Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Rầy nâu hại lúa và biện pháp phòng trừ
Ngày cập nhật 30/08/2022

Vụ Hè Thu 2022, toàn thị xã gieo sạ 1.650ha lúa, đến nay đã trổ trên 1.500ha, diện tích còn lại tiếp trổ trong những ngày tới. Về sâu bệnh có nhện gié gây hại khoảng 165ha, tỷ lệ phổ biến 10-15%, nơi cao trên 40%. Bệnh lem lép hạt gây hại lúa trà đầu trổ- cúi xanh, diện tích nhiễm khoảng 175ha, tỷ lệ phổ biến 5-10%, cục bộ nơi cao trên 20%. Bệnh khô vằn nhiễm khoảng 740ha, tỷ lệ phổ biến 5-10%, nơi cao 10-20%. Rầy nâu bắt đầu gây hại trên các giống lúa HT1, Khang dân, TH5, mật độ phổ biến 750 con/m2, cục bộ nơi cao trên 1.500 con/m2, rầy tuổi 2 đến trưởng thành. Ngoài ra có sâu cuốn lá nhỏ, bệnh thối thân thối bẹ, bệnh đốm nâu, sâu đục thân,… gây hại cục bộ, mật độ và tỷ lệ hại thấp.

Vụ Hè Thu thời tiết thường nắng nóng, độ ẩm không khí cao rất thuận lợi cho rầy nâu sinh trưởng và phát triển mạnh, nhất là thời điểm cuối vụ khi lúa vào chắc xanh- chín. Nếu không có biện pháp quản lý phòng trừ tốt rầy nâu sẽ bộc phát gia tăng mật độ và gây hại nặng trên diện rộng. Để giúp bà con chủ động phòng trừ rầy nâu hại lúa cuối vụ Hè Thu 2022 đạt hiệu quả cao, xin giới thiệu triệu chứng gây hại, đặc điểm hình thái và biện pháp phòng trừ như sau:

1. Triệu chứng gây hại

Rầy trưởng thành và rầy non dùng miệng chích vào thân cây lúa để hút dịch cây. Bị hại nhẹ các lá dưới có thể bị héo. Bị hại năng chúng gây nên hiện tượng “cháy rầy”, cả ruộng bị khô héo, màu trắng tái hoặc trắng. Phần dưới thân cây lúa có màu đen nâu. Các vết thương cơ giới đó tạo điều điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập làm cho cây lúa thối nhũn, đổ rạp, gây nên hiện tượng bông lúa bị lép một nửa hoặc toàn bộ. Hiện tượng cháy rầy đầu tiên mang tính cục bộ một vài m2, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi vết cháy rầy lan toả rất nhanh lên tới một vài hecta hoặc cả cánh đồng trong vòng 1-2 tuần.

Ngoài ra, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh Lúa lùn xoắn lá làm cho cây lúa tuy vẫn giữ màu xanh nhưng bị thấp lùn, có những lá bị xoăn nhiều vòng, trổ bông muộn nhưng không thoát, ít hạt và hạt bị lép.

2. Đặc điểm hình thái:

- Rầy trưởng thành màu nâu và có 2 dạng: dạng cánh dài phủ kín thân và dạng cánh ngắn phủ 2/3 thân.

- Trứng hình quả chuối, một đầu to, một đầu nhỏ màu trong suốt.

- Rầy non lúc nhỏ có màu đen xám, sau thành màu nâu vàng, thân hình tròn trĩnh. Rầy non có 5 tuổi, dài 1- 3mm.

3. Đặc điểm sinh vật học

Rây trưởng thành thường tập trung thành đám ở trên thân cây lúa phía dưới khóm (gốc lúa) để hút nhựa. Khi bị khua động thì lẩn trốn bằng cách bò ngang hoặc nhảy sang cây khác, hoặc xuống nước hoặc bay xa đến chỗ khác.

Trung bình thời gian phát dục các giai đoạn của rầy nâu biến động như sau:

- Trứng 6- 8 ngày;

- Rầy non 12- 14  ngày, mỗi tuổi 2- 3 ngày;

- Rầy trưởng thành 20- 30 ngày.

Thiên địch rầy nâu và rầy lưng trắng gồm có 16 loài thiên địch chính. Đáng chú ý nhất là 2 loài ong kí sinh trứng, bọ xít mù xanh và nhện sói vân đinh ba.

4. Biện pháp phòng trừ

Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) một cách triệt để là biện pháp tốt nhất hiện nay đảm bảo ngăn ngừa được rầy nâu một cách lâu bền. Các biện pháp cụ thể bao gồm:

- Sử dụng giống lúa kháng rầy; mật độ gieo cấy hợp lý; bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm.

- Nếu có điều kiện nên áp dụng kiểu canh tác lúa- cá hoặc giai đoạn lúa đẻ nhánh có thể đưa vịt nhỏ vào ruộng vừa có tác dụng làm sục bùn, vịt con còn có thể ăn rầy nâu, làm giảm khả năng tích luỹ mật độ của rầy.

- Tạo môi trường thuận lợi cho tập đoàn thiên địch phong phú của rầy nâu cư trú và phát triển bằng cách ở những nơi có thể luân canh với cây trồng khác hoặc trồng xen các ruộng cây trồng khác với ruộng lúa.

- Thường xuyên thăm đồng, đặc biệt chú ý những điểm, những vùng thường có các ổ rầy đã gây hại ở  những vụ trước để có biện pháp phòng trừ hiệu quả:

+ Khi phát hiện trong ruộng có rầy với mật độ cao trên 1.500con/m2 (2- 3 con/dãnh lúa) thì phun trừ bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Sagometro 50WG, Startcheck 755WP,… Sau phun 3- 5 ngày kiểm tra lại, nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao cần phun lại lần 2.

+ Trường hợp mật độ rầy quá cao, đen gốc (trên 10.000 con/m2), có nhiều pha phát dục, có khả năng gây “cháy rầy” thì sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50EC, Vibasa 50EC trộn với cát, dầu diezel để vãi ở gốc lúa, phía trên phun bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Sagometro 50WG, Oscare 50WG,... Trường hợp rầy gây hại mạnh, lúa đã chín gần thu hoạch nên thu hoạch sớm 5-7 ngày để hạn chế thiệt hại do rầy gây ra.

- Khi sử dụng thuốc ruộng phải có nước hiệu quả trừ rầy mới cao. Nên giữ nước trong ruộng lúa đến khi mật độ rầy giảm không có khả năng gây hại mới rút nước để chuẩn bị thu hoạch.

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.526.193
Truy câp hiện tại 13.078