Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thị ủy Hương Trà triển khai và thực hiện Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI)
Ngày cập nhật 16/10/2017

Trước khi có Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức thực hiện công tác giám sát đầu tư cộng đồng thông qua ban thanh tra nhân dân và tổ giám sát cộng đồng do ban công tác Mặt trận ở các thôn và khu dân cư nhưng công tác giám sát chưa bài bản, hiệu quả đem lại chưa cao. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” thì công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội bước đầu đi vào nề nếp và có chiều sâu.

Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành kế hoạch và tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thị xã học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218; chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể trong hệ thống chính trị thị xã tổ chức quán triệt đến tận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của các Quyết định 217, 218; tính chất, nguyên tắc của công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thị ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã phối hợp với các tổ chức cơ sở đảng, khối cơ quan, Mặt trận, các đoàn thể tổ chức mở các lớp triển khai quán triệt Quyết định 217, 218 cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thị xã; phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh thị xã mở các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình, phương pháp thực hiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở và tổ chức các lớp quán triệt Quyết định 217, 218, các thông tri, hướng dẫn, quy định của Mặt trận và các đoàn thể Trung ương đến đội ngũ cán bộ chủ chốt và chỉ đạo cơ sở tổ chức quán triệt, học tập trong đoàn viên, hội viên.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã phối hợp với HĐND thị xã, các ngành tổ chức 21 cuộc giám sát với các nội dung trọng tâm: Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2014 - 2015; việc chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, tin báo tội phạm; về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động; việc tổ chức hoạt động của Ban giảm nghèo các xã, phường; việc sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ, vốn khuyến nông, lâm, ngư trên địa bàn thị xã; việc cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo; việc huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số cơ quan, tổ chức, địa phương; việc thực hiện nghị quyết của HĐND thị xã. Đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện vay vốn tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã của các đoàn thể chính trị - thị xã. Phối hợp giám sát việc chi trả tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển ở hai xã Hải Dương, Hương Phong; việc quản lý các khoản đóng góp của Hội phụ huynh học sinh ở một số trường học trên địa bàn thị xã…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội xã, phường phối hợp với các ban, ngành cơ sở đã tổ chức 42 cuộc giám sát với nội dung: việc huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; việc thu gom xử lý rác thải; việc quản lý thu đóng góp, sử dụng quỹ hội phụ huynh học sinh ở một số trường THCS, tiểu học, mầm non; quỹ đóng góp của một số khu dân cư; việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở phường Tứ Hạ, xã Hương Toàn.

Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng các cấp và tình hình thực tiễn, điều kiện thực tế của từng tổ chức, đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của từng đoàn thể theo Quyết định 217 như: Liên đoàn Lao động giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo hiểm đối với người lao động trong các doanh nghiệp; Hội Nông dân giám sát việc thực hiện về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản và thức ăn trong chăn nuôi; việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; Hội LHPN giám sát việc thực hiện khoản 6, điều 1 Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, phường và ở thôn, tổ dân phố. Hội Cựu chiến binh giám sát việc thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TTg và Quyết định số 62-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Năm 2016, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp làm tốt việc giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại 106 tổ bầu cử ở 16 xã, phường trên địa bàn thị xã, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, đã thực hiện công tác giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã, phường. Sau Đại hội Mặt trận các cấp (nhiệm kỳ 2014-2019), Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường đã được củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả trong công tác giám sát. Từ năm 2014 đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 205 cuộc, phát hiện và kiến nghị Chính quyền các cấp 171 vụ việc, hòa giải kịp thời các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư,  góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành chính quyền ở cơ sở. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: sai phạm về lấn chiếm, tranh chấp đất đai, khai thác tài nguyên trái phép, xây dựng các công trình hạ tầng không bảo đảm chất lượng, việc đóng góp và sử dụng các loại quỹ không đúng mục đích... Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng cũng đã phát huy được vai trò giám sát của nhân dân đối với các công trình, dự án được triển khai trên địa bàn thị xã; do đó chất lượng các công trình được bảo đảm, giá trị sử dụng được nâng lên, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân. Hằng năm Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã cử cán bộ tham gia vào các Đoàn giám sát do Thị ủy, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của Thị ủy, HĐND thị xã tổ chức theo Chương trình kiểm tra, giám sát của Thị ủy, Ban chỉ đạo QCDC và Chương trình giám sát của HĐND thị xã; phối hợp tốt với các Đoàn giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh khi các đoàn thực hiện việc giám sát đối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn thị xã.

Trong quá trình giám sát đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã và đã kiến nghị với HĐND, UBND các cấp, các cơ quan liên quan kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hành chính của chính quyền các cấp; bước đầu đã tạo được niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích nhân dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn thị xã.

Hằng năm Mặt trận Tổ quốc đã đăng ký nội dung phản biện xã hội với Thị ủy và các cơ quan Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở đã tham gia phản biện, tham gia ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết của Đảng, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức các hội nghị để tham gia góp ý trên các lĩnh vực, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri… Để góp phần nâng cao chất lượng công tác phản biện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã đã quyết định thành lập 2 Ban Tư vấn Ban Tư vấn về kinh tế - xã hội và Ban Tư vấn về Dân chủ - pháp luật gồm 10 thành viên là những nhân sĩ, trí thức, các cán bộ chuyên môn của các ban, ngành ở thị xã làm tham mưu trong công tác phản biện xã hội.

Trong hơn 3 năm qua, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thị xã đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo Luật: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi),...  đặc biệt đã tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XII; Nghị quyết của Thị ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đã tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản, góp ý qua hòm thư đặt tại các trụ sở cơ quan làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ, công nhân viên chức của các cơ quan, đơn vị đầu năm… Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường vụ đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở đã tổ chức việc góp ý bằng văn bản về sự lãnh đạo, chỉ đạo đến cấp ủy Đảng cùng cấp; tham gia góp ý, nhận xét đối với cán bộ, đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; tham gia góp ý trong phát triển đảng viên; tham gia góp ý đối với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giao ban để lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cùng với tham gia góp ý xây dựng Đảng, công tác góp ý xây dựng chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; nhiều ý kiến góp ý mang tính xây dựng và có tính thực tiễn cao, được các cơ quan đánh giá có hiệu quả và đáng tin cậy giúp cấp ủy Đảng, chính quyền xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến các xã, phường chủ động phối hợp với chính quyền trong việc nắm bắt, đề xuất giải quyết các ý kiến của cử tri và nhân dân góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, các xã, phường đã chủ trì và phối hợp tổ chức hiệp thương lựa chọn giới thiệu người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử để bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, đại biểu Hội đồng nhân dân các xã, phường, bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân thị xã, bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố theo quy định của pháp luật.

Đã thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, các xã, phường; tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân thị xã, các xã, phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, các xã, phường đều có báo cáo tham gia đóng góp xây dựng chính quyền, kiến nghị, đề xuất tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thị xã, các xã, phường; phối hợp cải tiến đổi mới các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, mở rộng địa bàn, đối tượng tiếp xúc đến khu dân cư, công khai, dân chủ, tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối thoại và trao đổi trực tiếp với cử tri.

Nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt và ban hành văn bản để triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; đã quan tâm mở rộng dân chủ trong hệ thống chính trị, coi trọng việc tạo cơ chế để nhân dân thể hiện ý kiến tham gia xây dựng chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Thị ủy, HĐND, UBND, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể của thị xã đã thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn toàn thị xã. Ban Thường vụ Thị ủy thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở tổ chức triển khai thực hiện đến các tầng lớp nhân dân; tích cực tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bước đầu đạt kết quả tốt. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở đã chủ động phối hợp tham mưu cho các cấp ủy Đảng; đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được đặt ra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế đó là: việc tổ chức quán triệt, học tập Quyết định 217, 218 của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chưa thật sự đầy đủ, rộng khắp. Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và xã, phường chưa phân biệt được việc giám sát thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ với việc giám sát theo tinh thần Quyết định 217 của Bộ Chính trị nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng. Nội dung, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai còn hạn chế, chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Chưa đánh giá được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Một số đoàn thể chưa xây dựng được chương trình giám sát cụ thể; việc triển khai công tác phản biện chỉ mới tập trung vào phản biện việc xây dựng các Bộ luật khi có yêu cầu; chưa thực hiện được việc phản biện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây dựng các chương trình, chuyên mục để phối hợp phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị chưa nhiều; việc phản ánh kết quả thực hiện Quy chế, Quy định và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện còn chậm; các văn bản hướng dẫn của một số đoàn thể cấp trên chưa cụ thể, kịp thời. Việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát một số đoàn chưa phù hợp; đối tượng giám sát vẫn là các cơ quan, tổ chức, xã, phường; chưa giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đối với cá nhân; việc theo dõi kết quả, thông báo cho đơn vị chủ thể được giám sát và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện chưa được quan tâm đúng mức. Một số đơn vị được giám sát vẫn còn tâm lý làm cho xong việc; một bộ phận cán bộ làm công tác giám sát còn tâm lý ngại va chạm, nể nang, không giám nêu chính kiến của mình. Việc giám sát các công trình có nguồn tài chính phân bổ từ cấp trên (Trung ương, tỉnh) không có cơ chế điều kiện để tiếp cận giám sát. Việc đóng góp ý kiến cho công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền một số địa phương còn hạn chế. Phần lớn công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét. Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế về trình độ chuyên môn trong từng vấn đề, khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kiến nghị trong quá trình phản biện xã hội. Một số kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được các cấp, các ngành kịp thời xử lý. Tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã, các xã, phường và nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao; công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với cấp ủy, chính quyền địa phương có mặt chưa thật sự chặt chẽ. Việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chỉ mới dừng lại ở tham gia góp ý xây dựng Đảng vào cuối năm ở cấp thị xã của Mặt trận Tổ quốc thị xã; đối với chính quyền, sau bầu cử HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền ở các kỳ họp HĐND các cấp.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị trên cơ sở nhìn nhận được những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai; Ban Thường vụ Thị ủy đã bàn và thống nhất cao một số nhiệm vụ giải pháp nhằm lãnh, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã và các xã, phường tập trung thực hiện đó là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị.

Phát huy vai trò của lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong việc lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến các xã, phường tiếp tục nghiên cứu, thực hiện đúng nội dung, quy trình giám sát, phối hợp thực hiện một cách có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời phối hợp tham mưu thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong các lĩnh vực: Quản lý Dự án đầu tư xây dựng; tài nguyên và môi trường; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách dân tộc; công tác tổ chức, cán bộ…

Chính quyền phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hoạt động; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện hoạt động giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đang và sẽ ban hành thực hiện trên địa bàn thị xã theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. HĐND, UBND các cấp có trách nhiệm cân đối ngân sách bố trí kinh phí để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã:

Hằng năm, hướng dẫn cơ sở triển khai kịp thời, đảm bảo việc thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp trên. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Thị ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị xã để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của thị xã và các cơ quan, đơn vị, các xã, phường. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, báo cáo đúng định kỳ; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình.

Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh cho cấp ủy, HĐND các cấp; theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân gắn với việc thúc đẩy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân; những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm; giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

 Ban Dân vận Thị ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thị ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị. Định kỳ trước ngày 15/11 hằng năm, các địa phương, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị về Ban Thường vụ Thị ủy.

Mai Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 2.015