Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Ngày cập nhật 04/07/2018

Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trên địa bàn thị xã Hương Trà

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.          Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã ban hành kế hoạch và tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết 29 cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thị xã; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các ban, ngành, đoàn thể, các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên của địa phương, đơn vị (đạt 92,7%) và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ủy ban nhân dân thị xã đã thường xuyên lãnh, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trên địa bàn thị xã, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh thông qua nhiều hình thức.

Nhìn chung, qua triển khai, quán triệt Nghị quyết 29 đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nói riêng và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở từng địa phương, đơn vị. Từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ khâu tổ chức học tập, xây dựng kế hoạch đến phân công và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tham mưu xây dựng chương trình hành động sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về nội dung Nghị quyết 29 có nhiều chuyển biến, đề ra được nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết

Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các tổ chức đảng và các ngành chức năng thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã; ban hành Chương trình hành động số 06-CTHĐ/TU của Thị ủy về thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 23/10/2014 để triển khai thực hiện Nghị quyết 29 gắn với Chương trình hành động số 21-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy; chỉ đạo UBND thị xã ban hành kế hoạch, chương trình hành động, các chương trình đổi mới giáo dục và đào tạo từng giai đoạn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội chăm lo xây dựng sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Các xã, phường đã ban hành chương trình hành động, các văn bản thực hiện sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo UBND thị xã kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức hoạt động, đội ngũ quản lý giáo dục. Hiện toàn thị xã có 64 trường, trong đó có 01 trường 2 cấp học; 62/64 trường có đủ đội ngũ quản lý. Đã thực hiện chủ trương sáp nhập 03 đơn vị Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề thị xã thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã phù hợp với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn.

Công tác xây dựng Đảng trong trường học được chú trọng, hằng năm tỷ lệ kết nạp đảng viên trong toàn ngành giáo dục đạt khoảng 30% trên tổng số đảng viên kết nạp trong toàn Đảng bộ; công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường được các cấp ủy và ngành giáo dục quan tâm thường xuyên; 100% trường học đều có tổ chức đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện khá tốt, có các mô hình hay, các gương điển hình tiêu biểu được Ban Thường vụ Thị ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng, tiêu biểu như trường THPT Đặng Huy Trứ, Trường Tiểu học Hương Hồ, Trường THCS Hà Thế Hạnh... tạo được sức lan tỏa trong hệ thống giáo dục trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ được các cấp ủy và ngành giáo dục tiến hành thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 29 tại các cơ sở giáo dục.

Công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thị xã được quan tâm. Trên địa bàn thị xã không có tổ chức dạy thêm trong nhà trường; có 12  cơ sở dạy thêm, học thêm được cấp phép. UBND thị xã thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Qua kiểm tra cho thấy công tác dạy thêm, học thêm được thực hiện khá tốt, đa số chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, trên địa bàn thị xã chỉ có 01 trường hợp dạy thêm trái quy định tại phường Tứ Hạ, đã chấn chỉnh rút kinh nghiệm và đăng ký dạy thêm đúng quy định.

Ủy ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức của học sinh, đảm bảo hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ, dạy nghề theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên cập nhật phương pháp dạy và học theo hướng đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục kiểu truyền thụ một chiều, tăng cường đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ, tin học nhằm giúp người học tự cập nhật và đổi mới tri thức theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các trường học trên địa bàn thị xã đã chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; trong đó chú trọng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhất là các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, chính trị, tư tưởng; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng, an ninh; giáo dục hướng nghiệp cho học sinh... nhằm hình thành nhân cách lối sống lành mạnh và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho học sinh. Đến nay, đã được một số kết quả, cụ thể:      

- Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 25,23% (tăng 4,26% so với năm 2013); trẻ 3 - 5 tuổi đến trường mầm non đạt 87,08% (tăng 6,46% so với năm 2013). Năm 2017, 100% xã, phường đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ trong các trường Mầm non suy dinh dưỡng thể thấp còi là 3,35% (giảm 2,32% so với năm 2013), thể nhẹ cân là 2,26 % (giảm 2,22 % so với năm 2013).

- Giữ vững và phát triển thành quả về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS:

+ 15/16 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 01 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 11/16 xã, phường đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 16/16 xã, phường đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

+ Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,94%; tốt nghiệp THCS đạt 99,87% và tốt nghiệp THPT đạt 96,3%.

- Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các ngành học: Mầm non đạt 4/18 trường, đạt 22,22%; Tiểu học 21/28 trường, đạt 75%; THCS 12/15 trường, đạt 80% và THPT 02/04 trường, đạt 50%.

- Tổ chức dạy học 02 buổi/ngày: Tiểu học: đạt 100%, THCS đạt 25%

- GDNN-GDTX hoạt động có hiệu quả, giai đoạn 2013-2018 đã mở 54 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.400 học viên, trong đó phối hợp mở tại các Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường là 24 lớp với 586 học viên.

Ngoài ra, các trường THPT trên địa bàn đã thường xuyên quan tâm tổ chức các hội thi nhằm rèn luyện, trang bị thêm kỹ năng, tri thức cho học sinh như: Sáng tạo Khoa học kỹ thuật, Thắp Sáng Tri Thức, Tìm hiểu về Sức khỏe sinh sản...

Việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được triển khai thực hiện khá tốt; đánh giá học sinh ngay trong quá trình theo dõi kết quả từng giai đoạn nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Thực hiện tốt việc xây dựng ma trận đề kiểm tra, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, bám sát nội dung sách giáo khoa, chú trọng kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng; đảm bảo mức độ nhận biết, kiểm tra, đánh giá theo hướng "mở" đối với các môn khoa học xã hội; tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả các chuyên mục trên website các trường và của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã nhằm cung cấp, giới thiệu đề thi, kiểm tra các cấp...

Triển khai thực hiện tốt Thông tư số 30/2014/TT-BGDDT, ngày 28/8/2014 và nay là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT, ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư số 58/2011/TT-BGD ĐT, ngày 12/12/2011 về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT. Thông qua cách đánh giá này, đã giảm nhẹ áp lực và đồng thời phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học; kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành.

Công tác kiểm tra học kỳ, thi tốt nghiệp THCS, THPT; tuyển sinh đầu cấp; thi học sinh giỏi các cấp; ra đề kiểm tra, sao in… bảo đảm theo kế hoạch, an toàn, đúng quy chế. Quản lý hồ sơ, học bạ đúng theo quy định; quản lý và làm thủ tục chuyển trường, tiếp nhận học sinh THCS, THPT đi và đến đảm bảo quy trình ISO.

Công tác kiểm định chất lượng được các đơn vị quan tâm trong quá trình tự đánh giá và đề nghị được đánh giá ngoài. Đến nay có 87,5% đơn vị được đánh giá ngoài (tăng 76,56% so với năm 2013)       

Mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn thị xã cơ bản giữ ổn định và được điều chỉnh hợp lý; thông qua công tác xã hội hóa, các trường đã huy động được nguồn học bổng, học phẩm hằng năm cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cũng như phát thưởng cuối năm cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập.

UBND thị xã đã chỉ đạo GDNN-GDTX, các Trung tâm học tập cộng đồng phường, xã, các trường học xây dựng chương trình, chuyên mục, tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: treo dán các khẩu hiệu, pa-no, áp phích… nhằm tuyên truyền sâu rộng Tuần lễ học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; các lớp học nghề cho lao động nông thôn; các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; các lớp xóa mù chữ, phổ biến khoa học kỹ thuật...

- Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng

UBND thị xã đã chỉ đạo ngành giáo dục trên địa bàn triển khai thực hiện khá tốt Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, các trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm (đạt 100%). Hằng năm, các trường đều xây dựng và thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả, tiết kiệm.

Công tác dự báo, quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tiếp tục được quan tâm; cơ cấu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý từng bước được điều chỉnh hợp lý.

Công tác điều hành và quản lý được thực hiện thông qua kế hoạch, quy chế đảm bảo dân chủ, công khai. Ngành đã tích cực chỉ đạo đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Đặc biệt việc ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý cán bộ, tài chính, chương trình dạy học đã mang lại hiệu quả thiết thực; 100% trường học đều có website, chế độ thông tin báo cáo được thực hiện qua hệ thống website của ngành, đảm bảo được tính kịp thời, chặt chẽ, thông suốt và hiệu quả; hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng, tình hình giáo dục trên địa bàn thị xã.

- Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các bậc học trên địa bàn được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy  học. Công tác quản lý được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức gắn với quy hoạch của từng giai đoạn được quan tâm; thông qua các lớp bồi dưỡng, giao việc, các trường đã từng bước lựa chọn được đội ngũ cán bộ giáo viên có năng lực, phẩm chất để bồi dưỡng làm nguồn quy hoạch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quy định được tăng cường; đến cuối năm 2017, số giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn là 100%.

- Tăng cường nguồn đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển  giáo dục và đào tạo

Việc ứng dụng các phần mềm quản lý tài chính, tài sản được thực hiện khá tốt, tạo điều kiện để thực hiện chế độ báo cáo biên chế, tiền lương và các chế độ khác kịp thời, đầy đủ chính xác. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm nên phát huy hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước; 100% trường học đều được tầng hóa.

Các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài thị xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường lớp; trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng vươn lên trong học tập. Hội khuyến học các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong thị xã đã vận động trao nhiều suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và phần thưởng cho học sinh giỏi.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghê, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý

Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện khá tốt, nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến phương pháp dạy và học tập được áp dụng và có giá trị thực tiễn tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã tập trung chỉ đạo các trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh. Hằng năm đều có tổ chức các hoạt động phát triển năng lực học sinh như: “Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cho học sinh THCS và THPT”, “Cuộc thi sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng”, “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn”, “Thi giải toán trên Máy tính cầm tay”... đa số các trường học đã tham gia tích cực các hoạt động giáo dục này, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ

Nhìn chung việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã đã có nhiều chuyển biến đáng kể cả về nhận thức và hành động. Giữ vững và phát triển thành quả về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS; quy mô và mạng lưới trường, lớp các cấp học phát triển đều khắp và tăng lên đáng kể. Tỷ lệ trẻ em đi học trong độ tuổi đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của thị xã. Hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt 87,08%. Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được quan tâm giữ vững. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường được thu hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học từng bước được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học. Công tác quản lý giáo dục được quan tâm cải tiến, đổi mới về phương pháp thực hiện, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các trường. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế đó là:           Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Việc huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp tuy có cao hơn năm học 2013-2014 song so với mặt bằng chung còn thấp. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc THCS, THPT vẫn còn cao.

Ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa nhiều; công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư ở một số địa phương làm chậm. Việc xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất ở một số trường chưa được quan tâm đúng mức và tiến hành chậm nên đã ảnh hưởng tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là ở ngành học mầm non. Số trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt kế hoạch; số trường, lớp, học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp THCS còn thấp.

Công tác cải cách hành chính ở nhiều đơn vị chuyển biến chưa mạnh; công tác phát hành và lưu trữ văn bản, hồ sơ còn nhiều bất cập; một số trường quản lý, sử dụng thiết bị dạy học chưa tốt, vẫn còn tùy tiện trong việc thực hiện các quy trình, quy định.

Cán bộ quản lý có đổi mới trong công tác quản lý nhưng chưa có những giải pháp mang tính đột phá, khả năng linh hoạt và sáng tạo cũng còn hạn chế.

Một số giáo viên còn hạn chế về sử dụng công nghệ thông tin và chưa thật sự phát huy hết năng lực. Việc đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học tuy có chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao, còn lúng túng và chuyển biến chậm.

Việc định hướng của gia đình và một bộ phận học sinh về mục đích học tập chưa tốt làm ảnh hưởng đến quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tạo sự nhất quán về nhận thức và hành động từ việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ giải pháp phù hợp để kiểm tra kết quả thực hiện. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những mặt hạn chế nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện về giáo dục đào tạo của thị xã.

Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước về công tác giáo dục đào tạo; coi trọng chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

- Tiếp tục chú trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn thị xã.

Tăng cường công tác thanh tra thường xuyên, định kỳ, thanh tra các kỳ thi; kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, coi trọng công tác thi đua. Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các nhà trường vững mạnh.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo thị xã. Tiếp tục phát triển các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài ở các địa phương, đơn vị, dòng họ. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục. Thực hiện tốt 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa.

- Phát triển giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình; bước đầu hình thành xã hội học tập. Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Duy trì và củng cố bền vững kết quả xóa mù chữ. Tiếp tục mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hoài Trang (Ban Tuyên giáo Thị ủy)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 8.637