Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Nghỉ dưỡng cao cấp Huế Spirit Sanctuary tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/05/2021

Ngày 12/5/2021, UBND thị xã ban hành Quyết định số 620/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Nghỉ dưỡng cao cấp Huế Spirit Sanctuary tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; với những nội dung chủ yếu sau:

 

1. Tên đồ án: Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Huế Spirit Sanctuary tại phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế;

2. Vị trí, phạm vi ranh giới và quy mô:

- Vị trí lập quy hoạch thuộc tổ dân phố Long Hồ Thượng 2, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Phạm vi ranh giới cụ thể như sau:

+ Phía Bắc tiếp giáp Sông Hương;

+ Phía Nam tiếp giáp đất trồng cây hằng năm;

+ Phía Đông tiếp giáp đất giao thông và đất trồng cây lâu năm;

+ Phía Tây tiếp giáp đất giao thông.

- Quy mô: Khoảng 6,5ha.

3. Tính chất, mục tiêu quy hoạch 

- Từng bước cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung của thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2014; đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo quản lý trong quá trình phát triển.

- Hình thành Khu nghỉ dưỡng cao cấp, phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển KT - XH của địa phương trên cơ sở khai thác những lợi thế về địa hình địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của địa phương.

- Tăng cường quảng bá hình ảnh của sông núi hữu tình, có cảnh quan thiên nhiên hài hòa với yếu tố tình cảm con người.

- Làm cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch, phát triển dịch vụ đô thị đồng bộ, đa dạng.

4. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật 

Thực hiện theo quy chuẩn, quy phạm Việt Nam hiện hành và các quy phạm xây dựng có liên quan. Khu quy hoạch với tính chất là khu dịch vụ nghỉ dưỡng nên các chi tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng riêng cho khu quy hoạch (phụ lục 1 đính kèm).

5. Nguyên tắc tổ chức mặt bằng

- Cụ thể các khớp nối theo Quy hoạch chung thành phố Huế với thị xã Hương Trà;

- Tạo dựng một khu du lịch, dịch vụ đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại.

- Đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các tiêu chuẩn an toàn, công năng tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ; đặc biệt là về giao thông, sân bãi, phòng cháy chữa cháy....

6. Cơ cấu các khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất

Bố cục tổng mặt bằng được hình thành trên cơ sở tận dụng địa hình và không gian cảnh quan của sông, núi hiện trạng; bao gồm các khu vực sau:

- Khu Nhà đón tiếp.

- Khu dịch vụ Spa.

- Khu dịch vụ Nhà hàng.

- Khu dịch vụ Bar và Hồ bơi.

- Khu biệt thự nghỉ dưỡng.

- Khu tổ chức sự kiện ngoài trời, bến thuyền.

- Khu Câu lạc bộ và sân chơi trẻ em.

- Khu phụ trợ gồm giao thông nội bộ, bãi xe, công trình phụ.

- Khu công viên, cây xanh;

(phụ lục 2 đính kèm).

7.   Giải pháp tổ chức không gian, cảnh quan

Khu vực quy hoạch được bố trí chủ yếu là các nhà vườn với kiến trúc đặc trưng của Huế , cao tối đa 2 tầng, hình thức kiến trúc đồng bộ, phù hợp loại hình nghỉ dưỡng, du lịch.

Giải pháp chính cho toàn khu là dịch vụ nghỉ dưỡng nên công trình được thiết kế theo kiểu biệt thực có mái ngói, sân vườn rộng, mô phỏng kiến trúc nhà vườn đặc trưng của Huế.

- Khu Nhà đón tiếp, là khu vực trung tâm, đón và hướng dẫn du khách sử dụng dịch vụ của khu du lịch. Kết hợp hai bên là những hình khối kiến trúc, công trình phụ trợ tạo sự cảm nhận không gian, cảnh quan hài hòa của sông, núi hiện trạng.

- Khu dịch vụ Spa bố trí riêng biệt, chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng cho du khách.

- Khu dịch vụ Nhà hàng bố trí gần khu vực tiếp đón, có hướng nhìn ra bờ sông; là nơi phục vụ nhu cầu ăn uống của khách. Có các loại ẩm thực đặc trưng của Huế và các khu vực, vùng, miền trong và ngoài nước.

- Khu dịch vụ Bar và Hồ bơi bố trí phía bờ sông phục vụ nhu cầu thư giãn, ăn uống và giải trí của du khách.

- Khu nghỉ dưỡng là các biệt cao cấp có sân vườn, hồ bơi, từ 1- 3 phòng ngủ; loại hình đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Khu tổ chức sự kiện ngoài trời, bến thuyền để tổ chức tiệc cưới, sự kiện kết hợp tham quan du lịch trên sông.

- Khu Câu lạc bộ và sân chơi trẻ em riêng biệt, thoáng mát, rộng rãi nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí; bao gồm sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà với các trò chơi phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

- Khu phụ trợ gồm bãi xe, công trình phụ trợ được bố trí riêng biệt và thuận tiện về giao thông.

- Khu công viên, cây xanh là các mảng cây xanh bố trí xen kẽ các công trình và phân chia các khu chức năng tạo không gian, cảnh quan hài hòa, phù hợp cảm xúc con người gắn với thiên nhiên…;

8.  Giải pháp quy hoạch kiến trúc

8.1. Không gian dịch vụ công cộng:

Các sân chơi, hệ thống đường dạo... sử dụng các vật liệu ốp lát thông dụng (đá, đá granit, gạch ốp, gạch granit...), tùy theo chức năng mà sử dụng vật liệu phù hợp, màu sắc và các chi tiết trang trí tuân thủ theo thiết kế chi tiết. Khuyến khích sử dụng các loại vật liệu địa phương.

Lựa chọn các vị trí thích hợp để bố trí các công trình nghệ thuật công cộng như tượng đài, đài phun nước ... Hình thức phải hài hòa với cảnh quan xung quanh, phương án thiết kế cần được tuyển chọn, thể hiện được các đặc thù của khu vực.

8.2. Các trục giao thông và không gian điểm nhấn:

Tuyến đường rộng 4m xuyên suốt toàn dự án đảm bảo xe PCCC di chuyển được. Còn lại các tuyến đi bộ rộng từ 2m - 3m.

Bố trí các tuyến giao thông với khoảng cách hợp lý, hạn chế các điểm giao cắt, tạo sự liên hoàn và thuận tiện cho khu vực quy hoạch.

Các lối đi, được bố trí theo các tuyến di chuyển chính, kết hợp với ghế ngồi, đèn trang trí. Hạn chế xung đột giao thông bằng cách bố trí đường riêng, an toàn cho xe đạp và người đi bộ. Hệ thống tam cấp, đường dốc đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; đặc biệt là giải các tuyến giao thông cho người khuyết tật, khiếm thị.

Vỉa hè, đ­ường đi bộ xây dựng đồng bộ, hài hoà về cao độ, vật liệu, màu sắc từng tuyến; hố trồng cây có kích th­ước phù hợp về độ rộng, độ bằng phẳng của hè phố đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đặc biệt đối với người khuyết tật; thuận tiện cho việc bảo vệ, chăm sóc cây xanh, cảnh quan.

Khuyến khích hàng rào hình thức cây hoa cắt xén. Hạn chế đối với hàng rào xây: trừ trường hợp có yêu cầu đặc biệt, hàng rào phải có hình thức thoáng, nhẹ, mỹ quan.

Kè chắn đất bờ sông thiết kế theo hướng tăng cường cây xanh (ô cỏ, cây bụi, dây leo...).

8.3. Hệ thống chiếu sáng:

Kết hợp vừa chiếu sáng cho giao thông, vừa chiếu sáng cho không gian và trang hoàng cho công trình xây dựng. Ánh sáng có thể được tạo ra từ hệ thống đèn đường, các cột đèn thấp, đèn từ dưới hất lên, các đèn đặc biệt, ánh sáng hắt lên từ dưới, ánh sáng chiếu vào mặt đứng công trình … Hệ thống chiếu sáng trang trí được thiết kế chi tiết, đồng bộ, mang tính đặc thù, thể hiện ý tưởng tổ chức không gian quy hoạch.

8.4. Chỉ giới đường đỏ:

Chỉ giới đường đỏ của các tuyến, tuân thủ theo qui mô bề rộng lộ giới, trong quy hoạch được xác định cụ thể theo mặt cắt ngang đường đã được thể hiện chi tiết trong bản đồ quy hoạch giao thông và cắm mốc chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500.

8.5. Chỉ giới xây dựng:

Đối với đường tỉnh 12B lùi ≥ 6,0m. Đối với đường nội bộ không có độ lùi xây dựng.

9. Giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

Trên cơ sở các Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01:2019 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; QCVN 07:2016- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các tiêu chuẩn, tài liệu khác liên quan ngành và lĩnh vực để chọn giải pháp thiết kế quy hoạch.

9.1 Chuẩn bị kỹ thuật –San nền :

Căn cứ điều kiện địa hình tự nhiên, khối lượng đào đắp đất nhỏ nhất, yêu cầu đảm bảo thoát nước mặt, giao thông thuận lợi, an toàn, các khớp nối cao độ theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng bởi ngập lụt và sạt lở. Giải pháp san nền như sau:

- Nâng cốt nền để hạn chế ảnh hưởng bởi lũ lụt trung bình hằng năm khoảng 0,3m;

- San nền tương đối phẳng, có độ dốc thấp dần ra xung quanh đảm bảo thoát nước mặt.

- Kết hợp giải pháp kè bảo vệ phía bờ sông đề chống sạt lở đất và ảnh hưởng công trình.

9.2 . Quy hoạch giao thông:

Ngoài quy chuẩn Việt Nam, giải pháp thiết kế giao thông được dựa trên cơ sở  các yêu cầu thiết kế đường đô thị, thiết kế đường ô tô, thiết kế áo đường và các quy định về an toàn liên quan khác.

Nguyên tắc thiết kế giao thông nội bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại phục vụ du khách. Bền vững và gắn với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Tính  kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn quy phạm đồng bộ, đáp ứng mỹ quan chung đô thị.

Tổ chức giao thông chủ yếu giải quyết nhu cầu đi bộ và phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường; cụ thể là sử dụng hệ thống xe điện và không gian đi bộ.

- Giao thông đối ngoại là tuyến trục chính đấu nối đường tỉnh  12B.

- Giao thông đối nội  kết nối trục chính của khu vực quy hoạch gồm:

+ Các tuyến đường rộng 4m, đảm bảo xe PCCC di chuyển được.

+ Còn lại là các tuyến đi bộ rộng từ 2 đến 3m.

  + Bãi xe bố trí hợp lý gần khu vực trung tâm để đảm bảo việc đón và tiễn khách.

9.3. Quy hoạch cấp điện:

Căn cứ các quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn ngành và quy định liên quan như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Các tiêu chuẩn thiết kế về đặt thiết bị điện trong nhà ở và công trình công cộng. Quy phạm trang bị điện. Tiêu chuẩn chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng nhân tạo đường đường phố, quảng trường đô thị...

- Chỉ tiêu: Biệt thự nghỉ dưỡng: 5kW/ biệt thự; Công trình DV - CC: 90W/ m2sàn.

- Nhu cầu sử dụng điện toàn khu vực quy hoạch: Ptt = N x m = 1.034,69 KVA.

- Giải pháp thiết kế:

+ Xây dựng các tuyến cáp ngầm mới cấp điện áp 22KV đấu nối từ nguồn trung thế hiện hữu cấp điện tới trạm biến áp 22/0,4KV trong khu vực. Sơ đồ lưới điện trung áp 22KV là sơ đồ rẽ nhánh mạch đơn. Cáp trung áp sử dụng là cáp ngầm lõi đồng CU/XLPE/DSTA/PVC đảm bảo chất lượng và an toàn. Điểm đấu nối chính xác sẽ được xác định bởi điện lực trong thiết kế chitiết.

+ Trạm biến áp 22/0,4KV; trạm biến áp sử dụng loại trạm khô đặt trong nhà kỹ thuật để đảm bảo an toàn và mỹ quan cho bên trong khu nghỉ dưỡng. Toàn khu có 01 trạm biến áp có công suất 1x1 250KVA để cấp điện cho toàn khu vực.

+ Máy phát điện dự phòng được bố trí tại khu nhà kỹ thuật sẽ tự động khởi động và chuyển nguồn khi có sự cố mất nguồn điện lưới và có khả năng cung cấp điện cho phụ tải trong vòng 10 giây nhờ bộ tự động chuyển nguồn ATS. Máy phát điện cung cấp điện nguồn khẩn cấp cho các thiết bị liên quan đến công tác PCCC hoạt động trong trường hợp khẩn cấp hoặc có cháy xảy ra.

+ Kết cấu lưới hạ áp 0,4 KV theo mạng rẻ nhánh. Trên cơ sở các trạm 22/0,4KV trong từng khu vực dùng điện theo phân vùng phụ tải ở trên, thiết kế các tuyến cáp hạ thế 0,4KV đi ngầm trong rãnh cáp dẫn điện từ trạm 22/0,4kv đến các tủ điện hạ áp cấp điện cho từng phụ tải dùngđiện.

+ Mạng lưới 0,4KV dùng cáp ngầm lõi đồng CU/XLPE/DSTA/PVC đảm bảo an toàn sử dụng. Bán kính phục vụ mạng lưới hạ thế khống chế trong khoảng  300-500 (m) để hạn chế tổn thất điện áp trên đườngdây.

+ Tủ điện hạ thế bố trí trên hè đường tại các cụm căn hộ và công trình để chờ đấu nối cấp điện cho các đối tượng sử dụngđiện.

+ Lưới điện chiếu sáng: Hệ thống chiếu sáng cho các khu văn phòng tiếp đón, các villa, nhà hàng, khu vực phụ trợ (nhà kỹ thuật) và khu vực công cộng, giao thông... thể hiện được những nét đặc trưng của công trình và đảm bảo độ rọi theo tiêu chuẩn. Hệ thống điều khiển cho chiếu sáng được thiết kế đảm bảo tiện ích sử dụng và tiết kiệm điện tối đa. Hệ thống đèn chiếu sáng ngoài nhà sử dụng đèn trang trí cao 2,5m sử dụng bóng led - 220V, khoảng cách giữa các cột đèn từ 10-25m. Chiếu sáng sân vườn cảnh quan cây xanh bố trí đi kết hợp tại các dãi cây xanh dùng bóng led, sẽ được nghiên cứu cụ thể ở bước lập dự án đầu tư và thiết kế bản vẽ thicông. Sử dụng tủ đóng cắt tự động 02 – 03 chế độ đặt trại vị trí nhà kỹ thuật và lấy nguồn cấp từ trạm tại khu vực này.

(phụ lục 3 đính kèm).

9.4.  Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc

Hệ thống thông tin liên lạc được thỏa thuận kết nối từ nhà cung cấp dịch vụ gần khu vực quy hoạch. Khối lượng, công suất đáp ứng theo nhu cầu sử dụng.

Thiết kế mạng lưới thông tin liên lạc đồng bộ, mỹ quan và an toàn.

Cung cấp các dịch vụ hiện đại và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất cho khu quy hoạch, có khả năng thao tác tốt giữa mạng lưới quốc gia và quốc tế.

- Xây dựng và lắp đặt tuyến cáp đồng đi ngầm có tổng dung lượng khoảng 60 đôi từ tủ cáp tổng trong khu vực quy hoạch đến các tủ cáp tại các công trình xây dựng.

- Hệ thống cáp được đi ngầm và đặt trong các tuyến ống và bể xây dựng mới. Lắp đặt dọc 2 bên đường theo điều kiện và nhu cầu cụ thể. Khoảng cách các bể cáp trung bình từ 60m đến 100m.

9.5. Quy hoạch hệ thống cấp nước

* Nguồn cấp nước đấu nối vào ống chính dọc đường tỉnh 12B của Công ty cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành:

- QCVN 01:2019/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng;

- QCVN 01:2018/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

- QCVN 14: 2008/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nước thải sinh hoạt.

- QCVN 07: 2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình hạ tầng kỹ thuật.

- TCXDVN 33: 2006- Cấp nước, Mạng lưới đường ống và công trình-Tiêu chuẩn thiết kế.

TCVN 4513-1988: Cấp nước bên trong -  Tiêu chuẩn thiết kế.

* Giải pháp quy hoạch

Nước được đưa vào bể chứa nước ngầm đặt tại khu kỹ thuật. Từ đây, nước được bơm đến các đối tượng sử dụng nước bằng bơm biến tầng.

Căn cứ vào mặt bằng quy hoạch, thiết kế các tuyến ống cấp nước theo mạng vòng để đảm bảo cung cấp nước liên tục, không bị lắng cặn ở cuối đường ống. Vị trí đấu nối chờ tuyến ống nước máy tại trạm bơm tăng áp ở khu cây xanh.

Mạng lưới trụ cấp nước chữa cháy có khoảng cách ≤150m/trụ và đặt tại các nút giao thông, ống cấp nước cứu hỏa đường kính ≥100mm. Tại vị trí đấu nối đặt van khóa đầu mạng, để dễ dàng thao tác đóng, mở nước khi cần thiết mà không ảnh hưởng đến khu vực khác.

Áp lực nước sinh hoạt  P = 200 kPa – 400 kPa (kilopascal).

(phụ lục 4 đính kèm).

9.6. Hệ thống thoát nước mặt:

Căn cứ tiêu chuẩn thiếtkế TCVN 7957 - 2008 Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài.

Giải pháp thoát nước mưa cho Khu quy hoạch là thiết kế hệ thống thoát nước mưa riêng với thoát nước thải sinh hoạt. Hệ thống thoát nước mưa sẽ được bố trí thu từ tầng mái của nhà, thoát nước mặt và các khu vực chịu ảnh hưởng của nước mưa.

Tổ chức hệ thống thu nước mặt bằng hệ thống ống D400-D800 bố trí dọc các tuyến đường với các hố ga cách khoảng từ 25m - 45m. Riêng nước mặt đường sẽ bố trí các phễu thu nước dọc các tuyến đường để thu nước với số lượng và khoảng cách phù hợp.

Trên mặt bằng quy hoạch chia làm 2 hướng để bố trí hệ thống thoát nước mặt thoát ra sông Hương qua 2 đường ống chính D800.

Tính toán thiết kế hệ thống thoát nước mặt theo phương pháp cường độ giới hạn của Gobatrev. Giải pháp thiết kế hệ thống thoát nước mưa trong khu quy hoạch được thiết kế theo nguyên tắc tự chảy, tận dụng được các dòng chảy tự nhiên phù hợp với mặt bằng kiến trúc và sơ đồ đường giao thông, mạng lưới công trình ngầm. Độ dốc thiết kế theo địa hình tự nhiên và đảm bảo điều kiện làm việc của cống bình thường. Độ dốc đáy cống tối thiểu là 1/D.

9.7. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

Tuân thủ các định hướng chính của quy hoạch chung và các quy hoạch đã được duyệt trên địa bàn. Đảm bảo thoát nước tự chảy và khớp nối được với khu vực xung quanh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân kỳ đầu tư xây dựng.

Phương án thoát nước thải được phân chia thành 1 phân khu có 1 trạm xử lý nước thải tập trung tổng công suất trạm 123m3/ngày đêm; tương đương 80% lượng nước cấp. Sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại mỗi công trình hoặc nhóm công trình đặt một hệ thống xử lý nước thải dưới chân công trình. Sau đó được thu gom dẫn về bể xử ly nước thải để xử lý. Nước sau khi qua hệ thống xử lý phải đạt chất lượng phù hợp yêu cầu và quy định hiện hành. Lượng nước này được chứa trong các bể chứa, được thu gom lại tại các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý tiếp tục đạt tiêu chuẩn loại A QCVN 14:2008/BTNMT và được tái sử dụng để tưới cây xanh.

Thoát nước tràn bể chứa: Là nước mưa hoặc nước thải sau khi đã xử lý sạch phù hợp yêu cầu theo QCVN 14:2008/BTNMT, đủ điều kiện xả thải ra môi trường tự nhiên. Trong trường hợp bể nước không đủ dung tích chứa do nước từ mưa hoặc nước thải sau khi xử lý quá nhiều, lượng nước thừa sẽ được xả ra qua hệ thống ống tràn tự chảy vào các khu xử lý theo quy định.

Chất thải rắn được xử lý triệt để và không để lại tác động về sau lên hệ sinh thái khu vực. Các chất thải rắn được xử lý chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Chất thải rắn được thu gom, phân loại tại nguồn và chuyển về khu xử lý chất thải rắn chung của khu vực.

10. Đánh giá môi trường chiến lược.

* Trên cơ sở điều tra, khảo sát, tổng hợp và đánh giá những tác động về môi trường chiến lược đối với khu vực quy hoạch;

* Căn cứ cơ sở pháp lý và những quy phạm của pháp luật hiện hành gồm:

-  Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015;

- Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013;

- Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009;

- Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển;

- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

- Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

- Thông tư số 06/2007/TT-BKH ngày 27/8/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ Quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển.

- Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành liên quan.

* Đối với khu vực quy hoạch và mục tiêu của dự án, cần có những giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục tác động như sau:

- Giảm thiểu tác động trong giai đoạn chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.

+ Giảm thiểu tác động đến KT-XH do giải phóng mặt bằng;

+ Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí (bụi, tiếng ồn, khí thải);

+ Biện pháp quản lý;

+ Biện pháp kỹ thuật.

- Biện pháp giảm thiểu tác động do nước thải: Giảm thiểu tác động nước thải sinh hoạt, nước mặt chảy tràn, nước thải xây dựng, nước tưới rửa, …

- Biện pháp giảm thiểu tác động do chất thải rắn: Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa ảnh hưởng do quá trình rửa trôi các vật liệu xây dựng vào mùa mưa. Đối với các chất thải rắn sinh ra trong quá trình xây dựng gồm: gạch vỡ, gỗ, nhựa, sắt thép và rác thải sinh hoạt yêu cầu áp dụng các giải pháp xử lý thích hợp.

d. Biện pháp giảm thiểu tác động khi khu quy hoạch đi vào hoạt động:

- Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nước thải sinh hoạt.

- Biện pháp giảm thiểu tác động của nước mặt chảy tràn.

- Phương án trồng cây xanh.

- Phòng chống cháy nổ

* Xây dựng kế hoạch quản lý và giám sát môi trường:

Danh mục các công trình xử lý môi trường.

- Hệ thống thu gom nước thải.

- Hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn.

- Hệ thống mương dẫn nước mưa chảy tràn trong khuôn viên khu quy hoạch.

- Công trình trồng cây xanh trong khu vực quy hoạch.

- Hệ thống PCCC.

* Chương trình quản lý môi trường

Trong quá trình thi công xây dựng

- Tổ chức thi công hợp lý theo phương châm làm đến đâu gọn đến đấy.

- Yêu cầu chủ phương tiện vận tải tham gia thi công phải có bản đăng kiểm xe, lái xe phải có bằng lái xe, cam kết không chở quá tải trọng cho phép.

- Yêu cầu đơn vị tham gia thi công phải có nội qui an toàn lao động, trang bị đủ phương tiện bảo hộ cho công nhân. Xây dựng tốt nội qui sinh hoạt và tổ chức quản lý công nhân của mình.

- Không vận tải và vận hành các máy đào, máy xúc, xe lu, máy đóng cọc vào các giờ ban đêm, giờ nghỉ trưa.

Trong giai đoạn hoạt động

- Giám sát việc xây dựng công trình theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

- Giám sát việc đấu nối hệ thống thoát nước thải của cơ sở vào đúng vị trí, hệ thống thoát nước thải của khu quy hoạch.

- Duy trì việc thu gom và vận chuyển đi xử lý rác thải sinh hoạt.

- Duy trì việc dọn vệ sinh định kỳ trong khuôn viên quy hoạch.

* Chương trình quan trắc, giám sát môi trường

- Giám sát chất lượng không khí xung quanh;

+ Điểm giám sát: 01 vị trí bên trong khu vực quy hoạch, cuối hướng gió;

+ Thông số: Tiếng ồn, TSP, CO, SO2, NO2;

+ Tần suất: 6 tháng/lần;

- Giám sát chất lượng nước mặt

+ Điểm giám sát: Nước mặt tại khe nước phía Bắc khu quy hoạch, nơi tiếp nhận nước mưa, nước thải từ khu quy hoạch.

+ Thông số: pH , TSS, BOD, COD, DO, NH4+, NO3-, Phosphat,  Cd, Hg, Cr3+, Cu, Fe, Zn, Coliform, Dầu mỡ.

+ Tần suất: 6 tháng/lần

- Giám sát chất lượng nước ngầm

+ Điểm giám sát: tại khu quy hoạch.

+ Thông số: pH , Độ cứng , TDS, NH4+, NO3-, SO42-, Coliform, Cd, Hg, Cr, Cu, Fe, Zn .

+ Tần suất: 6 tháng/lần.

11. Khái toán tổng mức đầu tư:  837.597.888.000 đồng.

(Tám trăm ba mươi bảy tỷ, năm trăm chín mươi bảy triệu,
tám trăm tám mươi tám ngàn đồng
)

(phụ lục 5 đính kèm).

12. Dự kiến tiến độ đầu tư:

- Tổ chức cắm mốc giới quy hoạch trong quý I năm 2021.

- Đền bù giải phóng mặt bằng: Dự kiến Triển khai đồng thời công tác đền bù và giải phóng mặt bằng trong quý 4 năm 2020 đến quý II năm 2021.

- Triển khai xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ, kế hoạch: Khởi công từ năm 2021 và hoàn thành trước 2024.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

Thanh Hiền - Phòng QLĐT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.509.039
Truy câp hiện tại 799