Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa gieo sạ vụ Đông Xuân 2022- 2023
Ngày cập nhật 11/01/2023

Vụ Đông xuân 2022- 2023, kế hoạch gieo sạ lúa trên địa bàn thị xã khoảng 1.700ha. Đến nay lúa 01 vụ đã gieo 25,5ha (VXTây 20ha, P.Ốc 5,5ha). Các HTX sẽ gieo sạ tập trung 10- 20/01/2023. Theo dự báo của Trung tâm KTTV Thừa thiên Huế, từ tháng 01- 02/2023, mỗi tháng có 03- 05 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường gây ra các đợt rét đậm rét hại và các đợt mưa trên diện rộng. Tháng 01 lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Thời tiết này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ, sự sinh trưởng của lúa và đặc biệt là việc sử dụng thuốc trừ cỏ đầu vụ sẽ gặp khó khăn, có thể gây chết lúa nếu sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật.  

Để phòng trừ cỏ dại cho ruộng lúa an toàn, hiệu quả, ngày 04/01/2023 Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà ra thông báo số 03/TB-TTDVNN về việc hướng dẫn phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa gieo sạ vụ Đông Xuân 2022- 2023. Chúng tôi xin trích dẫn nội dung như sau:

1. Biện pháp canh tác

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng, cỏ dại đem tiêu hủy. Nên bón lót phân đầy đủ, bón cân đối đạm- lân- kali ngay từ đầu vụ, những chân ruộng chua phèn nên bót lót vôi.

- Gieo sạ xong nếu nhiệt độ xuống thấp dưới 170c nên giữ mặt ruộng khô ráo (đủ ẩm), không để ruộng đọng nước hoặc bị ngập nước kéo dài lúa sẽ chết.

- Sau khi gieo, tùy điều kiện thời tiết và chiều cao cây lúa để điều tiết mực nước trong ruộng thích hợp, khống chế sự nảy mầm của hạt cỏ và làm cỏ chậm phát triển.

2. Biện pháp hóa học:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ cỏ, mỗi loại có tính năng tác dụng diệt cỏ, cách sử dụng khác nhau và được chia thành 2 nhóm chính: tiền nảy mầm và hậu nảy mầm.

a/ Nhóm tiền nẩy mầm: Các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm đều có chất an toàn đối với cây lúa như Sofit 300EC, Vifiso 300EC, Prefit 300EC, Sonic 300EC, Venus 300EC,... Là những loại thuốc dùng để phòng trừ các loại cỏ mọc từ hạt, phun khi hạt cỏ chưa nẩy mầm, phun sau gieo sạ 1- 4 ngày, khi phun trong ruộng phải đủ ẩm.

b/ Nhóm hậu nẩy mầm: Thường không có chất an toàn đối với cây lúa, sử dụng khi cỏ đã mọc mầm. Nhóm này chia thành 2 nhóm nhỏ:

- Hậu nẩy mầm sớm: Gồm các loại thuốc như Sirius 10WP/70WDG, Star 10WP, Top super 119WP, Pyanchor 3EC,… sử dụng khi cỏ có 1- 2 lá, khi phun thuốc trong ruộng phải có nước 1- 3cm, sau khi phun giữ nước trong ruộng ít nhất 3 ngày.

- Hậu nẩy mầm muộn: Gồm các loại thuốc như Nominee 100OF/10SC,  Clincher 10EC, Dany 20DF, Topshot 60 OD,… sử dụng khi cỏ có 2- 3 lá, khi phun thuốc nên tháo cạn nước (phải đủ ẩm) để lá cỏ tiếp xúc với thuốc, sau khi phun 1- 3 ngày phải đưa nước vào ruộng cho ngập lá cỏ và giữ nước trong ruộng ít nhất 5 ngày.

Lưu ý:

+ Khi phun thuốc trừ cỏ không được trộn chung thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm, không trộn với các loại thuốc bảo vệ thực vật khác (kể cả phân bón lá) và không phun thuốc khi nhiệt độ ngoài trời < 170C;

+ Cấm sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate, 2,4D và Paraquat để phun trừ lúa chét và cỏ dại trên đồng ruộng trước làm đất;

+ Phun đúng nồng độ, liều lượng ghi trên nhãn. Không phun chồng lối.

+ Đối với thuốc tiền nảy mầm: Sau khi phun thuốc cỏ, không để ruộng khô nẻ, không để ruộng đọng nước cục bộ.

Trên đây là một số hướng dẫn phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa gieo sạ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị UBND các phường, xã; Giám đốc các HTXNN trên địa bàn thị xã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của thuốc đến sinh trưởng phát triển cây lúa./.

Bá Dũng - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 10.537