Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quê hương Hương Trà, nhìn lại sau 45 năm ngày giải phóng (24/3/1975-24/3/2020)
Ngày cập nhật 24/03/2020

Tiếng súng kháng chiến chống Pháp đã nổ ra trên toàn quốc vào đêm 19/12/1946 đã thể hiện ý chí của cả dân tộc “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

 

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cùng nhân dân toàn tỉnh, nhân dân cả nước, quân và dân Hương Trà đã đồng loạt đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, vì tự do.

Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Hương Trà đã thể hiện vai trò của một hậu phương đối với tiền phương là mặt trận Huế. Nhân dân Hương Trà đã tích cực tham gia tiếp lương, tải đạn, cán thương cũng như trực tiếp phối hợp với nhân dân thành phố Huế đánh Pháp tại Mo-rinh. Nhưng quan trọng hơn cả chính là việc tích cực chuẩn bị hậu cứ ban đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn tỉnh, thể hiện vai trò của một vị trí chiến lược - vị trí vành đai Huế, là địa bàn hành lang của thành phố Huế, có quan hệ chặt chẽ, sống còn đối với thành phố trong suốt chặng đường chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Ngày 10/2/1947, thực dân Pháp tiến ra Hương Trà. Ngay lập tức bài học đầu tiên mà bè lũ cướp nước nhận được  là ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân Hương Trà. Với vũ khí thô sơ nhưng quân và dân Hương Trà đã cầm chân 02 đại đội lính Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, buộc chúng phải để lại nhiều xác chết tại cánh đồng Trúc Lâm, Hói Cổ Bưu và đập tan ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh của chúng nhằm tiêu diệt lực lượng ta vừa rút ra khỏi thành phố Huế qua đường Hương Trà.

Trong những năm 1947, 1948 trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng quân và dân Hương Trà vẫn quyết tâm tổ chức những trận đánh tạo tiếng vang như trận du kích xã Hương Thọ cùng đội quyết tử quân tiêu diệt đội hương vệ ác ôn tại Dương Hòa... Tuy các trận đánh đó chỉ ở quy mô nhỏ nhưng đã khẳng định được rằng phong trào cách mạng ở Hương Trà vẫn sống, nhân dân Hương Trà không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ.

            Trong những năm 1949, 1950 những trận đánh và trận thắng như: đánh trả địch càn vào xã Hương Vinh, đánh tập kích vào các vùng Phú Ốc, Thanh Lương, Vân Cù, An Thuận...gây cho địch nhiều tổn thất, mở ra một thời kỳ mới trong phong trào cách mạng của quê hương: thời kỳ quật khởi.

1951-1953, đó là giai đoạn luồn sâu vào trong lòng kẻ thù, xây dựng thế và lực mới, chủ động tiến công địch, buộc chúng từ thế chủ động vây ráp sang thế phải bị động đối phó với những trận quấy rối, bao vây tiêu diệt của lực lượng cách mạng, tạo những bước chuyển hết sức quan trọng trong phong trào cách mạng tại Hương Trà từ thế chủ động tiến công (1951-1953) sang thế đẩy mạnh tiến công địch trên tấc cả các mặt.

Để phối hợp với chiến trường chính của cả nước tại Điện Biên Phủ, chấp hành các nghị quyết, chi thị của Đảng, quân và dân Hương Trà đã liên tục tổ chức đánh địch trên hầu hết các xã trong toàn huyện. Chỉ tính từ tháng 12/1953 đến tháng 6/1954 quân và dân Hương Trà đã đánh địch hơn 64 trận lớn nhỏ, gây nhiều tổn thất về vật chất và tạo tâm lý hoang mang trong hàng ngũ địch, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Hòa chung niềm vui của cả dân tộc trong ngày chiến thắng chưa được bao lâu, nhân dân Hương Trà cùng với nhân dân miền Nam lại một lần nữa trực tiếp bước vào cuộc chiến đấu mới, trường kỳ hơn, khốc liệt hơn với một kẻ thù tàn bạo hơn, xảo quyệt hơn và hiện đại hơn là đế quốc Mỹ.

Hương Trà với những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, với bao khó khăn: hàng trăm cán bộ, đảng viên và đồng bào đã hy sinh, hàng ngàn người bị tra tấn dã man trong các chiến dịch tố cộng và diệt cộng. Nhưng quân và dân Hương Trà đã quyết tâm tiến lên trong máu lửa; từ những hy sinh, mất mát  to lớn như vậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được thể hiện rõ nét, nhiều tấm gương trung kiên, bất khuất của cán bộ, đảng viên, nhiều hình ảnh thủy chung của người dân Hương Trà một lòng cùng Đảng, cùng Bác Hồ không chùn lòng trước mọi thủ đoạn đê hèn của kẻ thù. Vì vậy, trong suốt những năm tháng cam go ấy, Hương Trà vẫn giữ được phong trào cách mạng, vẫn giữ vững vị trí chiến lược hành lang thành phố Huế, tạo sự thông suốt cho lực lượng ta tiến đánh kẻ thù.

Có thể nói rằng, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ và những năm 60 của thế kỷ 20, mặc dù địch tập trung khủng bố, càn quét, truy lùng, tàn sát khốc liệt nhưng Hương Trà vẫn xây dựng được cơ sở cách mạng trung kiên trong lòng nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân đoàn kết đấu tranh đánh bại các âm mưu, chính sách tàn sát của kẻ địch. Trong ác liệt của chiến tranh, Hương Trà vẫn giữ vững khí thế cách mạng, vẫn tích cực tham gia các phong trào như dự trữ, vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men, nuôi giấu cán bộ, tham gia tốt các nhiệm vụ cách mạng mà trên giao phó.

Đầu năm 1968, Hương Trà là một địa bàn trú quân bí mật, an toàn của các lực lượng vũ trang để mở hướng tiến công chính vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân, góp phần làm nên một Huế anh hùng với 8 chữ vàng “Tiến công - nổi dậy - anh dũng- kiên cường”. Đặc biệt, trong tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Hương Trà nổi lên với vai trò của hậu phương lớn đối với chiến trường Huế. Suốt 26 ngày đêm khói lửa, nhân dân Hương Trà đã làm tốt công tác hậu cần, liên tục phục vụ tại chỗ các lực lượng chiến đấu ra vào thành phố, nhất là đã xây dựng nên những “quán cơm XHCN” – một bếp nuôi quân có thể nói hết sức độc đáo trong chiến tranh giữ nước của nhân dân ta.

Cùng với công tác hậu cần, các lực lượng quân dân Hương Trà còn đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như cán thương, tải đạn, dẫn đường cho các mũi tiến công của quân ta vào thành phố. Một vinh dự cho nhân dân Hương Trà là đã được giao may lá cờ Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình rộng 6m, dài 10m, treo ở cột cờ Phu Văn Lâu trong suốt 26 ngày đêm diễn ra chiến dịch, như thể hiện tấm lòng người dân Hương Trà đối với Đảng, với cách mạng.

Sau Mậu Thân 1968, Hương Trà là một trong những nơi chịu nhiều hậu quả tàn khốc nhất của chiến tranh. Kẻ thù liên tục tiến hành các chiến dịch càn quét, chà đi xát lại nhằm bắt bớ, bình định, đánh bật lực lượng ta ra khỏi nhân dân, biến Hương Trà thành vành đai trắng. Với truyền thống của một quê hương giàu lòng yêu nước, hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, phong trào cách mạng ở Hương Trà vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Thất bại liên tục ở chiến trường miền Nam và nhất là thảm bại tại trận “Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973. Quân đội viễn chinh Mỹ chính thức cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng với dã tâm muốn kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng đôla, vũ khí và các cố vấn, tiếp tục hà hơi cho bè lũ ngụy quyền Sài Gòn. Trước tình hình ngụy quân đang tìm cách lấn chiếm vùng giải phóng, quân và dân Hương Trà đã kiên quyết đánh trả địch tại Lại Bằng, Khe Trái, tiêu diệt hàng trăm lính ngụy, phá hủy nhiều khí tài chiến tranh, giải phóng vùng giáp ranh, bảo vệ vùng hậu cứ của ta, tạo điều kiện cho cán bộ bám trụ tại đồng bằng để chỉ đạo phong trào, tạo đà, tạo thế cho cuộc tổng tiến công đại thắng mùa Xuân 1975.

Phối hợp cùng chiến dịch Tây Nguyên, thực hiện chiến dịch Huế - Đà Nẵng, quân và dân Hương Trà đã cùng quân và dân toàn tỉnh, được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã triển khai lực lượng về đồng bằng, kể cả các xã vùng sâu từ ngày 5/3/1975. Với 2 đợt tiến công từ ngày 8 – 10/3 và 20 – 24/3/1975, lực lượng vũ trang và dân quân Hương Trà đã nhanh chóng bao vây quận lỵ, chi khu và phân chi khu của địch trên khắp toàn huyện. Cùng với đòn tiến công quân sự, các đội vũ trang công tác của Hương Trà nhanh chóng tổ chức nhân dân nổi dậy phá chính quyền địch, giành quyền làm chủ, phục vụ tích cực bộ đội phát triển tiến công địch. Đúng 5 giờ chiều ngày 24/3/1975, trên địa bàn huyện Hương Trà đã có chính quyền cách mạng, trật tự mới trên địa bàn đã hình thành, đánh dấu thời điểm lịch sử: Hương Trà được giải phóng.

Trải qua bao ngày đêm chiến đấu liên tục, quyết liệt, Đảng bộ và nhân dân Hương Trà đã tiến công nổi dậy, anh dũng, kiên cường giải phóng hoàn toàn quê hương, góp sức vào thắng lợi giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975, đồng thời cùng góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hương Trà luôn giương cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đó là tinh thần bất chấp khủng bố, tố cộng, diệt cộng, bất chấp chiến tranh huỷ diệt, bất chấp hy sinh tính mạng và tài sản; đảng viên và nhân dân Hương Trà vẫn vững vàng vượt qua mọi thử thách ác liệt của bom đạn, mọi âm mưu chống phá của kẻ thù. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đồng thời phát huy sức mạnh, hiệp đồng, tương trợ giữa các huyện phía Bắc, cùng nhau vượt qua khó khăn, thống nhất ý chí và quan điểm, quân và dân Hương Trà đã tỏ rõ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng đã giao phó. Người này ngã, người khác tiến lên, nơi này khó khăn, nơi kia góp sức tháo gỡ... anh dũng, bền bỉ chiến đấu, xây dựng lên luỹ thép kiên cường.

Sau ngày đất nước hoàn toàn tống nhất, Đảng bộ, quân và dân Hương Trà nói riêng và nhân dân cả nước nói chúng bước vào một trận chiến đấu mới – trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu với biết bao khó khăn, thách thức đặt ra. Bom mìn cài đặt khắp nơi, nhiều làng quê bị tiêu điều, xơ xác, nhiều cánh đồng trù phú trở thành những bãi đất hoang, hàng vạn người đi di tản nay trở về quê hương với hai bàn tay trắng đang cần ăn, ở, học hành và việc làm.... Trước tình hình đó Đảng bộ vừa tập trung xây dựng  và củng cố chính quyền cách mạng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa lo cho dân nơi ăn chốn ở, chữa bệnh và học hành.

Ngày 11/3/1977, một sự kiện mới đối với Hương Trà, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62-CP về việc hợp nhất một số huyện ở tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền hợp nhất thành một huyện lấy tên là huyện Hương Điền. Lúc này, Hương Trà trong huyện Hương Điền hợp nhất gồm có 12 xã.

Sau 13 năm hợp nhất, ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 345-HĐBT về việc chia huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế - Hương Trà lại chính thức trở về với tên gọi của mình bao gồm 15 xã và 1 thị trấn. Đến ngày 15/11/2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 99 về việc thành lập thị xã Hương Trà và thành lập các phường thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó Thị xã Hương Trà có 7 phường và 9 xã. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 của về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Đảng bộ xã Bình Tiến, như vậy sau khi sắp xếp, thị xã Hương Trà có 15 đươn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và 7 phường.

Sau 45 năm Ngày quê hương Hương Trà được giải phóng, với biết bao sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hương Trà đã có những cố gắng phấn đấu không biết mệt mỏi, tạo nên nhiều thành tựu quan trọng và rất đỗi tự hào. Hương Trà đã được công nhận trở thành một trong hai thị xã đầu tiên của tỉnh từ năm 2011 và được xác định là đô thị động lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng”dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”, quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế được nâng lên, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khá hoàn thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Văn hóa – xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả; việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả; đã tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã.

 

Hoài Trang - Ban Tuyên giáo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.509.039
Truy câp hiện tại 5.991