Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dự án UDKH ứng dụng đèn LED trong câu mực tại thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 28/10/2019

1. Thời gian thực hiện: 06 tháng (Từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020).

 

2. Tổng vốn thực hiện dự án:  151,930 ngàn đồng, trong đó:

- Từ Ngân sách sự nghiệp khoa học : 76,000 ngàn đồng         

- Khác (người dân đóng góp): 75,930 ngàn đồng

3. Chủ nhiệm dự án

Họ và tên:  Nguyễn Đăng Nhật

Học hàm, học vị / Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Vật lý

Tên tổ chức đang công tác: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

4. Tổ chức chủ trì thực hiện dự án: Trường Đại học Nông Lâm

5. Tính cấp thiết của dự án

Ánh sáng trong đời sống của thủy sản có ý nghĩa như là tín hiệu thức ăn, sự tạo đàn, định hướng di chuyển,… Hiện nay, đã phát hiện được đặc tính sinh học bị lôi cuốn đến vùng chiếu sáng của nhiều loài thủy sản khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân nào đưa thủy sản đến nguồn sáng còn chưa được làm sáng tỏ do sự thay đổi đặc điểm sinh lý thủy sản trong mỗi giai đoạn phát triển và tính chất phức tạp của môi trường được chiếu sáng. Nhiều công trình đã kết luận rằng, những loài thủy sản nổi, thích nước ấm và ăn sinh vật phù du thường tập trung thành đàn khá ổn định trong vùng chiếu sáng. Các loài thủy sản này có tập tính di cư thẳng đứng khá rõ rệt, ban ngày tập trung ở vùng nước gần đáy, ban đêm nổi lên và phân tán hoặc tập trung. Tập tính thủy sản trong vùng chiếu sáng phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc trưng cho môi trường nước như nhiệt độ, độ trong, dòng chảy, sóng,… Tập tính thủy sản cũng thay đổi theo trạng thái sinh vật học của nó như độ chín muồi sinh dục, độ no dạ dày,… Ngoài ra, tập tính của thủy sản còn phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh như ánh sáng của trăng, tiếng động,… Tuy nhiên, người ta có thể tác động gây ảnh hưởng đến tập tính của thủy sản bằng cách điều khiển kỹ thuật chiếu sáng, thay đổi chế độ làm việc của bóng đèn. Phản ứng của thủy sản đối với ánh sáng phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên, trạng thái sinh lý thủy sản, nguyên lý đánh bắt của ngư cụ và tính chất nguồn sáng. Vì vậy, cần phải có các phương pháp sử dụng nguồn sáng phù hợp [1], [2].

Đèn LED ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX và đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nhiều cái “nhất” và “siêu” như: tuổi thọ cao nhất, có lợi cho sức khỏe nhất, siêu sáng, siêu tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường,… đèn LED đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho nhân loại [3].

Việc sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm được khoảng 80% chi phí nhiên liệu, tăng sản lượng đánh bắt cá lên khoảng 24,5%, mực lên khoảng 41,6%,... Các nghiên cứu trên tàu đánh bắt cá kiếm, người ta thấy lượng năng lượng được tiết kiệm đạt tới 86,7%. Ngoài ra chất lượng đánh bắt nhờ ánh sáng LED cải thiện rõ rệt với số lượng cá thu được gia tăng 24,5%. Trên tàu đánh bắt mực, năng lượng tiết kiệm được 40,1% và sản lượng mực thu được lại vượt trên 41,6%. Ánh sáng LED cũng phù hợp hơn với sinh lý thủy sản [4-6].

Câu mực đêm là nghề có từ lâu đời và là kế mưu sinh chính của ngư dân vùng biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo thống kê của UBND xã Hải Dương [7]. Ở Hải Dương hiện nay có khoảng 200 thuyền làm nghề câu mực, mỗi đêm vươn khơi họ thu từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/thuyền. Dụng cụ câu mực của ngư dân hiện nay khá đơn giản gồm vợt, cần câu và bóng đèn măng xông hoặc đèn LED tự chế. Ngư dân Hải Dương có 2 cách để câu mực, là câu bằng thẻ hoặc bằng rường. Với loại cần câu bằng thẻ sẽ buộc vào đó một miếng sắt, dọc dây câu là những thẻ (dải dây nhiều màu sặc sỡ) nằm cách nhau một khoảng 30cm để thu hút mực; cần câu bằng rường thì dây câu được nối với một chùm gồm 8 lưỡi sắt nhọn. Cần câu là một cần tre nhỏ, dai, phần đầu được gắn một miếng cao su khoét lỗ tròn để luồn dây câu qua và được cuộn vào ống câu. Đèn LED ngư dân sử dụng hiện nay đa phần là tự chế, cường độ ánh sáng không đảm bảo, dễ bị hỏng do tác dụng của nước biển.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đề xuất dự án Xây dựng mô hình ứng dụng đèn LED trong câu mực tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

6. Tính mới và thích hợp của quy trình công nghệ được áp dụng

Nêu những thông tin cơ bản, mới nhất về các quy trình công nghệ đang được áp dụng tại địa phương trong lĩnh vực dự án dự kiến triển khai

Câu mực đêm là nghề có từ lâu đời và là kế mưu sinh chính của ngư dân vùng biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, tại thị xã Hương Trà, tình hình ngư dân câu mực ở địa phương còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn. Người dân chủ yếu câu mực theo kinh nghiệm truyền thống và tự chế những vật dụng mang theo như: cần câu, đèn LED tự lắp, vợt xúc mực,… Đặc biệt là việc sử dụng đèn LED do người dân tự mua thiết bị đèn LED dây về lắp đặt có tuổi thọ không cao và nhanh hỏng khi tiếp xúc với nước biển. Công nghệ người dân Hải Dương đang ứng dụng trong câu mực hiện nay còn thô sơ, lạc hậu, đa số do tự chế; sản lượng đánh bắt còn thấp và bấp bênh; luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Đặc điểm và xuất xứ của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Quy trình ứng dụng đèn LED trong câu mực tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế xuất phát từ: Đề tài NCKH cấp trường “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED trong khai thác hải sản xa bờ” do ThS. Nguyễn Đăng Nhật hướng dẫn; đề tài “Ứng dụng đèn LED trong câu mực tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do ThS. Nguyễn Đăng Nhật hướng dẫn và đề tài cấp Đại học Huế “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ tại tỉnh Quảng Trị” do ThS. Nguyễn Đăng Nhật làm chủ nhiệm đề tài đã cho thấy việc áp dụng đèn LED trong khai thác hải sản là giải pháp hữu hiệu giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, mô hình ứng dụng đèn LED trong khai thác hải sản đã được nhiều địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị,… áp dụng và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Ngoài ra từ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế với Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông về các vấn đề liên quan đến ứng dụng đèn LED trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ các cơ sở trên, chúng tôi xây dựng, hoàn thiện quy trình phù hợp cho việc ứng dụng đèn LED trong câu mực tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nêu tính mới của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng so với các công nghệ đang áp dụng tại địa phương

Trước đây, ngư dân đã biết sử dụng đèn măng sông để dùng trên thuyền câu mực, bắt dịp với sự phát triển của lĩnh vực chiếu sáng, ngư dân dần thay thế bằng bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn compact. Hiện tại, đa số ngư dân tại xã Hải Dương chuyển sang sử dụng đèn LED tự lắp ráp, bằng cách mua đèn LED dây về tự lắp đặt, mỗi bộ đèn LED tự lắp ráp có giá từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, những đèn LED này rất nhanh hỏng khi tiếp xúc với nước biển hoặc để lâu không sử dụng, nhược điểm nữa là độ sáng của đèn không đồng đều và nhanh giảm tuổi thọ. Hiện nay, đèn LED chuyên dụng dùng cho câu mực đang là nguồn chiếu sáng lý tưởng trong thủy sản, đặc biệt trong việc câu mực. So với đèn LED tự lắp ráp, đèn LED chuyên dụng trong câu mực có những ưu điểm vượt trội như: tuổi thọ cao, không bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với nước biển, ánh sáng đồng đều, chiếu sáng sâu hơn, tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi làm việc dưới đèn. Qua đó giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất khai thác, giảm chi phí sửa chữa thay mới đèn thường xuyên.

Nêu tính thích hợp của quy trình công nghệ dự kiến áp dụng

Quy trình áp dụng trong dự án này là quy trình được biên soạn dựa trên các nghiên cứu bài bản, áp dụng thực tiễn ngay tại Hương Trà, nên quy trình có tính phù hợp cao, thích hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

7. Mục tiêu dự án

Mục tiêu chung

Ứng dụng đèn LED trong câu mực nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng mô hình ứng dụng đèn LED trong câu mực đạt hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hoàn thiện quy trình công nghệ sử dụng đèn LED trong câu mực đạt hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đánh giá được những lợi ích của việc sử dụng công nghệ mới trong việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong câu mực.

- Tập huấn chuyển giao công nghệ ứng dụng đèn LED trong câu mực đạt hiệu quả kinh tế, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho ngư dân trên địa bàn thị xã Hương Trà để tiến hành nhân rộng mô hình này.

8. Giải pháp thực hiện

Giải pháp về mặt bằng và XDCB (nếu có)

Dự án sẽ được triển khai tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà với 3 thuyền câu mực sử dụng đèn LED chuyên dụng và so sánh với 3 thuyền câu mực sử dụng đèn LED tự chế của ngư dân. Người dân cam kết tham gia mô hình, sử dụng thuyền của ngư dân để xây dựng mô hình.

Giải pháp về đào tạo

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế tổ chức các lớp tập huấn sử dụng công nghệ đèn LED trong câu mực. Các hộ dân được tham gia lớp tập huấn là những người có câu mực trên địa bàn thị xã, hoặc có nhu cầu câu mực.

Phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, UBND xã Hải Dương và các hộ dân để chọn hộ tham gia lớp tập huấn.

Nội dung tập huấn: Quy trình công nghệ lắp đặt, sử dụng đèn LED trong câu mực và các kỹ thuật câu mực.

Giải pháp về tổ chức sản xuất

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thực hiện bố trí các công việc, tư vấn thực hiện dự án. Kết hợp với hộ ngư dân làm mô hình để theo dõi các công việc.

Sau khi mô hình được hoàn thiện và công nghệ được chuyển giao cho người dân, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế sẽ kết hợp với các Chi hội nghề cá, UBND phường/xã để khuyến khích người dân tham gia nhân rộng mô hình câu mực sử dụng công nghệ đèn LED trên địa bàn.

Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Trong nhiều năm qua, lượng mực câu được trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không đủ để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trên địa bàn mà chủ yếu phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm mực tươi từ mô hình này là không quá lo ngại.

Sản phẩm mực có thể được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng ở các hội nghị khoa học, hội chợ triển lãm hoặc tại các hội chợ hàng nông nghiệp tổ chức thường xuyên tại thành phố Huế để quảng bá thêm. Có thể kết nối với các thương lái để thu mua sản phẩm mực, hoặc thông qua các kênh phân phối lẻ để thúc đẩy lượng tiêu thụ sản phẩm. 

Giải pháp về nguồn vốn

Kinh phí được sử dụng từ nguồn vốn thị xã là 76,000 triệu đồng. Kinh phí này tập trung vào mua đèn, các thiết bị lắp đặt,… để xây dựng mô hình, công lao động khoa học, công lao động phổ thông, chi phí tập huấn, chi phí hội nghị đầu bờ, chi phí nghiệm thu dự án và các chi phí khác.

Ngư dân đối ứng kinh phí về thuyền, tiền điện, máy nổ, vật liệu ngư cụ làm mô hình, chi phí bảo dưỡng.

 

Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 7.371