Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sâm Bố Chính
Ngày cập nhật 01/12/2023

Ngày 13/11/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-SNNPTNT về việc Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sâm Bố Chính.

I. Đặc điểm chung

Cây Sâm Bố Chính (Abelmoschus sagittifolius (Kurz), Merr.)  thuộc họ Bông (Malvaceae). Cây thân thảo sống lâu năm, cao từ 30 - 50 cm, thích ứng nhiều ánh sáng, độ ẩm trung bình. Cây thường mọc vào mùa xuân, tàn lụi vào mùa đông, mùa hoa quả tập trung từ tháng 6 đến tháng 8.

Cây Sâm Bố Chính là loại cây thuốc bản địa, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được trồng trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Củ, hoa Sâm Bố Chính được sử dụng làm nguyên liệu chế biến: Ngâm rượu, ngâm mật ong, chế biến nước giải khát, trà, …làm các món ăn tùy theo nhu cầu của người sử dụng.

Ở Thừa Thiên Huế, Sâm Bố Chính mới được trồng rãi rác tại các huyện A Lưới, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, …

II. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây Sâm Bố Chính

1. Chuẩn bị đất trồng

Sâm Bố Chính có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp với đất thịt nhẹ, pha cát, tơi xốp, có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, đất bãi bồi ven sông suối.

Đất được rải vôi bột và cày sâu 20-25cm, bừa kỹ, làm đất nhỏ, bằng phẳng, sạch cỏ dại và thực bì, lên luống rộng 1,0 - 1,2 m; khoảng cách luống từ 0,3 - 0,5m; cao 30-40 cm. Trên đất gò đồi, độ dốc phù hợp từ 10-15­0.

Trước khi gieo hạt 2- 3 ngày, dùng 500 ml Nano Đồng pha với bình 15 - 20 lít nước phun cho 500 m2. Lưu ý, phun dung dịch đều trên mặt đất để hỗn hợp nano ngấm xuống tầng đất 5 - 7 cm.

2. Thời vụ trồng

Thích hợp trồng vào các thời điểm thời tiết mát mẻ, độ ẩm từ 65 - 80% hạt sẽ dễ nảy mầm. Thời vụ trồng từ 25/12 - 28/2 dương lịch.

3. Giống và phương pháp trồng

3.1. Giống

Tiêu chuẩn hạt giống đem gieo: Hạt giống phải đảm bảo tỷ lệ nảy mầm ≥ 90%; Độ thuần ≥ 95%, lẫn tạp < 5%;  P­­1000 hạt ≥ 9,0 g; Độ ẩm 9-10%;  Kích thước hạt; Dài hạt ≥ 0,3 cm và Rộng hạt ≥ 0,2 cm. Không có mầm sâu bệnh hại.

Hạt giống mua phải rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn làm giống.

3.2. Phương pháp trồng

Làm sạch hạt giống bằng nước sạch 2 - 3 lần. Không chà xát mạnh hạt giống,  dùng tay đảo nhẹ trong 2 - 5 phút để loại bỏ hạt lép, lửng.

Dùng 15 ml chế phẩm Nano Đồng pha với 1 lít nước ngâm với lượng hạt 0,5 kg trong thời gian 2 - 3 tiếng. Tốt nhất ngâm hạt giống khoảng từ 18 h đến 21 h tối, sau đó vớt ra để ráo và sáng ngày sau gieo.

Gieo hạt trực tiếp theo hàng, gieo 2 - 3 hạt, gieo hạt theo hàng so le theo kiểu nanh sấu và phủ một lớp đất mỏng khoảng 1,0 – 1,5 cm. Nếu đất thiếu ẩm (ẩm độ đất < 60%) cần tưới nước giữ ẩm sau gieo, có thể phủ bạc để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.

Chú ý: Giữ ẩm trong 3 tháng đầu, có thể tưới nước giữ ẩm 1-2 lần trong ngày, tưới vào buổi sáng, chiều, tùy vào độ ẩm của tầng đất canh tác.

Tỉa dặm: Sau khi cây con ra lá thật thì tiến hành tỉa dặm, loại bỏ cây xấu và mỗi hốc chỉ để lại 1 cây khỏe.

4. Mật độ, khoảng cách

Trồng bằng hạt, sử dụng lượng hạt giống từ 3 - 5 kg/ha, gieo hạt đảm bảo mật độ 110.000 cây/ha, tương ứng với khoảng cách hàng cách hàng 30 cm và cây cách cây 30 cm.

5. Phân bón

5.1. Liều lượng (cho 1 ha):

10 tấn phân chuồng ủ hoai mục + 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 400kg lân nung chảy + 400kg NPK (16:16:8) + 80kg KCl + 500kg vôi bột

5.2. Phương pháp bón phân

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + Phân hữu cơ vi sinh + 100% lân. Vôi bột được rải đều trên mặt luống sau khi cày xong. Toàn bộ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh và phân lân bón theo hàng hoặc hốc, sau đó lấp một lớp đất mỏng khoảng 1,0 – 1,5 cm.

- Bón thúc: Chia làm 3 lần

+ Lần 1: Sau khi cây ra lá thật (20 - 25 ngày sau gieo) bón 24kg KCl + 120kg NPK bón theo hàng.

+ Lần 2: Sau trồng 1,5 – 2,0 tháng, khi cây có 8-10 lá thật, bón 24kg KCL+ 120kg NPK bón theo hàng

+ Lần 3: Sau trồng 4 – 5 tháng. Khi cây bắt đầu giao tán, hoa nở đều, bón 32kg KCl + 160kg NPK còn lại. Bón theo hàng, bón xong tưới nước, giữ ẩm cho cây.  (Tùy theo dinh dưỡng từng chân đất để điều chỉnh lượng phân bón theo tỷ lệ hợp lý)

6. Chăm sóc

- Đợt 1: Làm cỏ kết hợp với bón thúc lần 1 và phun nano Đồng với liều lượng 500 ml pha với bình 20 lít nước sạch phun đều cho 500 m2.

- Đợt 2: Làm cỏ kết hợp với bón thúc lần 2 và phun nano Đồng với liều lượng 500 ml pha với bình 20 lít nước sạch phun đều cho 500 m2.

- Đợt 3: Làm cỏ kết hợp với bón thúc lần 3 và phun nano Đồng với liều lượng 500 ml pha với bình 20 lít nước sạch phun đều cho 500 m2.

Từ cuối tháng 5, đặc biệt là tháng 6, tháng 7, khi cây ra hoa nhiều, cần ngắt hết toàn bộ hoa, nụ để dinh dưỡng tập trung nuôi củ.

Lưu ý: Không sử dụng thuốc diệt cỏ.

7. Quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại

Sản phẩm của cây Sâm Bố Chính làm dược liệu và làm thực phẩm nên việc quản lý và phòng trừ dịch hại phải áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên các thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại.

Một số loại sâu bệnh hại chính thường xuất hiện trên các vùng trồng Sâm như: rệp muội đen, sâu tơ, bọ xít, lở cổ rễ, sùng hà. Bệnh thối gốc, rễ; Bệnh héo xanh do vi khuẩn.

- Bệnh thối gốc, rễ: Do nấm Fusarium gây ra. Nấm Fusarium có sẵn trong đất sẽ dễ dàng tấn công vào chóp rễ, làm rễ bị thối. Bệnh thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, trồng mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, vườn thường xuyên ngập nước và thoát nước kém, …

 + Biện pháp phòng trừ sinh học: Sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đối kháng như (nấm Trichoderma sp) bón vào đất nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan.

 + Biện pháp hóa học thường có hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh hại nặng có thể dùng một số loại thuốc phun để hạn chế bệnh lây lan như: Insuran 50WG, Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG…,

- Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Dùng giống kháng, luân canh cây trồng có hiệu quả hạn chế được bệnh. Xử lý hạt giống kết hợp vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón.

8. Thu hoạch

Sau khi trồng 7 - 8 tháng, cây bắt đầu vàng lụi; khi thu hoạch, loại bỏ phần thân lá, lấy phần rễ củ đã được rủ sạch đất cát. Nên thu hoạch trước mùa mưa. Sau khi thu hoạch cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, sau 2 - 3 năm trồng Sâm cần luân canh với cây trồng khác 2-3 vụ để tránh thiệt hại do nấm bệnh tồn dư…,

Sâm Bố Chính tươi sau thu hoạch cần rửa sạch bằng nước sạch và bảo quản trong túi hút chân không sẽ ngăn ngừa vi khuẩn và nấm mốc phát triển, giúp hạn chế hư hỏng, giảm hao hụt khối lượng./.

Anh Văn - Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.622.462
Truy câp hiện tại 398