Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phòng trừ bệnh khô vằn hại lúa vụ Đông Xuân 2023-2024
Ngày cập nhật 18/03/2024

Vụ Đông Xuân năm 2023-2024, thị xã Hương Trà gieo sạ 1.659,9 ha. Cơ cấu chủ yếu Khang dân 734,4ha, HT1 357,2ha, KH1 38ha, TH5 5,2ha, JO2 327,5ha, HG12 39,3ha, Nếp 10ha, HG244 114,4ha, DT39 5,4ha, HP3 13ha, các giống khác 15,5 ha. Lúa sinh trưởng phát triển tốt, đến nay lúa trà đầu đang giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến phức tạp nắng ấm  xen kẽ có mưa do không khí lạnh ảnh hưởng, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh trên cây lúa, đặc biệt là bệnh khô vằn lây lan rất nhanh.

 Bệnh khô vằn trên lúa do nấm khô vằn có tên khoa học là Rhizoctonia solani gây nên, ngoài hại trên cây lúa loại nấm này còn gây hại trên một số loài cây trồng khác như đậu tương, ngô, đậu đỗ.... Nấm này phát sinh phát triển mạnh nhất khi cây lúa xanh tốt, gieo cấy dày, ruộng thấp trũng; thời tiết ấm áp, có nắng mưa xen kẽ. Triệu chứng vết bệnh ban đầu trên cây lúa là những đốm hình bầu dục, màu xám trắng ở bẹ lá gần gốc lúa. Khi nấm tấn công lên lá thì vết bệnh không còn hình dạng nhất định mà loang lổ như hình vằn da hổ. Nếu không trừ bệnh kịp thời nấm sẽ ăn lên bông lúa làm bông bị lép, lửng.

Sự phát sinh phát triển của bệnh có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Bón phân đạm nhiều, bón đạm lai rai, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn. Bón phân kali có tác dụng  giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.

Để phòng trừ bệnh cần gieo cấy đúng thời vụ, mật độ gieo cấy hợp lý, bón phân đầy đủ, bón theo nhu cầu của cây và bón cân đối giữa các loại phân để tăng cường tính chống chịu của cây. Hệ thống tưới tiêu chủ động và không để mức nước quá cao trong trường hợp bệnh đang lây lan mạnh.

Đối với các chân ruộng có bệnh phát sinh gây hại, cần sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Validamycin, Hexaconazole như Validacin 5L, Vali 5SL, Vivadamy 5WP,... phun kỹ vào ổ bệnh và các dãy lúa gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ; những diện tích bị nặng phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày để phòng trừ; nên phun thuốc trực tiếp vào vết bệnh và phải đảm bảo đúng các loại thuốc, nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn in trên bao bì sản phẩm.

* Lưu ý: Sử dụng thuốc hóa học để phun trừ bệnh chỉ mang lại hiệu quả khi bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá chưa lan lên lá và thuốc được tiếp xúc với tầng lá dưới của cây. Vì vậy cần tiến hành phun ngay khi cây chớm bị bệnh. Khi phun cần rẽ lối đưa vòi phun vào gốc lúa mới đạt hiệu quả cao và phun thuốc lên cả bờ cỏ xung quanh ruộng.

Nguyễn Thị Thương - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 6.829