùng như hiện nay

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo tại Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet; doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ thư điện tử; người quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; người sử dụng tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại liên quan hoạt động quảng cáo…

Đáng chú ý, theo điều 32 của Nghị định này, các hình thức gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được sự đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Theo nghị định này, nếu người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay việc tiếp tục gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đó. Đối với trường hợp khách hàng không nhắn tin đồng ý xác nhận mà vẫn bị nhà quảng cáo và nhà mạng gửi tin nhắn, gửi email, gọi điện quảng cáo sẽ bị xử phạt theo quy định với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Đối với trường hợp nhắn tin nhắn, thư điện tử rác, hay thực hiện cuộc gọi rác vào những thuê bao đã đăng ký từ chối tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, nhà quảng cáo sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, đồng thời thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm. Còn đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

Đáng chú ý, theo Nghị định 91/2020, nếu gọi điện thoại quảng cáo trước 8 giờ sáng và sau 17 mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Mức xử phạt tương tự cho các hành vi nhà quảng cáo thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ khi chưa được phép.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng sẽ xây dựng, vận hành một hệ thống quản lý “Danh sách không quảng cáo”. Đây là tập hợp các số điện thoại đăng ký thông tin và không chấp nhận bất kỳ cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo nào. 

Không chỉ đưa ra mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, Nghị định 91/2020 cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo và các dịch vụ nội dung qua tin nhắn.

Những đơn vị này còn phải cung cấp công cụ cho phép người sử dụng phản ánh và tự chủ động trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác.

Nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo và không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải nộp phạt số tiền từ 140-170 triệu đồng. 

Nghị định 91/2020 đi vào hiệu lực được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc ngăn chặn thư rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, từ đó giúp làm trong sạch thị trường viễn thông Việt Nam. 

Với những mức chế tài xử phạt nặng, hy vọng những hình thức tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo rác sẽ sớm được xử lý một cách triệt để, giúp người dùng tránh bị làm phiền bởi những tin nhắn và cuộc gọi không mong muốn.

Vậy các đối tượng thực hiện quảng cáo bằng hình thức gọi điện thoại, tin nhắn hoặc thư điện tử cần cân nhắc và thận trọng đối với hành vi của mình  (dù mang tính chất công việc) để tránh các trường hợp bị xử phạt như trên.

Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai việc phản ánh khi phát hiện sim rác. Cụ thê, các cá nhân, tổ chức sử dụng sim thuê bao hãy thực hiện việc kiểm tra thông tin thuê bao của mình theo cú pháp: Soạn TTTB gửi 1414. Sau khi phát hiện sim rác thì thông qua địa chỉ trang web: http://tuongtac.thuathienhue.gov.vn hoặc ứng dụng Hue-S trên điện thoại smartphone, vào mục phản ánh hiện trường để phản ánh và các đơn vị chức năng tiếp nhận tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Văn Thu Thảo-Phòng TP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.613