Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hương Trà xác định tính vượt trội để tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 06/05/2022

Tái cơ cấu kinh tế được hiểu là sự thay đổi chiến lược mục tiêu, tầm nhìn của một hệ thống hoặc là sự cơ cấu lại hệ thống, bao gồm các hoạt động như sắp xếp lại, chuyển đổi hình thức hoạt động, xác định lại mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và chuẩn mực của khu vực, tổ chức hay doanh nghiệp. Với cấp độ nền kinh tế, tái cấu trúc có thể hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực của toàn nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay, thời gian qua chúng ta bàn nhiều về cơ cấu lại nền kinh tế, nhưng chủ yếu ở tầm vĩ mô, liên quan đến công việc và trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành trung ương. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu lại được thực hiện trực tiếp trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố, huyện, thị. Quan trọng như vậy, nhưng nhiều địa phương dường như vẫn còn đứng ngoài cuộc, và cũng trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế cũng ít bàn về vai trò, trách nhiệm và công việc của địa phương.

Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt những quyết định của trung ương và xác định những gì trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mình để phát huy tính chủ động, tìm ra tính vượt trội để xây dựng đề án cụ thể về tái cơ cấu kinh tế nhằm đưa nền kinh tế thị xã Hương Trà phát triển hợp lý, bền vững trong giai đoạn 2021 -2025, trong đó tập trung những nội dung sau:

 Đối với Thị xã Hương Trà, những năm qua tình hình kinh tế- xã hội có bước phát triển khá ổn định, đang từng bước định hình một thị xã đang phát triển để trở thành đô thị động lực của Tỉnh Thừa Thiên Huế ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của thành phố Huế, với mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020, tăng 12,4%/năm; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 1,32 lần so với năm 2015. Các nguồn lực xã hội đang được phát huy tốt; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đến năm 2020 là 47,5% - 45,2% - 7,5%. Tuy vậy, nền kinh tế  tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng lợi thế; cơ cấu kinh tế của thị xã đến nay vẫn còn bộc lộ không ít những yếu kém hạn chế nội tại: giá trị sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng và giá trị gia tăng thấp, quy mô các ngành kinh tế còn nhỏ và phân tán, năng suất lao động chưa cao. Hoạt động dịch vụ, du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp phát triển kém bền vững, chưa gắn bó chặt chẽ với thị trường; Quản lý khai thác nguồn thu chưa chặt chẽ, tình trạng thất thu thuế ngoài quốc doanh vẫn còn xảy ra. Thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách của địa phương. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu  phát triển giai đoạn mới.

Từ thực trạng trên, những cơ hội và cả thách thức, Hương Trà cần phải tìm ra lợi thế để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất nhằm tăng nhanh giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian các ngành lĩnh vực phù hợp yêu cầu tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã theo hướng “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp; trong đó công nghiệp - xây dựng sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đầu tàu phát triển kinh tế của thị xã; nâng cao hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển mạnh ngành dịch vụ. Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu, phát triển mô hình kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế. Với mục tiêu của các trụ cột nền kinh tế Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp là:

- Tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề

Phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng đa ngành nghề, có tốc độ tăng trưởng cao, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp, phát triển công nghiệp năng lượng; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025, tăng bình quân 16-17%/năm (KH trước khi điều chỉnh tăng bình quân 14,5-15,5%/năm), phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất (giá so sánh 2020), đạt khoảng 7.100 tỷ đồng.

 Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tứ Hạ. Chú trọng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp và phát triển có chọn lựa các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu mới, công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

 Huy động nguồn lực đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3); xây dựng cụm công nghiệp Bình Thành, cụm công nghiệp Hương Xuân - Hương Văn, cụm công nghiệp Hương Vân…để tăng năng lực sản xuất mới và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp thị xã trong thời gian đến. Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống hiện có theo hướng hiện đại, tinh xảo; khuyến khích du nhập và phát triển ngành nghề mới; gắn phát triển làng nghề với du lịch và xuất khẩu.

- Tập trung khai thác phát triển dịch vụ, du lịch hiệu quả, bền vững

Phát huy lợi thế về giao thông liền kề với thành phố Huế, đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng như thành phố Huế và vùng lân cận, tạo ra động lực thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Điều chỉnh tốc độ tăng trường ngành dịch vụ tăng bình quân 13-14%/năm (KH trước khi điều chỉnh tăng bình quân 16-17%/năm); phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất (giá so sánh 2020) đạt khoảng 3.550 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 16-17%/năm.

Kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng bách hóa tổng hợp, trung tâm thương mại theo quy hoạch; ưu tiên sớm hình thành Trung tâm thương mại Tứ Hạ, siêu thị tại Bình Tiến, trung tâm phân phối và bảo trì xe ô tô tại Hương Văn...Xây dựng hệ thống các kho bảo quản, trung chuyển hàng hóa (logistic) trên tuyến Quốc lộ 1A, đường phía Tây tại phường Hương Văn, Tứ Hạ và ở các địa phương có điều kiện. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử và các hệ thống giao dịch điện tử tự động.

- Phát triển nông nghiệp toàn diện, ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp - đô thị; xây dựng các không gian xanh nội thị, hình thành các khu tập trung chuyên canh cây thực phẩm, trồng hoa, nhà vườn trong đô thị. Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, tăng bình quân 2,5- 3,5%/năm (Kế hoạch trước khi điều chỉnh tăng bình quân 3,0-4,0%/năm), phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất (giá so sánh 2020), đạt khoảng 620 tỷ đồng. Thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2025, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt khoảng 6.000ha, duy trì diện tích đất trồng lúa khoảng 1.700ha, xây dựng vùng cây ăn quả khoảng 750ha trong đó cây ăn quả đặc sản thanh trà, bưởi, quýt khoảng 350ha. Cây công nghiệp dài ngày, cây cao su duy trì ổn định 1.500ha. Bố trí quỹ đất để hình thành vùng trồng cây dược liệu khoảng 80ha.

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học và bền vững; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 tăng lên 31-35%.

Khai thác tài nguyên rừng theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; hình thành các vùng kinh tế nông - lâm - công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch tại các địa phương vùng núi. Duy trì độ che phủ rừng đến năm 2025 từ 58-59%.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững; tư duy về phát huy các lợi thế, tiềm năng riêng có, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp để tái cơ cấu nền kinh tế là một tất yếu để xây dựng và phát triển Hương Trà trong bối cảnh thời đại công nghệ hiện nay, cũng như thách thức của những tác động dịch bệnh, thiên tai, tác động kinh tế toàn cầu và nhất là chúng ta đang trong quá trình tích cực triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Trần Ngọc Huyến - Chánh Văn phòng HĐND-UBND thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 8.398