Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Biện pháp quản lý sâu xanh da láng hại hành
Ngày cập nhật 21/09/2022

Sâu xanh da láng là loài sâu đa thực, gây hại trên nhiều loại rau màu như rau ăn lá, đậu các loại, hành tỏi, ớt, cà chua, dưa hấu, nho… Đối với hành, sâu xanh da láng gây hại rất nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất. Do tập tính sâu sống trong ống hành và vào đến tối mới bò ra ngoài gây hại, sâu nhanh kháng thuốc nên việc phòng trị rất khó khăn. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, mang lại hiệu quả kinh tế cao sau mỗi vụ trồng hành bà con nên tìm hiểu và nắm vững các biện pháp phòng trị phù hợp để hạn chế tác hại của loài sâu này.

 

* Vòng đời của sâu khoảng 30 - 35 ngày, diễn biến cụ thể như sau:

-  Mỗi con cái đẻ trên 300 - 400 trứng, trứng được đẻ thành từng ổ trên lá, tập trung từ giữa lá đến ngọn lá, mỗi ổ từ 20 - 30 trứng, sau 5 - 6 ngày trứng nở ra sâu non.

- Sâu non có 5 tuổi, thời gian 15 - 16 ngày. Sâu tuổi 1 sau khi nở chui vào bên trong ống hành ăn phần thịt lá, qua tuổi 2 - 3 chúng phân tán sang các lá xung quanh. Sâu hoạt động mạnh về đêm, ban ngày nhất là khi nắng nóng thường chui xuống đất. Sâu gây hại bằng cách ăn thịt lá làm mất chất diệp lục, giảm khả năng quang hợp làm bụi hành còi cọc, trường hợp mật độ cao sâu ăn trụi hết lá.

- Sâu tuổi 5 chui ra khỏi ống hành hóa nhộng nằm trong đất (nhộng màu nâu, cuối bụng có 2 gai nhỏ, phía trên lưng có 2 gai nhỏ khác thời gian 5- 6 ngày thì vũ hóa thành bướm.

* Tập quán sinh sống và cách gây hại:

- Sâu xanh da láng thường phát triển và gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn. Ban đêm sâu gây hại mạnh, còn ban ngày khi nắng nóng sâu thường chui xuống đất. Sâu gây hại bằng cách cạp nhu mô lá từ bên trong, làm lá mất chất diệp lục, giảm khả năng quang hợp làm bụi hành còi cọc. Sâu mới nở sống tập trung ăn các phần non của cây; sâu tuổi lớn ăn phá mạnh hơn, lá bị cạp thủng lỗ chỗ, gãy gập, đứt ngọn. Sâu thải phân bên trong ống hành.

- Nếu không phát hiện sớm và diệt trừ kịp thời, sâu sẽ tích lũy số lượng rất nhanh cắn phá rất mạnh, làm cho cọng hành bị khô héo, chết, xơ xác, cả bụi hành trở nên vàng úa, còi cọc, cả ruộng hành bị trắng xoá, tàn lụi.

* Biện pháp phòng trừ

Biện pháp canh tác:

Vệ sinh đồng ruộng, cày ải diệt sâu, nhộng. Trước khi trồng cần đưa nước vào ngập ruộng hoặc sử dụng màng phủ nilon diệt nhộng trong đất.

Luân canh với các cây không phải ký chủ của sâu (lúa nước).

Chọn giống đã thu hoạch vụ trước từ ruộng ít bị sâu bệnh, sinh trưởng khỏe.

Không nên trồng với mật độ quá dầy và thường xuyên tỉa lá gốc để cây thông thoáng.

Bắt sâu bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều tối; ngắt bỏ các lá bị hại, các ổ trứng sâu đưa ra khỏi ruộng để tiêu hủy.

Nên tổ chức trồng đồng loạt trên một vùng đất. Sau khi thu hoạch phải có thời gian để đất nghỉ tối thiểu 15- 20 ngày và xử lý đất bằng vôi bột (20- 25 kg/sào) trước khi trồng lứa mới, những vùng có điều kiện cho nước vào và ngâm tối tiểu 5- 7 ngày. Bón lót đầy đủ, bón phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma để hạn chế nấm bệnh trong đất; bón thúc đúng thời điểm và cân đối đạm- lân- kali. Giống hành trước khi đem trồng phải xử lý bằng thuốc hóa học để hạn chế sâu ngay từ đầu.

Sử dụng bẫy dính để bẫy bướm nhằm hạn chế mật độ ngay từ đầu, đồng thời theo dõi cao điểm bướm vào bẫy để xác định thời điểm phòng trừ sâu non lứa tới. Sử dụng 15- 20 bẫy/sào, nên sử dụng đồng loạt để tăng hiệu quả của việc sử dụng bẫy.

Biện pháp hóa học:

Với mật độ nhẹ, phun các loại thuốc ít độc như: Abatin 1.8EC Silsau 3.6EC,… Với mật độ gây hại cao, sử dụng luân phiên các loại thuốc khác nhau: Radiant 60SC, Prevathon 5SC,… Sau phun 5- 7 ngày kiểm tra lại nếu sâu không chết (cây hành tiếp tục bị hại) mới phun lại lần 2.

Lưu ý:

Nên phun thuốc lúc chiều mát và thay đổi thuốc sau một lần phun; đảm bảo thời gian cách ly cho từng loại thuốc ghi trên nhãn.

Kiểm tra ruộng vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và thu gom các trứng mang đi tiêu huỷ.

Sâu gia tăng mật số nhanh hơn và kháng thuốc cũng mạnh hơn; nên chú ý kiểm tra kỹ khi hành còn non để có thể bắt sâu hoặc ổ trứng, hoặc phun thuốc ngăn chặn kịp thời không cho bộc phát mật số, nhất là trong vụ Xuân – Hè là mùa có mật số sâu cao nhất.

Vào cuối vụ Xuân – Hè thì mật số của các loài thiên địch thường tăng cao như nấm ký sinh, vi rút NPV, ong kén trắng… Do đó nên hạn chế sử dụng thuốc sâu vào lúc này để bảo vệ chúng.

Thị Kỳ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 5.116