Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (khóa XI) ở Đảng bộ thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 22/03/2017

Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã ban hành kế hoạch và tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thị xã, đồng thời chỉ đạo cho cấp uỷ cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với 2.550 cán bộ, đảng viên tham gia học tập, trong đó đảng viên chiếm 83,5%. Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTHĐ/TU, ngày 09/9/2013 để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 20 trong toàn Đảng bộ; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, địa phương, đơn vị triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân thị xã bám sát Chương trình hành động của Thị ủy để chỉ đạo các ban, ngành chức năng, UBND phường, xã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả; chỉ đạo Phòng Kinh tế thị xã ;Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã thường xuyên tuyên truyền Nghị quyết 20 và Chương trình hành động của Thị ủy sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Thường vụ Thị ủy đã thường xuyên lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tăng cường chỉ đạo và thực hiện việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào các lĩnh vực, các ngành; phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển bền vững của địa phương. Hiên nay,  các thành tựu KH&CN đã được ứng dụng ngày càng nhiều trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ủy ban nhân dân thị xã đã tăng cường kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư vào địa bànNhà máy Dược phẩm Hiền Vĩ,  nhà máy Gạch bê tông, nhà máy chế biến gia công sản xuất giấy tại cụm công nghiệp Tứ Hạ, dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh mộc mỹ nghệ của Công ty TNHH Khang Ninh tại cụm làng nghề mộc mỹ nghệ Xước Dũ (Hương Hồ), nhà máy chế biến gỗ tại Hương Chữ, cơ sở sản xuất kinh doanh chế tác đá mỹ nghệ tại Hương Thọ… Đến nay, cụm công nghiệp Tứ Hạ đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với quy hoạch và thân thiện với môi trường, diện tích giai đoạn 2 đến nay đã lấp đầy được 44,5%... Công tác khuyến công được triển khai có hiệu quả, đã hỗ trợ cho các cơ sở kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến như: máy ép củi trấu; máy cắt kẹo đa năng, giàn máy chảo, máy cưa lọng, máy Tupi, máy liên hợp, máy đục vuông, máy phay mộng, máy cắt gỗ...

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, do đó trong thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng cường việc ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến trong sản xuất để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Ủy ban nhân dân thị xã cũng đã tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh các khu quy hoạch; đến nay, đã hoàn thành quy hoạch chung thị trấn Tứ Hạ mở rộng đề nghị UBND tỉnh quyết định, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm các phường Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Hồ và quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng vùng chuyên canh sản xuất cây thực phẩm phường Hương Xuân, Hương Chữ; Quy hoạch phát triển điện lực thị xã Hương Trà giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020; Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Tứ Hạ mở rộng và Quy hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN, làng nghề giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và cán bộ, công chức trên địa bàn thị xã tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong công tác và trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trang Website của Ủy ban nhân dân thị xã đã được nâng cấp và thường xuyên được cập nhật, đăng tải giúp cho việc tra cứu, nắm bắt thông tin phục vụ công tác ngày càng nhanh chóng, thuận tiện và được đánh giá là một trong những trang thông tin điện tử tốt nhất của tỉnh. Ủy ban nhân dân thị xã đã áp dụng hiệu quả 6 phần mềm dùng chung: hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thị xã, đăng ký - xếp lịch và phát hành giấy mời, quản lý hồ sơ một cửa, khiếu nại tố cáo. Tất cả cán bộ công chức đã sử dụng thành thạo các phần mềm dùng chung trong giải quyết công việc, 100% giấy mời phát hành qua mạng; văn bản được xử lý trực tiếp trên hệ thống hồ sơ công việc; đơn thư khiếu nại, tố cáo được cập nhật đầy đủ và chuyển xử lý trên phần mềm; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của công dân qua hệ thống 1 cửa điện tử; theo dõi kết quả, tiến độ thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành, thông báo kết luận của lãnh đạo thị xã trên phần mềm. Thị ủy đã kết nối mạng LAN với Tỉnh ủy và Văn phòng, UBKT và các Ban của Đảng, Ủy ban nhân dân thị xã đã kết nối mạng WAN cho 18 phòng ban và 16 phường, xã; 10/16 xã, phường có trang thông tin điện tử. Tạo và cấp 311 tài khoản thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức các phòng, ban, UBND các phường, xã. Cán bộ, công chức, viên chức thị xã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc. Đưa vào sử dụng Chứng thư số của UBND và Văn phòng HĐND&UBND thị xã. Hệ thống quản lý chất lượng tại Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà đã được công nhận phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực y tế đã được chú trọng, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Trung tâm Y tế thị xã, Bệnh viện Đa khoa Bình Điền đã sử dụng hiệu quả các thiết bị, phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế để được chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới. Bệnh viện thị xã đã được UBND tỉnh công nhận Bệnh viện hạng II năm 2016. Trung tâm y tế Dự phòng thị xã đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trung tâm Y tế thị xã đã phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong toàn cán bộ y tế thị xã; đã có 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, 16 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu và công nhận.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, một số lĩnh vực như: bưu chính viễn thông phát triển khá mạnh, mạng Internet, điện thoại di động đã kết nối và phát triển rộng khắp. Hệ thống đài truyền thanh thị xã và trạm truyền thanh cơ sở được tăng cường, chất lượng và thời lượng phát thanh được nâng cao, 15/16 xã phường có hệ thống truyền thanh không dây. Cơ cở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và ngày càng phát triển, góp phần hỗ trợ cho dạy và học đạt chất lượng cao. Lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, đã có 34/64 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 53,12%. Vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể, đã thực hiện tốt Đề án thu gom xử lý rác thải trên địa bàn, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đạt 80%.

Trong giai đoạn 2012-2016 nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương, tỉnh, thị xã) cho hoạt động KH&CN thị xã khoảng 2,87 tỷ đồng, đã quan tâm bố trí ngân sách cho việc phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN, đồng thời huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm. Bên cạnh đó thị xã cũng đã tăng cường phổ biến những tiến bộ và chuyển giao những thành tựu KH&CN thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất cho người dân trên địa bàn như kỹ thuật sản xuất giống lúa RG3.3, trồng và chăm sóc đu đủ Đài Loan, nuôi cá Chạch trong ao bùn, sản xuất giống lạc mới TK10,… Qua các lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức, giải pháp cơ bản giúp người dân chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế hơn.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn đăng ký và công bố nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với sản phẩm mắm, nước mắm làng Dừa (Hải Dương); đăng ký nhãn hiệu Ngọc Vân cho sản phẩm Bún khô, phở khô; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và thành lập hội nghề đối với sản phẩm bún tươi làng nghề thôn Vân Cù (Hương Toàn).

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 20, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh, chỉ đạo tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển KH&CN, góp phần quan trọng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa kinh tế thị xã phát triển khá ổn định. Nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống trong cán bộ, đảng viên và phần lớn nhân dân được nâng lên rõ rệt. Việc ứng dụng KH&CN ở các lĩnh vực mang lại hiệu qủa thiết thực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục… hoạt động KH&CN trong các trường học, đơn vị sự nghiệp từng bước đổi mới; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước có nhiều tiến bộ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và cải cách hành chính hiện nay. … Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại đó là: Một số cấp ủy đảng, ngành, địa phương chưa quan tâm trong lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 20 và Chương trình hành động số 05 của Thị ủy. Lĩnh vực KH&CN chưa có những đóng góp lớn mang tính đột phá để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong phát triển sản xuất; chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của thị xã.  Kết quả nhân rộng các mô hình thí điểm chuyển giao công nghệ chưa cao, các mô hình chuyển giao chưa phong phú, việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KH&CN ở các cơ sở còn lúng túng, chất lượng chưa cao;

Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục khắc phục những tồn tại hạn chế trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Thị ủy đã tập trung bàn một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện quan điểm, mục tiêu trong Chương trình hành động số 05-CTHĐ/TU, ngày 09/9/2013 của Thị ủy về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đó là:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ: Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; kế hoạch ứng dụng, phát triển KH&CN là một trong những nội dung trọng tâm của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương. Gắn kết đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Tuyên truyền, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phát triển KH&CN; khuyến khích các cơ sở mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; chú trọng tuyên truyền, ứng dụng vào sản xuất và đời sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số dự án ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả kinh tế cao, để người dân, doanh nghiệp thấy được hiệu quả thực sự của công nghệ. Tiếp tục phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp và trong nhân dân để tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, giá thành hạ.

2. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tăng cường cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn; thực hiện 100% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận, đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các cơ sở chế biến, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại để đánh bắt thủy hải sản xa bờ, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản; quan tâm phát triển dịch vụ cung ứng giống cây trồng, thu hoạch cây lâm nghiệp, chế biến mủ cao su.Phối hợp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình sản xuất giống cây, con năng suất cao, phù hợp với biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất. Phát triển các vùng lúa, vùng lạc chuyên canh; xây dựng và chuyển giao kỹ thuật trồng các giống cây có giá trị kinh tế; luân canh, thực hiện các mô hình nuôi trồng xen ghép để tận dụng các điều kiện nuôi trồng, tiết kiệm chi phí, công lao động vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Xây dựng một số mô hình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Hoàn thành và thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và thủy lợi.

Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến trong sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực công tác, sản xuất và đời sống xã hội; đưa công nghệ thông tin trở thành hoạt động phổ cập trong toàn xã hội. Nâng cấp, tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm văn phòng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; bồi dưỡng trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cấp mạng thông tin liên kết từ thị xã đến cơ sở.

Khuyến khích các cơ sở y tế trên địa bàn nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp khám chữa bệnh tiên tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đầu tư trang thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; gửi cán bộ đi đào tạo, tiếp thu chuyển giao công nghệ, các phương pháp điều trị tiên tiến.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ; mở rộng mạng di động, khuyến khích việc nối mạng Internet để phục vụ công tác, phát triển hệ thống truyền thanh không dây, thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chú trọng tìm hướng khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Khuyến khích đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong sản xuất kinh doanh, quan tâm việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá…

3. Hoạt động quản lý nhà nước: Tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư cho KH&CN, từng bước xã hội hoá các hoạt động KH&CN. Cần có sự quan tâm đúng mức và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc phát triển KH&CN. Thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức, bổ sung biên chế công chức chuyên trách làm công tác KH&CN, chú trọng thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quản lý hành chính về lĩnh vực phát triển KH&CN.

4. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ: Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường phổ thông. Phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN của thị xã đủ sức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn. Từng bước hình thành các doanh nghiệp KH&CN với đầu tư trang bị hiện đại, hướng đến xây dựng các mô - đun công nghệ cao để thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài. Chuyển các đơn vị sự nghiệp thành doanh nghiệp KH&CN, khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN trong khu vực dân doanh. Khuyến khích phát triển các tập thể, nhóm nghiên cứu theo chuyên đề làm tiền đề hình thành các doanh nghiệp KH&CN. Thực hiện tốt chính sách tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới các trang, thiết bị theo công nghệ hiện đại. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển KH&CNvà đào tạo nhân lực, trước hết cần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, đưa công nghệ thông tin ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trường học, liên kết, mở rộng nhiều hình thức đào tạo phù hợp với các đối tượng đặc biệt chú ý đưa đào tạo nghề về tại địa phương, tại các làng nghề cho nông dân, lao động tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các phần mềm chuyên dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tập trung nguồn lực để đầu tư vào các dự án KH&CN có chất lượng, hiệu quả; tăng cường quảng bá, kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển KH&CN trên địa bàn để đa dạng hóa nguồn vốn.

Mai Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.612.913
Truy câp hiện tại 5.190