Tìm kiếm thông tin

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chương trình Việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020
Ngày cập nhật 10/09/2018

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định về chương tình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu và chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

 

*Mục tiêu

Huy động tổng hợp các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm, phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, phát huy thế mạnh nguồn lực lao động của tỉnh nhà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

*Chỉ tiêu

1. Giải quyết việc làm cho 64.000 lao động (bình quân 16.000 lao động/ năm), trong đó:

a) Tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 53.400 lao động;

b) Hỗ trợ tạo việc làm cho 8.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm;

c) Đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 300 lao động thuộc diện chính sách được hỗ trợ.

2. Giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,71% (thất nghiệp thành thị dưới 2,36%);

3. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn 21% năm 2020;

4. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó đào tạo nghề 70%;

5. Nâng tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm lên 30%.

*Đối tượng, phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện

1. Đối tượng áp dụng: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các tổ chức có liên quan.

2. Phạm vi áp dụng: Thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến hết năm 2020.

*Nhiệm vụ và giải pháp

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm

-Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp thuận lợi để thu hút đầu tư; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và các chương trình, đề án, dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới cho 53.400 lao động.

-Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động.

-Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế so sánh, tiến tới sớm hình thành và khẳng định thương hiệu các trung tâm: du lịch – dịch vụ; y tế chuyên sâu; giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

-Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, du lịch để đưa số người làm việc tại khu vực này tăng từ 236.971 người năm 2016 (chiếm 38,7% tổng lao động trong nền kinh tế) lên 267.700 người vào năm 2020 (chiếm 41,5% tổng số lao động).

- Phát triển nhanh khu vực công nghiệp - xây dựng để đưa số lượng lao động trong khu vực này tăng từ 179.922 người năm 2016 (chiếm 29,4%) lên 241.900 người năm 2020 (chiếm 37,5%).

- Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững hướng đến giảm số lượng lao lao động tại khu vực này giảm từ 195.167 người năm 2016 (chiếm 31,9%) xuống còn 135.500 người năm 2020 (chiếm 21%).

Phát triển nhanh, mạnh mạng lưới doanh nghiệp, doanh nhân và  thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới

-Hỗ trợ phát triển mạng lưới doanh nghiệp và doanh nhân để tạo việc làm mới, đồng thời ổn định việc làm bằng mối quan hệ hài hòa trong lao động

-Thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm nhằm tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho 8.000 lao động

Hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa lao động đi làm việc ở các trung tâm kinh tế trong cả nước

-Thực hiện có hiệu quả Đề án quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017 – 2020.

- Các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế trong nước. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tư vấn, kết nối cung cầu, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động

 -Đầu tư nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động; đồng thời kết nối với các tỉnh khác trong toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động trong tỉnh.

 -Nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm: Duy trì thường xuyên, định kỳ, nâng cao tần suất (3-4 phiên/tháng), chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề để kết nối cung - cầu và tư vấn việc làm cho người lao động; xây dựng website kết nối cung cầu lao động trực tuyến; hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về cầu và cung lao động nhằm làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm của người lao động.

 -Thực hiện điều tra cung - cầu lao động: Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động theo Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24/7/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; củng cố, nâng cao năng lực công tác dự báo và thông tin thị trường lao động.

Đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

-Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đánh giá lại chất lượng và có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, giáo trình, đầu tư trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, nhất là các ngành nghề cung cấp lao động cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từng bước nâng chuẩn đào tạo tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế.

-Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với việc giải quyết việc làm sau khi người học hoàn thành khóa học.

-Làm tốt hơn nữa công tác định hướng, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, thu hút được nhiều người tham gia học nghề, tạo điều kiện cho người học được trang bị kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, thái độ nghề nghiệp, đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong nước và nước ngoài.

-Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp... nâng cao khả năng tự tạo việc làm, tự tìm việc làm cho người lao động.

Truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh tại các tổ dân phố, thôn, bản..., thông qua hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giải quyết việc làm.

- Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển các Trung tâm dịch vụ việc làm có đủ năng lực hoạt động, tạo cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin thị trường lao động theo Đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

- Tăng cường năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở các cấp, các ngành; giao chỉ tiêu, kế hoạch về giải quyết việc làm cho các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong lĩnh vực dịch vụ việc làm, xuất khẩu lao động...

Tăng cường công tác quản lý thực hiện Chương trình

- Tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; thường xuyên nắm bắt thực tiễn để bổ sung, sửa đổi, cải tiến cơ chế, chính sách, điều chỉnh các biện pháp thực hiện Chương trình giải quyết việc làm phù hợp với từng năm. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình ở 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.

- Tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình giai đoạn 2017 - 2020. Giám sát, kiểm tra theo chuyên đề hoặc lồng ghép với các chương trình kiểm tra, giám sát khác. Phát huy đồng bộ các hệ thống giám sát, đánh giá: giám sát từ trên xuống, giám sát từ cơ sở, tự giám sát...

-Tổ chức thu thập thông tin về tình hình thực hiện chương trình; định kỳ hàng năm và kết thúc chương trình có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình và đề xuất phương hướng thực hiện trong thời gian tới.

- Tăng cường hoạt động và nêu cao vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp, vai trò quản lý nhà nước cấp huyện. Các cơ quan chức năng cấp huyện tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm những hiện tượng tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động và đình công xảy ra nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tích cực tại doanh nghiệp đảm bảo việc làm và an sinh xã hội.

 

 

 

VP HĐND - UBND Thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 1.795