Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lấn chiếm vỉa hè – Mối nguy hiểm tiềm tàng
Ngày cập nhật 22/09/2021

Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là tình trạng chung trên cả nước không chỉ riêng địa bàn thị xã Hương Trà. Thời gian qua, nhiều tuyến đường tại một số xã, phường trên địa bàn thị xã thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để dựng biển quảng cáo, làm nơi buôn bán, kinh doanh, bày bán hàng khiến dư luận bức xúc. Tình trạng trên cần được các cấp, ngành chức năng xử lý triệt để nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.

 

Vỉa hè bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa...; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Chúng ta không thể không nhắc đến sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, các chợ tự phát dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân.

Có thể thấy sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật vẫn chưa thực sự đủ để răn đe… nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên, gây đau đầu các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng. Dù hầu hết người dân đều nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Dù biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này vẫn cần phải sớm khắc phục để trả lại bộ mặt cảnh quan cho đô thị.

Nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm kể trên, trước hết là ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng của một số hộ dân còn hạn chế; thậm chí ý thức của một số hộ còn rất kém với suy nghĩ “biến của chung thành của riêng”. Các xã, phường trên toàn địa bàn thị xã đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, hè phố, tuy nhiên, việc chiếm dụng trái phép vẫn diễn ra khá thường xuyên. 

Thực tế cho thấy, vỉa hè bị sử dụng vào mục đích kinh doanh, đỗ xe tại một số nơi được người dân coi như việc làm hiển nhiên. Hay nói cách khác, một số hộ dân mặc định việc chiếm giữ vỉa hè như hành vi bình thường mà không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khi vỉa hè bị chiếm giữ, cũng đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng. Thời gian qua, UBND các xã, phường đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lập lại trật tự trên các tuyến đường. Tuy nhiên, khi không có mặt lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì tình trạng lấn chiếm long đường, vỉa hè lại tái diễn.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường hiện nay là do chính quyền một số xã, phường và cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết xử lý vi phạm, còn nể nang, hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đến nơi đến chốn, xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Một số người dân cho biết, chính quyền xã, phường cũng đã nhiều lần yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng việc này còn hình thức, việc xử lý vi phạm không thực sự quyết liệt. Do vậy, vi phạm vẫn tái diễn, không xử lý được dứt điểm.

Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò của cơ quan chức năng và chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định pháp luật có liên quan chưa thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.

Đi đôi với tuyên truyền là công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền của cơ quan chức năng. Trong quá trình xử lý hành vi vi phạm, cần thực hiện đúng quy trình từ việc lập biên bản đối với người có hành vi lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép (trừ các trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định); xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt; người vi phạm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nộp tiền phạt); trường hợp đã hết thời hạn xử phạt thì ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc người có hành vi xây dựng trái phép tháo dỡ (nếu không tiến hành tháo dỡ thì ra quyết định cưỡng chế theo quy định)…

Để chấm dứt tình trạng này, cùng với quy hoạch, mở rộng vỉa hè và hành lang an toàn giao thông thì chính quyền cần phải vào cuộc quyết liệt hơn từ công tác tuyên truyền đến xử lý vi phạm để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, kinh doanh. Việc lập lại trật tự đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện. Muốn vậy, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành chức năng thì người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành các quy định pháp luật như: không dừng, đậu xe, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vứt, xả rác bừa bãi; cùng chung tay xây dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.

 

Văn Thu Thảo-Phòng TP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 7.518