Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dự án UDKH mô hình trồng sả tía Java và sản xuất tinh dầu sả tại thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 28/10/2019

1. Thời gian thực hiện: 08 tháng (Từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020). Thuộc Chương trình: Dự án KHCN cấp cơ sở 2019

 

2. Tổng vốn thực hiện dự án:  137.804.500  đồng, trong đó:

- Từ Ngân sách sự nghiệp khoa học : 66.000.000 đồng         

- Khác (người dân đóng góp): 71.804.500 đồng

3. Chủ nhiệm dự án

Họ và tên:  Hoàng Hữu Tình

Học hàm, học vị / Trình độ chuyên môn: NCS. Thạc sĩ Sinh học

Tên tổ chức đang công tác: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

4. Tổ chức chủ trì thực hiện dự án: Trường Đại học Nông Lâm

5. Tính cấp thiết của dự án

Cây sả là một trong những loại cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu do có đặc tính chịu hạn, chịu mặn, không kén đất (Nguyễn Trần Khánh Duy & Bùi Minh Trí, 2016). Đầu tư cho trồng sả thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh và kéo dài, ít bị nhiễm sâu bệnh hại và có khả năng chống chịu tốt nên hiệu quả kinh tế của trồng sả cao, gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Trên diện tích thâm canh 20 ha trồng sả, một nhà máy sản xuất tinh dầu sẽ thu về lợi nhuận từ 1,5-1,6 tỷ đồng/năm (Lê Văn Tri và cs., 2016). Ngoài ra, bã lá sả sau khi chưng cất tinh dầu còn được sử dụng như là nguồn nguyên liệu hữu cơ lớn phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Cách tận dụng bã sả thay vì đốt bỏ giúp giảm ô nhiễm, bảo vệ bền vững tài nguyên đất.

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều trồng là giống sả chanh. Bên cạnh đó, sả tía Java là loại cây chịu hạn tốt và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đang nóng dần ở khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế. Với loại cây hương - dược liệu này có thể giúp các hộ dân vùng gò đồi ổn định và phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay người dân ở vùng gò đồi thị xã Hương Trà đang gặp nhiều trở ngại trong việc xây dựng mô hình kinh tế cho sự phát triển bền vững. Do đặc thù địa lý vùng đất sản xuất lúa - màu không nhiều và ngày càng thu hẹp dần vì quá trình đô thị hóa. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp mưa ít, nắng nhiều ảnh hưởng đến các loại cây trồng tại địa phương. Đất gò đồi chủ yếu là trồng keo tràm lấy gỗ mà chưa có một định hướng rõ nét để khai thác bền vững quỹ đất này.

Trong những năm gần đây, theo tinh thần của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế một trong các hướng phát triển kinh tế là đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ cây hương liệu, dược liệu. Trong đó, sả là một trong những cây trồng có thể phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây diện tích, năng suất và sản lượng cây sả trên toàn tỉnh tăng lên không đáng kể.

6. Tính mới và thích hợp của quy trình công nghệ được áp dụng

6.1. Nêu những thông tin cơ bản, mới nhất về các quy trình công nghệ đang được áp dụng tại địa phương trong lĩnh vực dự án dự kiến triển khai

Hiện nay, tại thị xã Hương Trà các hộ dân ở vùng gò đồi làm kinh tế nông hộ chủ yếu dựa vào một phần diện tích nhỏ để trồng lúa – màu, phần lớn diện tích còn lại là trồng keo tràm lấy gỗ. Cho đến nay các loại cây hương – dược liệu hầu như chưa được chú trọng và cây sả được trồng với quy mô hộ gia đình chủ yếu lấy củ để bán làm gia vị. Vì vậy chưa có quy trình chưng cất để sản xuất tinh dầu sả được áp dụng trên địa bàn. Trong khi, tại thị xã Hương Trà có nhiều tuyến đường điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đi qua. Việc khai thác quỹ đất đi qua các vùng gò đồi vẫn chưa có một chủ trương chính thức nào của chính quyền và điện lực mà chủ yếu là do các hộ dân tự phát vận dụng phù hợp với canh tác tại chỗ. Sả tía Java có tính chịu hạn cao nên rất phù hợp cho vùng đất gò đồi thiếu nước. Thời tiết càng khô hạn thì mặc dầu tỷ lệ thu hoạch lá thấp nhưng tỷ lệ tinh dầu trong lá lại tăng cao, vì vậy hiệu quả kinh tế vẫn ổn định hơn so với các giống cây trồng khác.

6.2. Đặc điểm và xuất xứ của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Xuất phát từ đề tài cấp trường: “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng và sản xuất tinh dầu sả hữu cơ (sả tía Java – Cymbopogon winterianus) trên vùng đất gò đồi thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Tiến sĩ Trần Bá Tịnh chủ trì đã được nghiệm thu năm 2018. Trong kết quả nghiên cứu của đề tài đã trình bày được quy trình trồng sả tía Java và quy trình chưng cất tinh dầu sả. Đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc và bước đầu chứng minh được tính hiệu quả về mặt kinh tế. Từ kết quả đó, dự án này sẽ áp dụng quy trình vào xây dựng mô hình trồng và sản xuất tinh dầu sả tía Java nhằm hoàn thiện quy trình để tập huấn và chuyển giao cho bà con nông dân.

6.3. Nêu tính mới của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng so với các công nghệ đang áp dụng tại địa phương

Hiện nay trên địa bàn thị xã Hương Trà chủ yếu trồng loại sả chanh với mục đích là lấy củ. Với quy trình trồng sả chanh được áp dụng theo phương pháp truyền thống theo mô hình hộ nông dân. Trong quy trình dự kiến được áp dụng thì giống sả được dùng là sả tía Java. Đây là giống sả hoàn toàn mới lần đầu tiên được trồng tại địa phương dùng làm nguyên liệu để chưng cất và sản xuất tinh dầu. Trong điều kiện chăm sóc tốt, sả tía Java có thể kéo dài thời gian thu hoạch trên 5 năm cho một lần trồng. Với quy trình trồng đó có thể tiết kiệm được rất nhiều về công làm đất, giống, công trồng. Mỗi một năm với số lần thu hoạch tối thiểu 4 lứa cắt có thể giúp hộ dân chủ động tài chính trong quá trình canh tác. Đồng thời, quy trình chưng cất tinh dầu sả tía Java cũng lần đầu tiên được áp dụng tại địa bàn triển khai dự án. Vì vậy, dự án triển khai sẽ giúp bà con nông dân có thêm giống mới (sả tía) cũng như sản phẩm mới (tinh dầu) góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất gò đồi tại thị xã.

6.4. Nêu tính thích hợp của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Đề tài áp dụng trong dự án này là quy trình được xây dựng dựa trên các nghiên cứu cơ bản, hệ thống áp dụng thực tiễn ngay tại Hương Trà, nên đề tài có tính phù hợp cao, thích hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

7. Mục tiêu dự án

7.1 Mục tiêu chung

Xây dựng được mô hình trồng sả tía Java và quy trình chưng cất tinh dầu sả trên địa bàn thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

7.2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng được mô hình trồng sả tía Java tại đất gò đồi ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà.

- Xây dựng được quy trình chưng cất để sản xuất tinh dầu sả trên địa bàn thị xã Hương Trà.

- Tập huấn chuyển giao mô hình trồng sả tía Java và quy trình chưng cất tinh dầu sả đạt hiệu quả kinh tế, tận dụng được các vùng đất gò đồi trên địa bàn thị xã Hương Trà và tiến hành nhân rộng mô hình này nhằm cải thiện được đời sống cho nông dân.

8. Giải pháp thực hiện

Giải pháp về mặt bằng và xây dựng cơ bản (nếu có)

Dự án sẽ được triển khai trên vùng đất gò đồi tại xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà với diện tích 5000m2. Người dân cam kết tham gia mô hình, sử dụng đất của người dân để xây dựng mô hình. Khu vực làm mô hình đảm bảo giao thông thuận lợi, nguồn nước sạch chủ động, nguồn điện thuận tiện để lắp đặt và vận hành hệ thống chưng cất tinh dầu.

Giải pháp về đào tạo

Trường Đại học Nông Lâm, Đại Học Huế cùng phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn Xây dựng mô hình trồng sả tía Java và sản xuất tinh dầu sả tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phối hợp với UBND thị xã Hương trà và các HTX và các hộ dân để chọn hộ tham gia lớp tập huấn. Hình thức đào tạo, tập huấn: Đối với nông dân, áp dụng hình thức tập huấn FFS, ngay tại đồng ruộng.

Nội dung tập huấn:

1. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng sả tía Java: Làm đất, chuẩn bị phân, làm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch sả tía Java.

2. Quy trình chưng cất tinh dầu sả tía Java.

Giải pháp về tổ chức sản xuất

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện bố trí các công việc, tư vấn thực hiện dự án. Kết hợp với hộ nông dân làm mô hình để theo dõi các công việc.

Sau khi mô hình được hoàn thiện và công nghệ được chuyển giao cho người dân, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế sẽ kết hợp với các HTX, UBND phường để khuyến khích người dân tham gia nhân rộng mô hình trồng sả tía Java và chưng cất tinh dầu tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm tinh dầu sả được đóng chai theo từng thể tích khác nhau và từng loại tùy thuộc vào hàm lượng tinh dầu. Sản phẩm tinh dầu sả sẽ được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng ở các hội nghị khoa học, hội chợ triển lãm hoặc tại các hội chợ hàng nông nghiệp tổ chức thường xuyên tại thành phố Huế và các tỉnh khác. Có thể kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, của hàng... để thu mua sản phẩm tinh dầu sả, hoặc thông qua các kênh phân phối lẻ để thúc đẩy lượng tiêu thụ sản phẩm. 

Nếu hộ nông dân trồng thì có thể bán lại sản phẩm lá hay tinh dầu cho chủ dự án theo giá thỏa thuận 6.000.000đ/1 tấn lá hay 2.000.000đ/1 lít tinh dầu. Mặt khác, hộ dân có thể chủ động tiêu thụ sản phẩm của mình mà không bị ràng buộc bởi dự án.

Giải pháp về nguồn vốn

Kinh phí được sử dụng từ nguồn vốn thị xã là 80 triệu đồng. Kinh phí này tập trung vào mua giống, phân bón, trang thiết bị để xây dựng mô hình; công lao động khoa học, công lao động phổ thông; chi phí tập huấn, chi phí hội nghị đầu bờ, chi phí nghiệm thu dự án và các chi phí khác.

Người dân và HTX đối ứng kinh phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đất, vật liệu nông cụ làm mô hình, chi phí thủy lợi, nhiên liệu, công trồng, công chăm sóc; công xây dựng, lắp đặt nồi chưng cất và công thực hiện trong quá trình chưng cất tinh dầu….

 

Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 3.830