Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 16/09/2016

Sau 5 năm triển khai  thực hiện  Nghị quyết về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện Hương Trà, đã đạt được một số kết quả sau:

Ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa nền kinh tế thị xã phát triển nhanh và chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 19,9%/năm. Tổng sản phẩm ngành công nghiệp & xây dựng chiếm tỷ trọng 44% (chỉ tiêu Nghị quyết 43%) trong nền kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp năm 2015 đạt 1.340 tỷ đồng. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều tăng so năm 2010, trong đó nhiều mặt hàng có quy mô khá lớn và giá trị xuất khẩu cao như: may mặc; phân hữu cơ vi sinh; gỗ xẻ các loại; nhang; khí oxy-ni tơ; gia công cơ khí và đúc kim loại; bê tông đúc sẵn; bê tông, bao bì nhựa,... Đã chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, cụm làng nghề… Thu hút các doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp đăng ký vào hoạt động, lấp đầy cụm công nghiệp Tứ Hạ và cụm làng nghề Xước Dũ (Hương Hồ) giai đoạn 1, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động; công tác khôi phục, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm, nhiều làng nghề truyền thống từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả và đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận: mộc An Bình, bánh tráng Lựu Bảo, bún Vân Cù...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế đó là: cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Tứ Hạ mở rộng và cụm làng nghề mộc mỹ  nghệ Xước Dũ (giai đoạn 2) chưa được đầu tư; việc áp dụng, triển khai cơ chế, chính sách phát triển về sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn chậm, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế và bất cập, cán bộ chuyên ngành còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển đổi nghề, du nhập ngành nghề mới, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất; công tác khuyến công chuyển biến còn chậm, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, chưa kích thích được sản xuất phát triển; các cơ sở còn có tư tưởng tranh thủ sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước; một số cơ sở đã được hỗ trợ nhưng không phát huy hiệu quả. ..để khắc phục

Để khắc phục những hạn chế và  thực hiện tốt hơn nữa việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn, Thị xã đã đề ra các giải pháp

1. Về vốn: phát huy tối đa nội lực của toàn dân và các thành phần kinh tế trong việc phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn thông qua hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên doanh, liên kết; kêu gọi, tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư từ các ngành cấp tỉnh, trung ương, các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn FDI. Khai thông việc tạo vốn cho các cơ sở sản xuất từ các nguồn vốn tín dụng đầu tư của các ngân hàng thương mại, quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội. Sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả để triển khai các hoạt động lập quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề, đào tạo nghề, khởi sự doanh nghiệp, xử lý môi trường,…

2. Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: chú trọng và thường xuyên việc đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động ở nông thôn, đổi mới chương trình đào tạo nghề phù hợp với ngành nghề và lứa tuổi lao động nhằm tạo cho người lao động có tác phong chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Cần chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm giúp người lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức tốt công tác đào tạo nghề cho người lao động với nhiều hình thức; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của Trung tâm dạy nghề thị xã, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về vai trò của công tác đào tạo nghề, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề đối với lao động và cơ sở đào tạo

3. Về phát triển nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm: trên cơ cở quy hoạch vùng nguyên liệu đã có như: ngành khai khoáng, bãi cát sạn, vùng gỗ rừng trồng, cần tiếp tục triển khai các quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giấy, chế biến thủy hải sản,… Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các cơ sở sản xuất tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng thị trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất TTCN liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tốt mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp đầu mối cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất vệ tinh sử dụng nhiều lao động như may mặc, mây tre đan, đan hàng mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến thủy sản...

Hỗ trợ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu để được bảo hộ sản phẩm; xây dựng website cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của thị xã với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhằm liên kết hợp tác phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

4. Về đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị ứng dụng công nghệ mới: khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhất là hộ cá thể đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng vào sản xuất theo phương châm: kết hợp công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường hỗ trợ thông tin, tuyên truyền; xây dựng mô hình chuyển giao khoa học công nghệ; bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; tư vấn dịch vụ… cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

5. Về công tác lãnh đạo, quản lý: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành  để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn ngày càng phát triển. Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện đúng và kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ và của tỉnh, tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong công tác xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thị xã. Tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ tốt cho công tác đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn thị xã. Rà soát quy hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở các xã, phường. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mai Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.525.775
Truy câp hiện tại 12.907