Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch Truyền thông về việc làm trên địa bàn thị xã Hương Trà giai đoạn 2022 - 2025
Ngày cập nhật 01/04/2022

Ngày 05 tháng 01 năm 2022, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch Truyền thông về việc làm trên địa bàn thị xã Hương Trà giai đoạn 2022 - 2025, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU  

1. Mục đích

- Nhằm thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm; giải quyết việc làm trên địa bàn thị xã Hương Trà.

- Thông qua truyền thông phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu khi tham gia giải quyết việc làm, giúp người lao động tìm hiểu, trao đổi, nhận biết lợi ích, cách thức thực hiện để tham gia, làm thay đổi hành vi, cách làm của người lao động, góp phần để người lao động thực hiện và thụ hưởng chính sách của Nhà nước.

- Tranh thủ các nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia vào hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin thị trường lao động.

2. Yêu cầu

- Tập trung truyền thông về các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quản lý lao động, bảo hiểm thất  nghiệp nhằm kịp thời cung cấp thông tin các chế độ chính sách về hỗ trợ: đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, vay vốn sản xuất, kinh doanh.

- Thông tin, tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế, nội dung truyền thông cần cụ thể, dễ hiểu, hình thức truyền thông đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình việc làm và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức áp dụng mô hình truyền thông mới trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

- Đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác truyền thông. Có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông.

3. Đối tượng truyền thông

a) Người lao động và người có độ tuổi sắp tham gia lao động.

b) Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

c) Người dân và các đối tượng khác liên quan.

d) UBND các xã, phường.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới

- Hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nhân phát triển quy mô để tạo việc làm mới, đồng thời ổn định việc làm thông qua xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ việc thành lập mới và chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã kiểu mới, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm triển khai, hoàn thành đúng tiến độ; thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình hệ sinh thái; tiếp nhận, xử lý kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp, tổ chức và công dân; thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

- Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận và đào tạo lao động phổ thông thuộc đối tượng là lao động nghèo, lao động thuộc diện chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, gắn với giải quyết việc làm sau thời gian học nghề tại doanh nghiệp. Tổ chức việc kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo đơn hàng phù hợp với thị trường.

- Thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm nhằm tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm. Nâng cao hiệu quả việc cho vay ủy thác đối với các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hiệu quả của các chương trình cho vay vốn khác như: vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vay học sinh - sinh viên, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

2. Tăng cường sự phối hợp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề, tuyển dụng lao động

- Xây dựng quy chế phối hợp quy định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo nghề, tuyển dụng lao động.

- Tổ chức đào tạo cho người lao động trên cơ sở trang thiết bị, máy móc và có thể sử dụng của doanh nghiệp. Thực hiện ký kết và tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

- Việc phát triển nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động thông qua việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp, nhà trường, các đơn vị có chức năng đào tạo nghề.

3. Truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình giải quyết việc làm

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh xã, phường, thông qua hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tạo sự đồng thuận cao về giải quyết việc làm.

- Phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin thị trường lao động.

- Tăng cường năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở các cấp, các ngành; giao chỉ tiêu, kế hoạch về giải quyết việc làm cho các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý sai phạm trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Biểu dương, khuyến khích các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong giải quyết việc làm

- Tuyên dương các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong tạo việc làm mới cho người lao động.

- Tuyên truyền về mô hình phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng.

- Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan chủ động xây dựng kinh phí thực hiện theo quy định Luật Ngân sách.

2. Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường triển khai Kế hoạch này bảo đảm các yêu cầu đề ra.

- Tham mưu UBND thị xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng năm bám sát theo hoạt động chuyên môn của lĩnh vực lao động - việc làm trên địa bàn thị xã.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các phóng sự, viết bài truyền thông về lao động - việc làm.

2. Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao thị xã

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lao động - việc làm, chú trọng truyền thông các hoạt động, sự kiện nổi bật trong năm về lĩnh vực việc làm.

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về giáo dục - việc làm.

- Xây dựng các thông tin, hình ảnh tuyên truyền về lao động - việc làm… tại các điểm công cộng.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, ngày hội tuyển sinh và các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về giáo dục hướng nghiệp theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của thị xã. Truyền thông các chương trình đào tạo gắn với giải quyết việc làm.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Tham mưu UBND thị xã bố trí kinh phí giai đoạn và hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định.

5. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông về nhu cầu việc làm của doanh nghiệp.

- Thường xuyên giữ mối liên hệ, đăng ký với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu quảng bá doanh nghiệp để tuyên truyền đến người lao động.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, UBND các xã, phường và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương trước ngày 15/01/2022; Định kỳ hàng năm, báo cáo UBND thị xã kết quả thực hiện trước ngày 20/11 (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Văn phòng HĐND&UBND thị xã có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã về tình hình, triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã (qua Phòng Lao động - TB&XH thị xã) để có hướng dẫn cụ thể./.

Tập tin đính kèm:
Ngọc Bích - Phòng LĐTB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.509.039
Truy câp hiện tại 795