Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

An ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững – Chung tay hành động của cộng đồng!
Ngày cập nhật 28/09/2021

Cùng với an ninh môi trường, an ninh nguồn nước tuy không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng ở nước ta nhận thức về nó vẫn còn hạn chế. Nhiều vấn đề, từ đánh giá khoa học đến thực tiễn sử dụng nguồn nước vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước, dùng nước lãng phí, xả thải nước chưa được xử lý… làm cho nguồn nước trên tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa cạn kiệt, bị ô nhiễm đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.

 

Hiện nay, tuy vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung các quan niệm về an ninh môi trường, an ninh nguồn nước đều cho rằng, môi trường xuống cấp, sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước cần phải được coi là cội nguồn của an ninh quốc gia và quốc tế. Sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái, ô nhiễm môi trường và những hiểm họa môi trường, nguồn nước có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.

Ở Việt Nam, từ rất sớm Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến lĩnh vực môi trường (trong đó bao hàm cả vấn đề nguồn nước). Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng thông qua đã khẳng định: “Bảo vệ và cải tạo môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, tăng cường quản lý Nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân. Chủ động gắn kết môi trường trong mỗi quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển KT-XH, coi yêu cầu về môi trường là một tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển” .

Chúng ta cần nhận rõ vấn đề an ninh môi trường ở nước ta trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: Biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, những mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. Ngoài ra, nguồn nước các dòng sông lớn bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh… đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. Vì vậy, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của

Mặc dù Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc phân bố trên khắp cả nước, nhưng các lưu vực sông lớn chủ yếu là sông liên quốc gia với đa số diện tích lưu vực ngoài lãnh thổ . Với đặc điểm đó, lượng nước mặt nội sinh tính trên đầu người của Việt Nam thấp hơn bình quân châu Á và chưa bằng một nửa bình quân thế giới; đồng thời, đang trên đà giảm mạnh về số lượng, chất lượng nguồn nước. Trữ lượng nước dưới đất tuy được đánh giá là phong phú nhưng do phân bố không đều trên lãnh thổ và sự khai thác chưa được tính toán đầy đủ, ảnh hưởng đến sự tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất cũng như chi phí khai thác tốn kém. Trong đà dân số tăng nhanh, nhu cầu tưới tiêu, phát triển đô thị và công nghiệp tăng mạnh làm cho nguồn nước không còn khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng và duy trì hệ sinh thái thủy sinh như trước đây.

Khai thác quá mức nguồn nước cùng với xây dựng ồ ạt và dày đặc những công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên tất cả các lưu vực sông làm chặn hoàn toàn dòng chảy là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn, gây ra nhiều “vấn đề lớn về môi trường”, tạo nên sức ép đối với nguồn nước. Điều đó, khiến Việt Nam mặc dù là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng vẫn bị liệt vào nhóm quốc gia “thiếu nước”. Đây chinh là một nghịch lý.

Để khắc phục từng bước nghịch lý đó, cần phải “khai thác sử dụng bền vững nguồn nước, chủ động hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia… Hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề, lưu vực sông, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị và khu tập trung ở nông thôn”.

Trong tương lai, để thực hiện an ninh nước theo Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025, đủ nguồn nước an toàn cho phát triển kinh tế và cho nhu cầu dân sinh cần khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta (vào mùa khô khoảng gần 90%, tức là khoảng 170 tỷ m3), nguy cơ thiếu nước là rõ ràng. Nếu không được xử lý hài hòa sẽ tiếp tục gây ra nhiều mâu thuẫn và sự tranh chấp nguồn nước giữa các ngành, địa phương, giữa thượng nguồn và hạ lưu vực sử dụng chung nguồn nước trên các hệ thống sông, nhất là các dòng sông lớn bị khống chế nguồn nước từ nước ngoài sẽ trở nên gay gắt. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh, đều tác động đến an ninh nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt KT-XH của đất nước, thậm chí làm gia tăng bất đồng và các xung đột trong quá trình sử dụng chung nguồn nước.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam, cần tăng cường đồng bộ các biện pháp an ninh nước, tài nguyên nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Một là, tăng cường phổ biến, giáo dục cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của an ninh nguồn nước. Khẩn trương đưa chương trình nước sạch vào giáo dục học đường. Tuyên truyền, quán triệt mọi người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, giám sát, sử dụng nước nguồn nước đúng mục đích, hiệu quả; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong công tác đầu tư và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý nguồn nước, nhất là công tác điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước,…

Ba là, tăng cường đầu tư hoạt động khoa học – công nghệ trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn nước, có chính sách điều tiết, ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch giữa các vùng trên cả nước.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong quản trị tài nguyên nước quốc gia, trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

Việc suy kiệt nguồn nước ngầm và nước mặt, đặc biệt trong những kỳ nắng nóng không chỉ khiến cho nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, mà xa hơn còn có thể dẫn tới xung đột về nguồn nước... Nước - nguồn tài nguyên không hề vô hạn, đang đòi hỏi chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn.

Trong bối cảnh ấy, việc đầu tư cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước trong thời gian tới hy vọng sẽ bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, tránh được việc đầu tư dàn trải không hiệu quả. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch, gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Giảm tối đa việc thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là thiếu nước sinh hoạt cho người dân là điều cần phải được triển khai cấp bách.

Nước là khởi nguồn của sự sống, mọi biến động về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường và sự sống trên Trái  Đất. Vì vậy, nước là tài nguyên quý giá, bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

 

Hải Đăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.525.602
Truy câp hiện tại 12.831