Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phòng tránh thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
Ngày cập nhật 01/10/2021

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện 3 - 4 cơn bão trên biển Đông và ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên Huế; ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão nên sẽ có mưa to đến rất to và dông, làm cho môi trường nước thay đổi đột ngột và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nuôi trồng thủy sản gây bất lợi cho người nuôi trồng.

 

Khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2021 đã kết thúc (30/9/2021). Tuy nhiên, thực tế đến nay tình hình thu hoạch các đối tượng thủy sản nuôi trồng chưa dứt điểm; sản lượng thủy sản nuôi trồng còn nhiều, đặc biệt là nuôi cá lồng.

Để tránh rủi ro trong mùa bão lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng, người nuôi trồng thủy sản cần lưu ý các biện pháp sau :

1. Tranh thủ tỉa thưa, thu hoạch các loài đạt hoặc sắp đạt kích cỡ thương phẩm đồng thời có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cập nhật thông tin kịp thời về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.

2. Đối với vùng ương nuôi cá lồng bè qua lụt, phải có phương án di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, vùng an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết; kiểm tra, gia cố lại hệ thống neo, phao lồng bè, vệ sinh lồng bè thông thoáng. Chuẩn bị các trang thiết bị và sản phẩm xử lý để đảm bảo đủ lượng ôxy cho cá nuôi, tránh bị mưa lớn và nước lũ đổ về, để phòng tránh tình trạng cá chết hàng loạt. Lưu ý các biện pháp xử lý phù hợp đối với các lồng bè nuôi cá (đặc biệt cá điêu hồng) trên sông Bồ khi hồ thủy điện, thủy lợi xả nước để đảm bảo an toàn hồ đập theo quy định.

3. Đối với các ao ương giống thủy sản cho vụ nuôi năm sau, phải gia cố đê bao, kiểm tra cống, giăng lưới để tránh thất thoát; chuẩn bị trang thiết bị dự phòng các sự cố về nguồn điện; chủ động các sản phẩm xử lý để ổn định môi trường, biện pháp kỹ thuật chăm sóc và chế độ ăn hợp lý,...

Cụ thể:

a) Trước khi có mưa bão

- Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai (lưới, cọc, máy phát điện, vôi, ghe thuyền, phao cứu sinh…);

- Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, hóa chất xử lý môi trường... phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão;

- Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây; gia cố bờ ao, hồ, công trình phụ trợ tại chỗ nuôi, đảm bảo an toàn khi mưa lũ, bão đến;

- Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; có phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài;

- Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.

b) Biện pháp khắc phục sau mưa, lụt bão

- Xả bớt nước trên tầng mặt, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước, nhất là đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao;

- Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, hồ, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn;

- Bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm);

- Nếu có thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

 

Nguyễn Thị Bê - KT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 9.491