Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đầu năm đi lễ chùa, nét đẹp của người dân xứ Huế
Ngày cập nhật 15/02/2019

Ở Huế, người đến thăm nhà đầu tiên trong năm mới, không gọi là “xông đất” mà gọi là “đạp đất”. Người ta tin rằng tính cách, vận hạn của người đạp đất thế nào thì nhà mình suốt năm cũng ảnh hưởng theo như vậy. Bởi vậy ở Huế sáng ngày mồng một đầu năm, ít ai đến thăm nhà nhau, bởi lẽ người ta ngại rằng mình là người "đạp đất" đầu năm nếu lỡ không may gặp chuyện xui xẻo thì gia chủ sẽ bứt rứt lo lắng không yên. Vì vậy, thay vào đó người Huế dành ra ngày mồng một để đi chùa lễ Phật, cầu nguyện một năm an bình, ăn nên làm ra. Sau đó là thăm viếng phần mộ tổ tiên, ông bà, nhà thờ họ tộc, thắp một nén nhang.

 

Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Truyền thuyết kể rằng, thời các Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, khi đến định đô tại Thuận Hoá, để thực hiện giấc mộng lập quốc an dân theo lời tiên tri của Bà Trời (Linh Mụ). Những đêm khuya tối trời, người dân thường trông thấy một con Rồng to xuất hiện trên không trung, làm mưa làm gió, quấy nhiễu triều cương. Các Chúa bèn tìm người tinh thông địa lý đến khảo sát, mới hay, ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con Rồng với nhiều long mạch khắc chế với Ðế quyền, cần phải có cao nhơn trấn thủ điều phục điềm xấu. Từ đó, các Chúa cho phép các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào những huyệt địa để thuần phục Rồng Thiêng, buộc chầu Thiên Ðế, quả nhiên Rồng Thiêng không còn quậy phá nữa. Do vậy mà vùng đồi núi nầy có tên là Bình An Sơn. Trên dãy Bình An Sơn nầy có hàng chục ngôi chùa toạ lạc ở những vị thế tôn nghiêm, ra đời gắn với truyền thuyết và dường như những lần cắm Tích trượng của chư vị Tổ Sư đã điểm trúng huyệt mạch của Rồng Thiêng. 

Theo truyền thuyết, điểm khởi đầu của các ngôi chùa đó là chùa Báo Quốc do Thiền sư Giác Phong dựng vào cuối thế kỷ XVII, Chùa được xây dựng trên đồi Hàm Long rộng khoảng 2 hecta. Qua khỏi cổng tam quan cổ kính là một khoảng sân đất có hai hàng cổ nhãn uy nghi tiếp đến là khoảng sân trên trồng nhiều cây tùng có lan can bao bọc. Khi Hoà thượng Giác Phong từ Trung Hoa đến chấn tích khai sơn (khoảng 1693-1714) đã cho đào một cái giếng Hàm Long ngay dưới chân đồi. Giếng có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, có nước trong, thơm và ngọt. Nước giếng này sau đó được tiến dâng lên các Chúa, còn người dân thì tuyệt đối không được phép dùng, từ đó nó trở thành một giếng thiêng, giếng cấm.

Chùa Báo Quốc nổi tiếng cảnh đẹp, cây cối quang năm xanh phủ u tịch, ngôi chùa kiến trúc theo lối cổ thấp nằm khuất trong những tàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Xưa nay chùa nổi tiếng có nhiều loài hoa và cây quý. Thiên nhiên và kiến trúc của chùa Báo Quốc có thể nói là một danh lam thực thụ, toàn cảnh của ngôi chùa này đến nay vẫn còn giữ được  hồn xưa tĩnh mặc.

Tiếp theo chùa Báo Quốc, dọc theo con đường Ðiện Biên Phủ thẳng tắp lên Ðàn Nam Giao có rất nhiều ngôi chùa như chùa Thiên Minh, chùa Vạn Phước, chùa Từ Ðàm, chùa Thiền Lâm, chùa Kim Tiên, chùa Từ Quang, chùa Diệu Đức, chùa Tường Vân, chùa Quảng Tế, chùa Từ Lâm... nhiều, nhiều lắm, các ngôi chùa nầy theo truyền thuyết thì dường như tọa lạc trên Bình An Sơn, trên lưng Rồng Thiêng.

Chùa Thiên Minh nằm ở lưng chừng quãng dốc đầu tiên của đường Điện Biên Phủ. Đây là ngôi chùa được dựng sau các chùa cổ khác, do vậy có lối kiến trúc hiện đại, đặc biệt sư trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Khế Chơn có nhiều tướng tốt, giỏi thuyết pháp, tế đàn nên thu hút rất nhiều đệ tử. Nhiều người lên đây chỉ được mong được gặp thầy là đủ niềm tin, thanh thản cho một năm mới.

Đi tiếp lên dốc Nam Giao sẽ gặp chùa Từ Ðàm, chùa do Thiền sư Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn. Những năm đầu của thế kỷ XX, chính nơi đây đã khơi dậy phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1963 tại đây đã là trụ sở của cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm, bây giờ đã là trung tâm của Phật giáo Huế. Kể từ khi Tổ Minh Hoằng Tử Dung cắm tích trượng khai sơn đến nay đã gần 300 năm. Khí thiêng sông núi un đúc, làm cho đạo mạch Từ Đàm lưu trường với vai trò thật là hệ trọng đối với mạng mạch Phật giáo Thừa Thiên Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Vì vậy, nếu ai đến Huế, muốn hiểu vì sao người ta gọi Huế là “Thiền Kinh” tức là Kinh Đô chùa chiền, cũng tức là nói đến phong cách Phật giáo xứ Huế, tinh thần Phật giáo xứ Huế, thì nên về chùa Từ Đàm.

Chùa Kim Tiên, mà người dân Huế quen gọi là chùa Tiên cũng có nhiều truyền thuyết. Trước chùa có một giếng xưa, sâu hơn 30 thước nước rất trong sạch . Tương truyền xưa có tiên nữ ban đêm tắm ở giếng nầy, nên cũng có tên là Giếng Tiên.... Chùa Kim Tiên dưới thời các chúa Nguyễn là một trong những ngôi chùa rất đẹp tại xứ Thần kinh. Có phong cảnh u nhã, có lầu son gác tía huy hoàng tráng lệ. Tuy nhiên cũng vì đẹp, tráng lệ nên trong quá khứ, chùa Kim Tiên cũng trải qua lắm “nổi thăng trầm” cùng đất nước xứ sở. Dưới thời Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, một loạt những ngôi chùa danh tiếng tại cố đô bị sung vào làm “nhà trọ kinh đô” (như Báo Quốc, Thiền Lâm) cho quan lại Tây Sơn làm dinh thự, thủ phủ, chùa Kim Tiên lại được chọn làm phủ ở của công chúa Ngọc Hân. Từ một ngôi chùa trở thành phủ ở của một vị công chúa tất nhiên chùa phải bị sửa chữa, thay đổi cho phù hợp. Công chúa Ngọc Hân ở tại chùa Kim Tiên một thời gian khá dài nên cũng có một biệt hiệu là “bà chúa Tiên” và chùa Kim Tiên được gọi là “phủ Bà Chúa Tiên”.

Xuất hiện ở chốn núi non u nhã của đất đế đô xưa, vào hạ bán thế kỷ thứ XIX, chùa Tường Vân đã có nhiều nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa và kiến trúc trong hệ thống thiền môn xứ Huế. Chùa Tường Vân hiện nay toạ lạc trên vùng đồi núi làng Dương Xuân thượng. Theo đường Điện Biên Phủ quá chùa Từ Đàm, rẽ về phía tay phải, đi theo một con đường đất khoảng 4, 5 trăm mét thì đến chùa.

Ngôi chùa Tường Vân hiện nay có một tiền đường và một đại điện kiến trúc theo kiểu trùng thiềm nhưng có cải cách. Đi qua một cổng chùa đồ sộ, người ta đến một khoảng sân, lên mấy bậc tầng cấp thì lại đến một khoảng sân cao hơn. Tiền đường xây dựng trên nền cao. Bảy bậc tầng cấp lên tiền đường kéo dài suốt ba gian, hai đầu có hai con nghê chầu, có những vế đối bằng chữ Hán rực rỡ. Mặt tường hai chái đắp hình nổi diễn tả tích Ngài Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh, sát góc ngoài có dựng hai tấm bia ngày xưa nói về những lần trùng tu chùa. Giữa hai tầng mái, vách trùng thiềm chia làm ba khung, mỗi khung có bốn chữ Hán. Các góc mái cong lên, có cù giao đẹp, tua vân kiên chạy dài theo giọt mái ngói. Nóc tiền đường và nóc đại điện kiến trúc rất đẹp. Hai bên có hai con rồng uốn lượn châu mặt vào hình Pháp luân ở giữa.

Toàn bộ hệ thống kiến trúc chùa theo hình chữ khẩu, kiểu kiến trúc của chùa Huế truyền thống gồm chùa, hậu tổ, tăng đường và trai đường khép kín tạo thành một khoảng sân nhỏ ở giữa đặt chậu hoa cây kiểng vừa trông rất thiên nhiên vừa tạo được sinh khí trong chùa. Hiện nay, chùa Tường Vân là một ngôi chùa rất trang nghiêm bề thế giữa chốn kinh kỳ, và là một trong những ngôi Tổ Đình lớn của Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên - Huế.

Ngày Tết, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện chân thành, cùng với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cõi Phật để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm. Chùa ở Huế cũng mang những nét kiến trúc rất đẹp, giao thoa giữa kiến trúc cung đình với kiến trúc dân gian, hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với chốn tôn nghiêm tu hành nên lên chùa còn được vãn cảnh, tìm lại cảm giác yên bình, thanh tịnh. Chính vì vậy có thể nói đi chùa lễ Phật đầu năm của người Huế, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét văn hóa tươi đẹp.

Bảo Trân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.530.818
Truy câp hiện tại 55