Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X)
Ngày cập nhật 30/03/2017

10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Quá trình tổ chức triển khai Chỉ thị, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục & đào tạo, các ban, ngành liên quan và Hội Khuyến học thị xã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) đến đội ngũ cán bộ chủ chốt thị xã và Hội Khuyến học các xã, phường; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và Hội Khuyến học từ thị xã đến cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 11 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo UBND huyện (nay là thị xã) tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 11 và triển khai Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 29/6/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) thị xã Hương Trà giai đoạn 2012-2020 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND, ngày 26/01/2015 về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và chỉ đạo UBND các xã, phường tạo điều kiện về cơ sở vật chất để Hội Khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) hoạt động; chỉ đạo kiện toàn Ban Giám đốc TTHTCĐ các phường, xã.

Trên cơ sở văn bản của Tỉnh ủy, UBND thị xã, các cơ quan, ban, ngành liên quan đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nhiều cơ hội học tập cho các tầng lớp nhân dân và phát triển giáo dục & đào tạo. Hằng năm trong hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học Phòng Giáo dục & đào tạo đều có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Những kết quả thực hiện Chỉ thị thể hiện trên các mặt, đó là:

Về công tác tuyên truyền, giáo dục: Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo UBND thị xã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức triển khai truyên truyền bằng nhiều hình thức hệ thống các văn bản, qua sinh hoạt chi bộ, hội, đoàn thể… đến toàn thể người dân; Phòng giáo dục & Đào tạo phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 11 và các văn bản liên quan trong toàn Ngành Giáo dục.

UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học thị xã, Đài truyền thanh, đặc biệt là qua bản Tin Giáo dục, Bản tin Khuyến học tới các nhà trường và Hội Khuyến học cơ sở để tuyên truyền về nội dung Chỉ thị 11; phản ánh các gương sáng, những điển hình tốt trong việc thực hiện chỉ thị.

Thị xã đã chú trọng đến việc tăng cường quán triệt thực hiện Chỉ thị 11 thông qua chương trình tập huấn công tác chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT với 03 lớp cho hơn 200 lượt học viên. Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã đã phối hợp với Hội Khuyến học thị xã thông qua các Hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết, về “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến  học, thôn, tổ dân phố khuyến học” qua đó thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục, huy động các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; đã thường xuyên mở các đợt học tập bồi dưỡng, quán triệt cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học thông qua các đợt sinh hoạt chính trị hè.

Thị xã đã quán triệt cho các phường, xã chỉ đạo Hội khuyến học ở cơ sở thường xuyên phối hợp với các trường học và các TTHTCĐ ở phường, xã triển khai thực hiện từng bước các mục tiêu đã đề ra; xây dựng những điển hình tiên tiến về phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”. Hằng năm, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tổ chức biểu dương, khen thưởng các địa phương và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm nhằm kịp thời tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT ở các địa phương; kết hợp với việc đẩy mạnh các phong trào  thi đua của ngành như phong trào “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng XHHT đã được chú trọng, đặc biệt phong trào “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, phong trào “Học tập nâng cao chất lượng cuộc sống” ở các lớp chuyên đề tại các TTHTCĐ, công tác dạy nghề đã được phát huy có hiệu quả. Thông qua công tác tuyên truyền mọi người dân có nhận thức rõ rệt về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, mỗi người tự ý thức được nhiệm vụ học tập suốt đời, nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn nghề nghiệp.

Về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng XHHT: Qua 10 năm triển khai thực hiện các mục tiêu, đề án theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của tỉnh và thị xã; các tiêu chí của mục tiêu xây dựng XHHT trên địa bàn thị xã Hương Trà đã cơ bản được hoàn thành và thực sự có hiệu quả.

- Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ:

+ Phổ cập giáo dục mầm non: thị xã và các phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

+ Phổ cập giáo dục tiểu học: thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 01 xã đạt chuẩn mức độ 2.

+ Phổ cập giáo dục THCS: 16/16 phường, xã đạt chuẩn mức độ 1, đạt 100%; trong đó có 11/16 phường, xã đạt chuẩn mức độ 2, đạt 67,75%. Thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

+ Xóa mù chữ: thị xã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1.

- Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thị xã đến cơ sở:

Thị ủy đã thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị: cao cấp 57 đồng chí, trung cấp 355 đồng chí; chuyên môn nghiệp vụ: sau đại học 05 đồng chí, đại học 24 đồng chí; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, cập nhật kiến thức 67 đồng chí.

UBND thị xã đã cử 118 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, cán bộ lãnh đạo quản lý Nhà nước.

 Cấp ủy, chính quyền các xã, phường đã cử cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã với 30.793 người.

Nhìn chung, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thị xã đến các xã, phường đã được nâng lên. Thị xã đã quan tâm cử cán bộ đi bồi dưỡng đào tạo hằng năm nhằm củng cố và dần nâng cao chất lượng về trình độ các mặt cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn trong thời kỳ mới.

- Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo UBND thị xã đã triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các chương trình phát triển nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án 1956 của Chính phủ. Hằng năm, Trung tâm Dạy nghề thị xã (nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã) đã  tham mưu cho UBND thị xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn và triển khai thực hiện có hiệu quả. Kết quả, từ năm 2007 đến nay, đã mở được 110 lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề với 2.995 lượt người tham gia (trong đó có cả đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật)

- Kết quả xây dựng và nội dung hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên:  

Trước đây, thị xã có 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và 01 Trung tâm dạy nghề. Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDDT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ chủ trương hợp nhất các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm với trung tâm giáo dục thường xuyên, thị xã Hương Trà đã tiến hành sáp nhập 03 trung tâm (TTGDTX, TT KTTH-HN và TT Dạy nghề) vào tháng 6 năm 2016 thành 01 trung tâm với tên gọi là là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã trực thuộc UBND thị xã, đã hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định, từng bước đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả.

Đối với công tác khuyến học, khuyến tài: Thị xã đã có hệ thống mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tương đối hoàn chỉnh và ổn định đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Mạng lưới trường học được phân bổ đều trên địa bàn toàn thị xã. Các xã, phường đều có các TTHTCĐ bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao kiến thức và chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã được các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương quan tâm. Các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, các dòng họ, các cá nhân ngày càng tham gia một cách tích cực trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ngày càng phát huy tác dụng, động viên khuyến khích hỗ trợ hoạt động giáo dục dạy - học và phát triển tài năng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thị xã.

Các chi hội khuyến học các thôn, làng, tổ dân phố; dòng họ; cơ quan trường học với đều được xây dựng và phát triển rộng khắp. Hiện nay, các xã, phường trên địa bàn thị xã có Hội Khuyến học, 62 hội cơ sở trường học, 60 chi hội ở các dòng họ, cộng đồng thôn, tổ dân phố (15 chi hội dòng họ, 45 chi hội cộng đồng thôn, tổ dân phố).

Việc xây dựng "gia đình hiếu học" và "dòng họ khuyến học" đã trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp trong toàn thị xã, là nhân tố cần thiết và quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đặc biệt để xây dựng cả nước trở thành một "xã hội học tập". Các "gia đình hiếu học" và "dòng họ khuyến học" đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh trong hệ thống nhà trường trong thị xã.

 Đặc biệt nhờ phong trào hoạt động của Hội Khuyến học phối hợp tốt với ngành giáo dục đào tạo nên chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng học tập của học sinh có sự chuyển biến khá tốt, việc đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học luôn được thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, đã tổ chức tuyên dương tôn vinh các tập thể, cá nhân, gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu toàn thị xã. Hội Khuyến học thị xã đã tham mưu cho Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tập huấn mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, và “Đơn vị học tập”. Xây dựng thôn, tổ dân phố chăm lo cho sự nghiệp giáo dục được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Việc thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài: Hội Khuyến học từ thị xã đến cơ sở đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng việc lãnh, chỉ đạo; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Ngoài ra, đã phối hợp với các đoàn thể ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các nội dung về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Chủ động tổ chức các hoạt động gây quỹ kịp thời tổ chức phát thưởng cho học sinh, giáo viên tiêu biểu và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Khuyến học thị xã cũng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Phòng Lao động-Thương binh -Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã... huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trao 116 chiếc xe đạp, 3.847 bộ quần áo và áo ấm, 4.446 dụng cụ học tập và trên 2,8 tỷ đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số vươn lên học giỏi góp phần giảm tỷ lệ hoc sinh bỏ học giữa chừng.

Hội Khuyến học các xã, phường, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị trường học các cấp hội đã thăm hỏi, tặng quà các nhà giáo có hoàn cảnh khó khan, khen thưởng các nhà giáo có thành tích xuất sắc về giảng dạy, tổ chức gặp mặt, trao học bổng, cho hàng ngàn em học sinh nghèo vượt khó, học sinh tật nguyền, học sinh là con gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học tiêu biểu, học sinh giỏi, học sinh đạt các giải trong các kỳ thi học sinh giỏi thị xã, tỉnh, quốc gia và quốc tế, học sinh thi đỗ đại học với 5.365 suất với trên 850 triệu đồng.

Cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích học sinh nghèo học giỏi, học sinh tài năng, Hội khuyến học còn giúp đỡ, tư vấn, giới thiệu học sinh, sinh viên đi du học, đi làm … Những hoạt động này đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học và khuyến học thu hút được nhiều gia đình, cộng đồng dân cư, các đoàn thể nhân dân tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thị xã hướng tới xây dựng một XHHT.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị: Sau khi có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị uỷ đã có những chủ trương và các giải pháp tích cực, đồng thời chỉ đạo UBND thị xã triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, nâng cao dân trí đáp ứng nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thị xã, góp phần xây dựng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước như: phát triển mạng lưới trường lớp, thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của thị xã, đầu tư cơ sở vật chất…

Nhìn chung, qua 10 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn thị xã đã phát triển khá sâu rộng và đem lại những hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp trong công tác huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội làm công tác khuyến học, khuyến tài; tổ chức và hoạt động của Hội Khuyến học xã, phường và các chi hội dần đi vào nền nếp, có chất lượng; phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, tổ dân phố hiếu học được đẩy mạnh, các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT phát triển đa dạng; các chi hội khuyến học phát triển và hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ khuyến học tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, không ngại khó khăn tuyên truyền, vận động, phát triển sự nghiệp khuyến học. Những hoạt động đó góp phần làm cho mọi người, mọi nhà, mọi ngành quan tâm hơn đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 11, Ban Thường vụ Thị ủy đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian đến như sau:

Về mục tiêu

Xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập suốt đời rộng khắp trong toàn thị xã; tạo được phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của thị xã.

Về nhiệm vụ và giải pháp:

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 11 và các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của UBND thị xã đã ban hành. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng XHHT từ thị xã đến các xã, phường nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng XHHT trên địa bàn thị xã.

- Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khuyến học từ thị xã đến cơ sở vững mạnh. Đồng thời, làm tốt công tác phát triển hội viên, coi trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, tránh hình thức. Quan tâm công tác tập huấn cho cán bộ Hội từ thị xã đến cơ sở.

- Nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong giảng dạy và học tập; xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị khuyến học. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Chú trọng và kịp thời phát hiện để bồi dưỡng nhân tài, nhất là tài năng trẻ trên các lĩnh vực. Tích cực vận động nhân dân học tập nâng cao hiểu biết và trình độ chuyên môn, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75%, nhất là lao động nông thôn nhằm tăng năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống. Gắn việc việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT với phong trào làm kinh tế giỏi, giảm nghèo bền vững và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

- Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm HTCĐ ở các xã, phường nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức của nhân dân.

- Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Hội Khuyến học với ngành Giáo dục và Đào tạo, các ngành, Mặt trận, các hội, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; trong đó Hội Khuyến học các cấp làm nòng cốt trong việc liên kết, phối phợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã cần tích cực, chủ động tổ chức hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT theo tinh thần xã hội hoá giáo dục.

- Duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục bậc Trung học phổ thông. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của cả 4 cấp học: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT. Huy động toàn xã hội chăm lo cho giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng quỹ khuyến học ở các xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, dòng tộc, ... 

- Thường trực Hội Khuyến học thị xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn thị xã. Chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và tuyên dương khen thưởng, nhân rộng các các mô hình hay, có hiệu quả và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện phong trào khuyến học, xây dựng XHHT ở các địa phương, đơn vị.

- Đưa công tác khuyến học thành tiêu chí thi đua của từng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa, làng tổ văn hóa. Gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, coi công tác khuyến học là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nhằm đào tạo con người có chất lượng để xây dựng thị xã ngày càng phát triển giàu mạnh và bền vững.

- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; đồng thời chú trọng công tác thi đua khen thưởng, quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

- Cần lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng cư dân, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, tự nguyện, có năng lực hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có điều kiện về sức khỏe, thời gian và am hiểu về công tác khuyến học để tham gia vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học các cấp.

- Phải phát triển đồng bộ cả giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên để tạo ra thế trận phát triển toàn diện, hỗ trợ lẫn nhau. Coi trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức và nội dung học tập phù hợp với từng đối tượng trong xã hội.

- Người đựợc phân công làm công tác Hội, nhất là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội phải có tâm huyết và nhiệt tình với công tác Hội mới làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói chung và công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT nói riêng.

Kim Ngân (Ban Tuyên giáo)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.575.691
Truy câp hiện tại 5.857