Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu chức năng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/05/2021

Ngày 12/5/2021, UBND thị xã ban hành Quyết định số 621/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu chức năng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; với những nội dung chủ yếu sau:

 

1. Tên đồ án: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu chức năng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế

2. Vị trí, phạm vi ranh giới và quy mô:

Vị trí: Tại thôn Hải Cát, xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế;

Phạm vi ranh giới: Phía Bắc tiếp giáp hành lang hệ thống  điện 110KV; phía Nam tiếp giáp đường Kim Phụng; phía Đông tiếp giáp khe Ly; phía Tây tiếp giáp rừng sản xuất;

Quy mô: Khoảng 20ha.

3. Mục tiêu và tính chất:

 Mục tiêu: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tạo động lực thu hút tổ chức và phát triển các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, là cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên sâu thức đẩy phát triển bền vững.

Tính chất: Từng bước hình thành và phát triển Trung tâm Công nghệ sinh học có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học.

4. Nội dung quy hoạch chi tiết:

4.1 Quy hoạch sử dụng đất:

- Đất xây dựng công trình Nhà kính, nhà lưới: với tổng diện tích 49.356,2m2, diện tích xây dựng 28.718m2, chiếm tỷ lệ 23,16% (≤ 25%) tổng diện tích toàn bộ dự án.

- Khu đất xây dựng công trình đối với các nhà dịch vụ, làm việc, nhà nghiên cứu thí nghiệm, nhà công vụ: ≤ 40%; Chiều cao ≤  l2m; số tầng 1-3 tầng; tầng 1 cao 3,9 - 4,2m.

- Khu đất xây dựng khu ươm tạo nhà kính, nhà lưới: ≤ 80%. Chiều cao ≤  10m; 1 tầng.

- Đất mặt nước: Bao gồm 2 loại, mặt nước kênh mương tưới tiêu và hồ nuôi thực nghiệm chiếm tỷ lệ 2,44% toàn bộ đất dự án.

+ Đất cây xanh: Bao gồm đất cây xanh trong lộ giới 50m đường Kim Phụng và đất Nghiên cứu trồng rừng sản xuất có tổng diện tích 130.283,0m2 chiếm tỷ lệ lớn 61,13% trên tổng quỷ đất toàn dự án. Ngoài ra còn có phần cây xanh trong các khu vực đất xây dựng công trình và cây xanh khu ươm tạo.

- Đất công trình giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật: diện tích nhỏ khoảng 34.368,7m2, mật độ chiếm đất toàn dự án 16,13%. Bố trí hệ thống giao thông dạng xương cá kết nối với trục đường chính là “trục xương sống trung tâm” kết hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm.

- Bố trí tổng thể của phương án một cách chặt chẽ mang tính khả thi, trục đường chính của khu đất quy hoạch có cảnh quan đẹp, bố trí hợp lý, thuận tiện về bố trí hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với đặc điểm là khu nghiên cứu công nghệ sinh học kiểu mẫu.

Số người dự kiến làm việc tại khu quy hoạch lâu dài: khoảng 500 người.

4.2. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan:

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phải đảm bảo sinh động, hài hoà với các quyết định và các quy hoạch hiện có tại khu vực đã được phê duyệt, phù hợp với các quy định và quy chuẩn xây dựng hiện hành.

Nghiên cứu hướng tổ chức không gian cảnh quan dựa trên mối tương quan tổng thể, đảm bảo kết nối hạ tầng theo quy hoạch chung và các dự án kế cận, khu quy hoạch được nghiên cứu tổ chức bố cục theo nguyên tắc cơ bản:

- Đảm bảo thuận lợi trong liên lạc giữa các khu chức năng với nhau trong nội khu, cũng như hợp lý trong mối liên hệ với khu vực.

- Các khu đất được bố trí theo từng lô, có hệ thống giao thông đối nội thuận tiện, tận dụng tối ưu được sự thông thoáng cho từng lô đất.

- Quy hoạch với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, xen kẽ khu hoa viên cây xanh tạo cảnh quan, môi trường trong lành cho toàn khu vực.

4.3. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

4.3.1. San nền:

Cao độ hoàn thiện mặt đường Kim Phụng tại vị đi qua dự án trung bình là 13,32m; Độ cao trung bình phạm vi khảo sát san nền khu vực quy hoạch xây dựng tại vị trí thấp nhất 6,0m; cao nhất 9,5m so với mực nước biển.

Địa hình khu vực quy hoạch xây dựng tương đối bằng phẳng chỉ san gạt là phù hợp với cao độ san nền chung của quy hoạch nông thôn mới được duyệt. Vì vậy giải pháp san nền là để địa hình tự nhiên là chủ yếu, chỉ san gạt cục bộ cho từng khu vực, tạo hướng dốc rút ngắn độ chênh cao giữa các khu vực lân cận. Nền trong khu vực san gạt, đào đắp cục bộ riêng, đấu nối với đường Kim Phụng tại nút đường gom tạo hướng dốc từ nền ra đường với tim > 0,005.

Cao độ hiện trạng thấp nhất của khu vực quy hoạch xây dựng khu A,B,C là +6,0m không bị ngập lụt, cao độ trung bình + 7,5m vị trí cao nhất + 9,5m;

Cao độ nền tại vị trí khu D đất trồng rừng sản xuất có cao độ phía nam thấp nhất +7,85m. Cao độ trung bình +21,00m; Cao nhất + 58,20m.

Tổng khối lượng đào tính toán: 15.264,31 (m3)

Tổng khối lượng đất đắp tính toán:  64.563,11 (m3)

4.3.2. Hệ thống kè đá hộc khe đẫn thoát nước: Xây dựng hệ thống kè đá hộc có chiều dài 935m cao 2-4m tại vị trí song song 2 bên khe nước hiện trạng thu nước đầu nguồn đổ về khe Ly, nhằm dẫn dòng như hiện trạng các khe nước đã có, tránh ngập lụt và chống xạc lỡ khi mùa mưa bão.

4.3.3. Hệ thống Cống hộp thông dòng các khe nước khi nền đường băng qua:

Xây dựng hệ thống Cống hộp tại vị trí khi đường giao thông băng qua các khe nước.

4.4. Đường giao thông:

- Tổng cộng đường giao thông toàn quy hoạch 3.048,8m.

- Từ trục giao thông chính tuyến đường Kim Phụng, triển khai 1 lối vào khu quy hoạch rộng 20m lòng đường 14m, 2 chiều, vỉa hè 3m, sau lối vào là hệ thống các trục đường gom, đường chính khu trung tâm và các đường trục phụ vào hạng mục công trình bao gồm lòng đường 7,0m; 5,5m và 4m. Mạng lưới giao thông nội bộ tổ chức linh hoạt trên nguyên tắc tạo cảnh quan và thuận tiện nhằm hướng luồng người đi đến hầu hết các công trình theo trình tự hợp lý trong khu quy hoạch.

- Hệ thống giao thông trong khu vực quy hoạch theo tiêu chuẩn đường đô thị. Phân cấp và bố trí hợp lý, đảm bảo hiệu quả đồng thời kết nối với giao thông đối ngoại qua hệ thống đường trục chính kết hợp các đường khu vực.

 Nền đường: Mặt cắt ngang các tuyến được thiết kế như sau:

- Tuyến Kim Phụng (tuyến theo quy hoạch nông thôn mới đi qua dự án) lộ giới 100m có mặt cắt: 31m (4,0m+10,5+2+10,5+4,0m).

- Tuyến số 01: Đường nhựa, B = 20m = (3,0m+14,0m+3,0m). Tổng chiều dài 93,4m.

- Tuyến số 02; 06: Đường nhựa, B = 13m (3,0m+7,0m+3,0m). Tổng chiều dài 310,2m.

- Tuyến số 03; 04; 05; 07; 08; 10; 15: Đường nhựa, B = 11,5m (3,0m+5,5m+3,0m). Tổng chiều dài 1.272,2m.

- Tuyến số 09; 11; 12; 13; 14: Đường bê tông, B = 6m (1,0m+4,0m+1,0m). Tổng chiều dài 1.373m.

Nền đường chủ yếu là nền đắp, độ chặt k=0,95. Nền mặt đường lớp trên k=0,98.

Đường phố nội bộ có vận tốc thiết kế: 30km/h. Kết cấu mặt đường cấp cao A1, bằng bêtông nhựa rải nóng có môđun đàn hồi yêu cầu Eyc=100Mpa, bao gồm các lớp:

+ Lớp bêtông nhựa nóng loại 1, Dmax=12,5mm dày 5cm.

+ Tưới nhựa thấm bám (mc70) tiêu chuẩn 1,2kg/m2.

+ Lớp cấp phối đá dăm loại 1, Dmax=37,5mm lớp trên dày 12cm.

+ Lớp cấp phối đá dăm loại 1, Dmax=37,5mm  lớp dưới dày 13cm.

+ Độ dốc ngang mặt đường 2%, dốc về hai phía.

Nút giao thông: Các nút giao thông trên toàn tuyến được thiết kế theo phương án giao cùng mức (giao bằng), bán kính cong bó vỉa bố trí theo quy hoạch và thiết kế mẫu..

Hè phố: Độ dốc ngang hè phố của tất cả các tuyến là 1,5% (dốc hướng vào mặt đường, lu lèn chặt K=0,95, trên các loại hè phố bố trí các loại ô trồng cây như sau:

- Loại vỉa hè rộng 1m: vĩa hè đất đắp.

- Loại vỉa hè rộng 3m: bố trí ô trồng cây kích thước 1m x 1m.

Hè phố có kết cấu như sau:

- Gạch Terrazzo có kích thước 300x300x30mm.

- Vữa xi măng mác 75 dày 2cm.

- Bê tông đá dăm 4x6 mác 100 dày 10cm.

- Đất đắp đầm chặt K=0,95.

Sử dụng gạch terrazzo màu xám tro chấm trắng, tạo điểm nhấn trên phố đi bộ bằng màu đỏ gạch.

Bó vỉa, rãnh vỉa dùng bêtông đúc sẵn M250 đá 1x2, được bố trí dọc theo phạm vi mặt đường 2 bên tuyến.

Bó hè dùng bê tông đá 4x6 M100 kích thước 20x30cm

Hố trồng cây dùng đá chẻ xây VXM M75.

Đá xe lăn bố trí ở vị trí đầu phạm vi nút giao và sát hai bên lề đường, khoảng cách các đá xe lăn từ 20 đến 30 mét, dùng tấm bêtông đúc sẵn M250 đá 1x2.

Hệ thống an toàn giao thông: Hệ thống an toàn giao thông được thiết kế theo điều lệ quy định hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải, đối với các biển báo và biển chỉ dẫn sử dụng loại bằng tôn, sơn kẽ đường dùng loại sơn phản quang.

Hệ thống biển báo gồm: Biển báo hiệu và biển chỉ dẫn.

Hệ thống vạch sơn trên đường gồm: Vạch sơn kẻ đường và vạch tín hiệu giao thông trên đường.

4.5. Cây xanh và Ô cây trên vỉa hè:

Chọn loại cây phù hợp quy định. Cây cao 3,5 - 4m và Ô cây ≥ 1m *1m.

4.6. Cấp nước sinh hoạt và PCCC: Sử dụng mạng lưới hệ thống cấp nước của công ty cấp thoát nước tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tại cầu khe Ly điểm khu quy hoạch tái định cư cách vùng quy hoạch dự án 200m chuyển về phía Đông – Nam khu quy hoạch qua trạm tăng áp có công suất (Q=700 m3/ngày.đêm) sau đó chuyển về các khu vực quy hoạch xây dựng qua hệ thống ống HPDE D90.

a. Nhu cầu dùng nước PCCC:

- Lưu lượng nước cần cho mỗi trụ chữa cháy ngoài trời là q = 5lít/s.

- Lưu lượng cấp nước chữa cháy cho một số đám cháy xảy ra đồng thời một lúc là 02 đám cháy = 108(m3) theo TCVN 2622 – 1995.

b. Mạng lưới cấp nước cho khu quy hoạch:

Hệ thống cấp nước được xây dựng trên lề đường cách mặt đất  0,5m – 0,7m và cách móng công trình 1,5m, riêng tuyến D90 cách móng công trình 2,0m. Sử dụng ống HPDE loại dùng cho ngành nước với D63 và D90.

Sử dụng mạng lưới vòng khép kín bao quanh toàn bộ khu vực quy hoạch để đảm bảo cấp nước ổn định, phòng trường hợp xảy ra sự cố.

Ống cấp nước được chôn sâu 1-1,2m, sử dụng ống gang dẻo. Trên các ngã ba, ngã tư bố trí các van khóa phục vụ công tác quản lý và duy tu, bảo dưỡng trong quá trình hoạt động.

Trên mạng lưới cấp nước bố trí các trụ cứu hoả Φ100 với khoảng cách 150m/trụ, tại các ngã 3, ngã 4 đường.

4.7. Thoát nước mưa:

Khu vực dự án có diện tích kể cả trong lộ giới quy hoạch khoảng 21ha trong đó 9,3ha là đất rừng sản xuất vẫn giữ nguyên số còn lại 11,7ha được quy hoạch xây dựng.

Hệ thống thoát nước mặt được thiết kế riêng biệt đối với thoát nước bẩn, có nhiệm vụ thu nước mưa và nước tưới cây rửa đường.

Các đường ống thoát nước được đặt ngầm dọc theo các trục đường giao thông, gồm nhiều hố ga có miệng thu nước  nằm dọc hai bên đường. Nước mưa được dẫn theo các tuyến cống tự chảy, thiết kế theo độ dốc tự nhiên để tập trung thoát đổ về theo hướng thoát nước của quy hoạch cụ thể thoát về hướng khe Ly.

Hệ thống thoát nước cho đường giao thông là máng thoát vỉa hè có độ dốc tương đương độ dốc sân đường, chủ yếu thu nước mưa trên đường giao thông và một phần diện tích của khu đất chảy vào.

Hệ thống thoát nước giao giữa khu xây dựng nhà làm việc, nghiên cứu thí nghiệm và nhà kính, nhà lưới bằng cống chôn ngầm bằng BTCT D800 với độ dốc i=0,003.

Hệ thống thoát nước cho các khu còn lại đổ về miệng xả và cống chính là cống chôn ngầm bằng BTCT D600 với độ dốc i=0,003.

Hướng thoát nước chính của khu vực là từ các tuyến đường trong các khu gom về tuyến đường chính và một phần về miệng xả đổ ra khe Ly theo hướng dốc của quy hoạch.

Nước mưa được thiết kế theo hướng chính dọc theo đường trục giao thông. Nước mưa được dẫn theo các tuyến cống tự chảy, đảm bảo thoát nước nhanh và hầu hết các loại nước mặt trên toàn bộ diện tích xây dựng bằng những đường ống ngắn nhất và thuận lợi nhất, thiết kế theo độ dốc quy hoạch chung để tập trung thoát đổ về hệ thống thoát nước chung chảy ra khe Ly.

- Độ dốc của đường cống thiết kế phù hợp với độ dốc của địa hình địa phương nhưng phải đảm bảo điều kiện làm việc về mặt thủy lực tốt nhất, độ bền và độ sâu chôn cống.

4.8. Thoát nước thải.

 - Khu vực nhà ở công vụ, nhà làm việc, nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ… nước thải (đã qua bể  xử lí nước thải – bể tự hoại của từng nhà) bố trí ống thoát nước từ công trình ra hệ thống chung bằng nhựa PVC, đường kính D = 60 – 250mm chuyển về hố ga chung.

- Hệ thống đường mương, hố thăm (khép kín) thu gom nước thải sinh hoạt trong nội bộ các khu vực, dẫn nước thải tới bể tự hoại có ngăn lọc của khu vực.

- Lợi dụng độ dốc thiết kế san nền để thiết kế tuyến cống. Độ dốc thiết kế được lấy theo định hướng quy hoạch chung, Sơ đồ tuyến cống bố trí song song và vuông góc.

- Tổ chức thu gom nước thải sinh hoạt bằng hệ thống mương riêng cho từng khu vực.

- Nước thải sinh hoạt được xử lý cục bộ bằng bể tự hoại tại mỗi công trình, sau đó được dẫn ra các hố ga + mương thu nước thải chuyển về vị trí bể xử lý trung tâm của cụm quy hoạch.

- Độ dốc thoát nước dọc của cống ³ 1/d (d: khẩu độ cống).

- Khoảng cách trung bình giữa hai hố tụ trên vỉa hè là 20-24m, cấu tạo hố thu thành bằng bê tông M200, giằng hố tụ bằng BTCT M200 đổ tại chỗ, đậy đan BTCT M200. Tại các vị trí hố thăm cao độ đáy hố thu thấp hơn cao độ đáy cống dọc 0,3m để lắng bùn.

+ Lượng nước bẩn thải.

- Tính bằng 80% lượng nước cấp ngày cao điểm: = 540 m3/ngày.đêm

+ Phương án thoát nước.

- Cục bộ theo từng khu chức năng.

-Trạm xử lý nước thải riêng cho từng khu.

- Ống thoát nước từ công trình ra hệ thống chung bằng nhựa PVC, đường kính D = 60 – 250mm.

- Ống thoát nước chính/mương xả bằng BTCT (D = 300mm).

- Xây dựng 2 bể xử lý nước thải cho 2 giai đoạn có tổng công suất = 540 m3/ngày.đêm

4.9. Vệ Sinh Môi Trường:

Tiêu chuẩn rác thải sinh hoạt w = 01kg/người-ngày.

Tổng lượng rác thải W= 500 x 01kg = 0,5 tấn/ngày.

- Hàng ngày rác thải được tập trung thu gom theo từng khu chức năng và đưa về khu C8 nằm phía Đông - Bắc khu quy hoạch phân loại và xử lý.

- Khuyến khích áp dụng quy tắc phân loại rác (rác có thể phân hủy, rác không phân hủy và rác có độc tính) nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý.

Rác được phân loại ngay tại nguồn thu: rác vô cơ, rác hữu cơ riêng.

Rác vô cơ được đưa đến nhà máy phân loại và tái chế.

4.10. Cấp điện: Khu quy hoạch được đấu nối từ lưới trung thế 22/0,4kV được lấy từ lưới điện cấp điện cho TBA Lâm trường tiền phong. Tại vị trí của trạm TBA này đi nổi cáp điện trung thế trên cột điện hiện trạng đến TBA-01/630KVA đặt trong khu quy hoạch. Bên trong KQH xây lắp mới 02 trạm TBA-01/630KVA – 22/0,4KV; TBA-02/320KVA – 22/0,4KV.

a. Các giải pháp kỹ thuật:

+ Giải pháp kỹ thuật tuyến cáp treo 22kV:

Điện áp định mức: 24kV.

Tuyến trung thế từ TBA lâm trường Tiền phong dùng cáp treo đi nổi băng qua đường Kim Phụng về hướng Nam đi trên cột điện hiện trạng đến TBA 01 đặt bên trong khu quy hoạch. Đường dây 22kV treo đi nổi L: 800m.

Tuyến Trung thế từ TBA-01 đến TBA-02 đi ngầm trong mương cáp. Độ sâu mương cáp phải đạt tối thiểu 0,8m, đáy mương rộng 0,4m, miệng mương rộng trung bình 0,6m. Đường dây 22kV sẽ xây dựng L= 450m.

b. Giải pháp tuyến cáp ngầm 0,4kV:

Điện áp định mức: 380V

Tuyến hạ thế dùng cáp ngầm 0,6/1kV CXV/DSTS/(4X50); (4X25); (4X16)…đi ngầm trong mương cáp.

Độ sâu mương cáp phải đạt tối thiểu 0,8m, đáy mương rộng 0,4m, miệng mương rộng trung bình 0,6m.

Tủ phân phối hạ thế đặt trên móng BTCT cấp đến từng hộ dân, mỗi tủ có 1 bộ tiếp địa cho tủ.

Tổng số đường dây 0,4kV sẽ xây dựng: Cáp CXV/DSTA/(4x16) là: 3400m,  Cáp CXV/DSTA/(4x25) là: 470m, Cáp CXV/DSTA/(4x50) là: 810m.

c. Giải pháp kỹ thuật cho đường dây chiếu sáng:

 Hệ thống đường giao thông trong đô thị được chiếu sáng bằng các đèn cao áp LED 150W lắp trên cột thép bát giác liền cần đơn 8m.

Dây dẫn chiếu sáng được chọn là loại cáp ngầm 0,6/1kV CXV/DSTA (4X16); kết hợp dây đồng trần M16 rải dọc tuyến và nối từ trụ chiếu sáng đến cọc tiếp địa. Dây CVV 3 lõi dùng đấu nối từ hộp nối dây lên đèn.

Độ sâu mương cáp phải đạt tối thiểu 0,8m, đáy mương rộng 0,4m, miệng mương rộng trung bình 0,6m.

Độ chói trung bình đạt được từ 0,6¸1 cd/m2.

Đèn chiếu sáng sử dụng bóng LED cao áp, khoảng cách giữa các cột đèn khoảng từ 25-35m.

Điều khiển hệ thống đèn đường là các tủ điện chiếu sáng được cấp nguồn từ các trạm biến áp TBA-01, TBA-02/630KVA/22/0,4KV. Các tủ chiếu sáng này có chế độ điều khiển tự động theo thời gian với 2 chế độ chiếu sáng buổi tối (bật toàn bộ các đèn) và chiếu sáng đêm khuya (tắt bớt một số đèn).

Tổng số đường dây sẽ xây dựng: 2.500m.

d. Giải pháp kỹ thuật phần trạm biến áp:

Trạm biến áp sử dụng trạm hợp bộ 3 pha 22/0,4kV đặt trên móng BTCT để đảm bảo mỹ quan và an toàn cho khu vực.

Tuỳ vào phụ tải tính toán từng công trình sẽ chọn công suất các trạm hạ thế 22/0,4KV cho phù hợp.

4.11. Thông tin liên lạc:

- Xây dựng và lắp đặt tuyến cáp đồng đi ngầm có tổng dung lượng khoảng 200 đôi từ tủ cáp tổng trong khu vực quy hoạch đến các tủ cáp tại các khu đất xây dựng.

- Hệ thống cáp được đi ngầm trong các tuyến cống bể xây dựng mới.

* Cáp:

- Xây dựng tuyến cáp đồng (đường ống+hố ga cáp) đưa tới khu vực thiết kế.

- Cáp trong mạng nội bộ của khu quy hoạch chủ yếu sử dụng loại cáp đi trong cống bể (ngầm) có tiết diện lõi dây 0,5 mm.

* Tuyến cống bể:

- Sẽ được lắp đặt ở một bên đường hoặc cả hai bên đường tuỳ theo điều kiện cụ thể các nhu cầu.

- Khoảng cách các bể cáp trung bình từ 60m đến 230m.

- Tất cả các tuyến cống bể đều có dung lượng là 2-4 ống PVC Þ110x5mm (có thể kết hợp ống Þ56x3mm) đi trên hè đường.

- Bể cáp sẽ sử dụng loại 1,2 nắp bằng đan bê tông dưới hè 1 lớp ống.

- Các đường cáp được chôn ngầm trên các trục đường lớn trong khu vực và sử dụng các loại cáp: từ 10 đôi đến 1.000 đôi.

5. Đánh giá tác động môi trường:

Chủ đầu tư tiếp tục thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết khi lập dự án đầu tư xây dựng chủ đầu tư cần rà soát, xác định khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu của quy hoạch.

6. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Nhà nước cấp cho Đại học Huế và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

Thanh Hiền - Phòng QLĐT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 3.515