Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thực trạng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 17/01/2020

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay nông dược là những chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại đến tài nguyên thực vật. Những sinh vật gây hại chính gồm sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột và các tác nhân khác.

 

Trong phòng trừ tổng hợp sinh vật gây hại cây trồng hiện nay, biện pháp sử dụng thuốc BVTV là biện pháp ngăn chặn sinh vật hại bùng phát thành dịch nhanh nhất, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ mất mùa. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng sẽ gây ra những thảm họa cho sức khỏe con người với nhiều loại bệnh hiểm nghèo như ung thư, quái thai, sảy thai,… Về lĩnh vực nông nghiệp, nếu sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc “4 đúng” như đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ- liều lượng vừa gây lãng phí thất thoát về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường, có khi cây trồng bị chết; làm mất cân bằng hệ sinh vật trên đồng ruộng gây bộc phát một số đối tượng dịch hại nguy hiểm vào cuối vụ như rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ,.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND thị xã đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất, lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng cho hàng ngàn lượt hộ nông dân tham gia. Mặc khác, từ năm 2010 đến nay, các công ty kinh doanh, cung ứng thuốc BVTV phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức khoảng 100 cuộc hội thảo kỹ thuật cho hơn 4.000 lượt hộ nông dân tham gia về việc sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa, cây lạc, rau màu, cây cao su, cây ăn quả nhưng tình hình sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân vẫn chưa mấy khả quan!

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh không đúng kỹ thuật thường ít thấy ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng mà chỉ không diệt trừ được sâu, bệnh hại và nông dân thường cho rằng thuốc không hiệu quả. Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ sai kỹ thuật cây trồng sẽ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến chết. Những vụ Đông xuân có rét đậm rét hại kéo dài, việc sử dụng thuốc trừ cỏ hết sức khó khăn và cần phải cẩn thận. Các cơ quan chức năng thường có Thông báo hướng dẫn sử dụng thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa gieo sạ đầu vụ Đông xuân gửi các địa phương. Tuy nhiên, vẫn nhiều trường hợp sử dụng thuốc trừ cỏ sai kỹ thuật xảy ra. Một số trường hợp điển hình trong thời gian vừa qua như vụ Đông Xuân 2010- 2011, hộ anh Tuấn ở HTXNN Hương Hồ 2 phun thuốc trừ rầy bằng “Vi- 2,4D”! Theo anh Tuấn, sau khi phun thuốc trừ cỏ Fasi 50WP xong, thấy ruộng còn xấu anh sợ do rầy, bọ trĩ gây hại nên anh phun thuốc trừ rầy Bassa 50EC, phun xong anh cẩn thận bỏ vỏ chai thuốc vào bụi cây. Sau khi chúng tôi kiểm tra, phân tích, anh lấy vỏ chai thuốc đã sử dụng ra, nhìn kỹ mới tá hỏa là thuốc trừ cỏ Vi- 2,4D!

Và nhiều trường hợp khác sử dụng nhầm thuốc hoặc sai kỹ thuật như hộ ông Trai ở HTXNN Hương Hồ 1; ông Hoàng, bà Mỹ ở HTXNN Hương An trong vụ Đông Xuân 2010- 2011 cũng tương tự. Tuy nhiên các trường hợp bị ảnh hưởng nhẹ, công tác chăm sóc tích cực cây lúa sẽ phục hồi cho năng suất khá tốt.

Đặc biệt, năm 2012 trên địa bàn phường Hương Vân xảy ra vụ xử lý thuốc trừ cỏ cho cây đậu xanh không đúng thuốc dẫn đến cây đậu xanh bị ảnh hưởng và chết với diện tích khoảng 2ha. Nguyên nhân được xác định do bà con sử dụng thuốc trừ cỏ ANTACO 500ND của Công ty TNHH Việt Thắng và đây là loại thuốc được đăng ký sử dụng trừ cỏ cho cây lạc, sắn, ngô, mía, hành (không đăng ký sử dụng trừ cỏ cho cây đậu xanh- theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 2 năm 2012 về việc ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam). Khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã có kiểm tra đánh giá; chính quyền địa phương đã mời các hộ nông dân bị thiệt hại và đại lý cung ứng thuốc BVTV đến để làm rõ sự việc ai sai, ai đúng. Sau khi phân tích cả hai bên đều sai, phía nông dân là người sử dụng thuốc không đọc kỹ nhãn mác trước khi dùng, bên đại lý hướng dẫn sai cây trồng, hơn nữa đại lý lại là người địa phương, cuối cùng huề cả làng, người nông dân phải chịu thiệt! Cũng trong năm 2012, trường hợp hộ bà Trần Thị Nghĩa ở HTXNN Tây Xuân- Hương Xuân sử dụng quá nhiều loại thuốc trong một lần phun và sử dụng nhiều lần cho 2 sào ruộng của mình dẫn đến cây lúa bị “đứng” trổ bông không thoát gây thất thu khá lớn.

Vụ Đông Xuân 2013- 2014, thời tiết đầu vụ mưa rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, một số diện tích lúa dài ngày (giống 4B) sinh trưởng phát triển chậm, nhiều hộ nông dân cứ nghĩ rằng do bọ trĩ, rầy gây hại nên đã dùng thuốc trừ sâu, rầy để phun trừ, có hộ phun 2 đến 3 lần khi lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, cụ thể như hộ ông Lợi ở thôn Thuận Hòa B- Hương Phong phun thuốc Vibassa 50EC + Vifast 5EC + Sattrungdan 95BTN và đây là lần phun thứ 2 của ruộng nhà ông. Trường hợp khác, hộ ông Ngà ở thôn Thuận Hòa A- Hương Phong cũng vai đeo bình bơm, tay xách thuốc ra đồng định phun cho ruộng của mình, khi gặp chúng tôi ông nói thấy lúa xấu và có nhiều “con gì rất nhỏ” bay lên, phun cho yên tâm (thật ra những con vật nhỏ này không gây hại). Được chúng tôi phân tích, diễn giải ông nói không phun nữa, nhưng khi chúng tôi đi liệu ông có yên tâm quay về hay không! Điều đáng nói ở đây là vào thời điểm này (giữa tháng 2), cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh chỉ cần tập trung chăm sóc, bón phân và tỉa dặm.

Một trường hợp khác, hộ ông Hóa ở Vân Quật Đông- Hương Phong phun trừ bệnh đạo ôn cho lúa nếp bằng thuốc Beam 75WP và kết hợp thêm 3- 4 loại thuốc trừ sâu, rầy khác. Khi hỏi tại sao anh kết hợp thêm các loại thuốc này, anh nói phun phòng, phun như thế này mới yên tâm, mỗi sào tốn thêm 20- 30 nghìn đồng có bao nhiêu đâu! Cả vụ chỉ tốn khoảng gần 300.000 đồng cho một sào! Còn trường hợp phun không đủ lượng nước pha chế thuốc trên đơn vị diện tích là rất phổ biến, đa số nông dân chỉ phun 1 bình 12- 16 lít nước cho 1 sào.

Vấn đề ở đây là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật còn hạn chế, bà con mình không đọc kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng, thậm chí không đọc nữa, mua về là cứ việc phun! và những trường hợp tương tự chúng tôi bắt gặp rất rất nhiều....

Vụ sản xuất Đông Xuân 2019- 2020 đã và đang triển khai, bà con đang tập trung gieo sạ lúa và không thể không sử dụng thuốc trừ cỏ; UBND thị xã cũng đã có công văn chỉ đạo về việc phòng trừ cỏ dại hại lúa đầu vụ Đông Xuân (số 3480/UBND, ngày 30/12/2019), vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, các HTXNN tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để bà con nông dân sử dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế những sai sót xảy ra như những trường hợp vừa qua, góp phần đem lại một vụ mùa bội thu.

Phước Lễ - TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 3.378