Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ vụ đông xuân 2022 - 2023
Ngày cập nhật 26/12/2022

Vụ Đông Xuân 2022-2023, thị xã Hương Trà gieo sạ khoảng 1.700ha lúa, 660ha lạc, 608ha sắn… Nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngày 20/12/2022, Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà ra công văn số 173/DB-TTDVNN về việc dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ vụ Đông Xuân 2022-2023. Chúng tôi xin trích dẫn nội dung như sau:

I. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất trong vụ

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, diễn biến thời tiết vụ Đông Xuân 2022-2023 như sau:

Từ tháng 01-02/2023, mỗi tháng có 03-05 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường gây ra các đợt rét đậm rét hại và các đợt mưa trên diện rộng. Đặc biệt trong tháng 01 lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Những đợt mưa này ảnh hưởng đến việc gieo sạ, sinh trưởng của cây lúa giai đoạn đẻ nhánh và các cây trồng khác.

Tháng 3/2023, có 02-03 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá gây ảnh hưởng đến rau màu và cây công nghiệp dài ngày ở các xã miền núi.

II. Dự kiến tình hình sinh vật gây hại chủ yếu trên một số cây trồng chính vụ Đông Xuân 2022-2023

Căn cứ kết quả điều tra sâu bệnh thời gian qua cho đến nay, căn cứ tình hình thời tiết và quy luật phát sinh phát triển của sâu bệnh qua nhiều năm trên địa bàn thị xã; căn cứ dự báo số 503/DB-TTBVTV, ngày 01/12/2022 của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dự báo một số sâu bệnh chính gây hại trên một số cây trồng chủ yếu như sau:

1. Cây lúa

1.1. Ốc bươu vàng: Trận lụt lớn ngày 15,16/10/2022 đã tạo điều kiện cho ốc bươu vàng dịch chuyển đều trên hầu hết diện tích các HTX và sẽ gây hại mạnh ngay từ đầu vụ. Đặc biệt chú ý vùng trũng như ruộng bàu, ruộng nẩy của Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Vân OBV mật độ rất cao và gây hại nặng.

1.2. Chuột: Do bị lụt lớn nên hầu hết diện tích cồn mồ, ruộng lúa trên địa bàn thị xã bị ngập, vì vậy lượng chuột bị tiêu diệt khá nhiều. Lúa chét, cỏ dại sau lụt không phát triển nên nơi cư trú, nguồn thức ăn của chuột cũng bị thu hẹp. Dự báo đầu vụ Đông Xuân tới chuột phát sinh và gây hại nhưng nhẹ hơn so với vụ ĐX 2021-2022. Đến tháng 3, 4 giai đoạn lúa làm đòng- trổ chuột gia tăng mật số tại chỗ và di cư từ các vùng gò đồi xuống cắn phá lúa nhưng tỷ lệ gây hại cũng sẽ thấp hơn mọi năm. 

1.3. Sâu cuốn lá nhỏ: gồm các lứa chính sau:

- Lứa 1: Vũ hoá 21-31/12/2022, gây hại nhẹ trên lúa chét và cỏ giường.

- Lứa 2: Vũ hoá 20-30/01/2023, gây hại nhẹ lúa giai đoạn mạ.

- Lứa 3: Vũ hoá 20-28/02/2023, gây hại đại trà giai đoạn đẻ nhánh.

- Lứa 4: Vũ hoá 21-31/3/2023, gây hại giai đoạn đứng cái, làm đòng.

- Lứa 5: Vũ hoá 18/4-25/4/2023, gây hại giai đoạn trổ-chín.

Vụ Đông Xuân năm nay, khả năng sâu sẽ gây hại mạnh từ lứa 03, đặc biệt gây hại nặng lứa 4, 5 giai đoạn lúa từ đòng đến trổ chín.

1.4. Rầy các loại:

- Lứa 1: Phát sinh gây hại 15-25/02/2023 giai đoạn đẻ nhánh, mật độ thấp.

- Lứa 2: Phát sinh gây hại 17-27/03/2023 giai đoạn đứng cái- làm đòng.

- Lứa 3: Phát sinh gây hại 16-26/4/2023 giai đoạn trổ chín, mật độ gia tăng nhanh, diện phân bố rộng, có khả năng gây hại nặng cục bộ trên các giống nhiễm, gieo sạ dày.

1.5. Bệnh đạo ôn:

- Bệnh đạo ôn lá: Gây hại từ giai đoạn mạ- đẻ nhánh, khả năng bệnh sẽ gây hại nặng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 vì đây là giai đoạn lúa phân đốt, tượng khối sơ khởi gặp thời tiết ấm lên. Bệnh có xu hướng ngưng, phát triển chậm vào tháng 4, 5 do nắng nóng xuất hiện với nền nhiệt từ 35- 37oC. Chú ý nhất các giống nhiễm như  Xi23, HT1, ... diện tích gieo cấy ở chân ruộng có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối, bón thừa đạm ...

- Đạo ôn cổ bông, cổ gié: Gây hại giai đoạn lúa trổ trên các chân ruộng không phun phòng, phun phòng muộn hoặc phun không đúng kỹ thuật.

1.6. Bệnh khô vằn:

Gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái làm đòng và hại nặng giai đoạn lúa trổ- chín, đặc biệt trên các chân ruộng gieo sạ dày, bón nặng đạm.

1.7. Bệnh lem lép hạt:

Bệnh phát sinh gây hại giai đọan trỗ chín trên tất cả các giống. Chú ý nhất các chân ruộng bón nhiều đạm, ruộng bị nhiễm chua phèn; Các giai đoạn xung yếu (trổ, phơi mao) gặp thời tiết bất lợi như: mưa kéo dài, nắng nóng nhiệt độ cao, ẩm độ không khí thấp, ...bệnh gây hại càng nặng.

2. Cây lạc

Bệnh héo rũ do các loại nấm (mốc đen, mốc trắng, thối đen rễ,...): gây hại chủ yếu giai đoạn cây con đến ra hoa đâm tia. Bệnh thối tia, thối củ (do nấm Pythium, Rhizoctonia,...) gây hại từ cây con đến củ già, hại nặng từ khi ra hoa đâm tia rộ đến quả vào chắc.

3. Cây sắn

- Bệnh khảm lá sắn sẽ phát sinh và gây hại ngay từ đầu vụ trên diện rộng do niên vụ tới hom giống chủ yếu được bà con lấy từ diện tích sắn đã nhiễm bệnh tại chỗ để trồng.

- Nhện đỏ, bọ phấn, rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng: Có khả năng phát sinh gây hại từ tháng 4- 8 (cao điểm gây hại vào tháng 5- 7), nhất là trên các vùng cao khô hạn, ruộng chăm sóc, bón phân kém.

4. Rau màu các loại

- Sâu tơ, sâu xanh da láng, sâu xanh bướm trắng: Gây hại từ khi gieo đến khi thu hoạch trên các loại cải bẹ xanh, bẹ trắng, ... Bọ nhảy gây hại quanh năm trên các loại rau thuộc họ thập tự. Gây hại nặng nhất từ tháng 3 đến tháng 5.

- Dòi đục cọng hành: Từ tháng 3-5 thời tiết nóng dần, dòi có tính kháng thuốc cao nên rất khó phòng trừ .

5. Cây ăn quả có múi

- Bệnh chảy gôm: Sau trận lụt gây ngập nặng, vườn ẩm ướt, cây có sức đề kháng yếu bệnh chảy gôm có khả năng phát sinh và lây lan mạnh từ tháng 12 đến tháng 3. Chú ý nhất là những vườn đất nặng, thoát nước kém, vườn già cỗi, chăm sóc kém. Bệnh muội đen, bệnh nám quả, rụng trái gây hại mạnh sau các đợt mưa ở các vườn chăm sóc, vệ sinh kém, vườn cây lâu năm, vườn tạp.

- Sâu đục thân, đục cành phát sinh gây hại quanh năm, sâu vẽ bùa gây hại nặng các đợt ra lộc non vào thời kỳ tháng 2, 3 và tháng 8, 9.

6. Cây cao su

- Bệnh rụng lá Corynespora phát sinh gây hại quanh năm, nhất là sau các đợt mưa nắng xen kẻ (nhiệt độ thích hợp 28- 300C, ẩm độ >85%), bệnh phát tán lây lan nhanh, nếu nặng gây rụng lá ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Chú ý nhất các dòng vô tính RRIV2, RRIV4,…

- Bệnh loét sọc mặt cạo hại trên cao su kinh doanh, nhất là các vườn khai thác không đúng kỹ thuật, không vệ sinh và phòng bệnh miệng cạo sau khi kết thúc mùa khai thác. Bệnh héo đen đầu lá gây hại sau các đợt rét, mưa phun

III. Định hướng các biện pháp phòng trừ vụ Đông Xuân 2022-2023

1. Cây lúa

- Tăng cường công tác cày lật, nhất là ở các vùng cao; bón vôi 25- 30kg/sào để tiêu hủy nguồn sâu bệnh, cải tạo độ chua phèn của đất; sử dụng giống lúa xác nhận, không gieo sạ dày.

- Bón cân đối đạm, lân, kali ngay từ đầu vụ; nên bón lót và bón thúc kịp thời, đúng thời gian sinh trưởng cây lúa và theo phương thức “nặng đầu nhẹ cuối”.

- Đối với ốc bươu vàng: Thu gom ốc và ổ trứng tiêu diệt để hạn chế mật độ ngay từ đầu vụ. Xử lý bằng các loại thuốc có độc tính thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường và động vật thuỷ sinh ngay khi lúa mới gieo sạ.

- Đối với chuột: Ngay từ  khi xuống vụ cần đặt bả tiêu diệt sớm để tránh lây lan. Tích cực đánh bắt đồng bộ bằng các loại bẫy, đặt bã thuốc vào tháng 3, 4 giai đoạn lúa đòng - trỗ vì đây là giai đoạn chuột gia tăng mật số trở lại. Tuyệt đối không dùng điện để đánh bắt chuột.

- Các đối tượng còn lại: Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa, thời điểm phát sinh gây hại của sâu bệnh, Trung tâm DVNN sẽ ra những thông báo cụ thể để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.

2. Cây lạc

Làm đất kỹ; bón lót 50% vôi trước lúc cày vở, 50% bón khi tàn hoa lứa 1 kết hợp chăm sóc, làm cỏ, xới xáo, bón phân để cây sinh trưởng phát triển khỏe, hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại.

Để phòng trừ nhóm đối tượng nấm bệnh gây héo rũ khi cây lạc mới gieo đến đâm tia ra hoa: Nên bón phân hữu cơ có ủ chế phẩm Trichoderma, sử dụng giống kháng, vệ sinh đồng ruộng, thâm canh tốt để cây khoẻ chống chịu tốt, luân canh cây trồng để hạn chế bệnh.

3. Cây sắn

Thực hiện các biện pháp quản lý và chuẩn bị nguồn giống sắn sạch bệnh để trồng trong niên vụ. Theo dõi chặt chẽ nguồn giống sắn trồng lấy từ các vùng xung quanh, nhất là các vùng có dịch bệnh để chủ động phòng ngừa.

Thường xuyên kiểm tra ruộng sắn để phòng trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh), đặc biệt các vùng đã từng nhiễm bệnh.  

4. Rau màu

- Đối với bệnh hại: vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh, bón vôi trước khi cày vỡ, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục (có ủ chế phẩm Trichoderma) nhằm hạn chế nguồn bệnh tích luỹ trong đất.

- Đối với sâu hại: thường xuyên theo dõi, có biện pháp đúng và kịp thời, nếu phải phun thuốc, nên phun các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng cho rau, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.

5. Cây ăn quả có múi:

- Đối với bệnh chảy gôm bà con nên sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoại mục để bón; quét vôi, thuốc hoá học có gốc đồng vào gốc và thân cây (độ cao khoảng 0,8- 1m) sau mùa lụt để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Ngoài ra nên bón kết hợp cân đối đạm- lân- kali theo quy trình để giúp cho cây phát triển và tăng sức chống chịu với bệnh gây hại.

- Các đối tượng khác thường xuyên kiểm tra để phòng trừ kịp thời.

6. Cây cao su

.- Đối với bệnh rụng lá Corynespora: Vệ sinh vườn, chăm sóc bón phân đúng chu kỳ, khai thác mủ hợp lý. Khi mới bị bệnh sử dụng thuốc Vivil 5SC, Anvil 5SC để phun trừ, đặc biệt nên phun phòng khi cây ra lá non.

- Đối với bệnh loét sọc mặt cạo: Làm sạch vết thương, dùng một trong các thuốc như Aliette 800WG, Ridomil Gold 68WG,...hòa nước để bôi vào vết bệnh.  Bôi 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày, khi cây lành bệnh mới khai thác mủ trở lại.

Trên đây là dự báo tình hình sâu bệnh chính phát sinh trong vụ để các địa phương tham khảo, có kế hoạch chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ. Trong quá trình chỉ đạo, căn cứ vào diễn biến thời tiết và dịch hại xuất hiện trên đồng ruộng, Trung tâm sẽ có thông báo cụ thể vào các thời kỳ dịch hại phát sinh cao điểm, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất./.

Bá Dũng - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 515