Sinh ra và lớn lên tại xã Bình Điền một địa phương thuộc vùng núi, kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại cách trở. Khi còn là học sinh Phổ thông trung học, Bác sĩ Võ Quang Nhân với hòa bão lớn là trở thành thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Ước mơ trở thành hiện thực sau những năm hoàn thành lớp y sĩ đa khoa năm 1991 và được về công tác tại Trạm Y tế xã Bình Điền. Với tâm niệm của một thầy thuốc hết lòng vì sự nghiệp cứu người, anh năng động, nhiệt tình trong mọi việc, nhất là trong hoạt động chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, đam mê, khiêm tốn học hỏi, thái độ ứng xử khi giao tiếp với mọi người, chẳng bao lâu anh được đồng nghiệp, bệnh nhân tin yêu.
Năm 2003, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đáp ứng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho dân dân, anh được tạo điều kiện theo học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y Dược Huế. Hoàn thành khóa học năm 2007, anh đã tình nguyện lên công tác tại Trạm Y tế xã Hồng Tiến, đây xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của thị xã Hương Trà và hơn 2/3 người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, tại đơn vị mới anh không ngừng phát huy kiến thức mới nhằm nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân. Qua tìm hiểu một người dân, trước đây nếu có người không may tai nạn dẫn đến bị gãy tay thì người dân nơi đây thường điều trị theo phong tục tập quán, không đến cơ sở y tế. Trước tình hình thực tế, không thể để tình trạng bệnh của bệnh nhân nặng thêm, dẫn đến biến chứng, BS Võ Quang Nhân đã đến và vận động đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán và điều trị khoa học hơn. Không những vậy, BS Võ Quang Nhân đã với đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế những lúc có bệnh. Quá trình công tác ở đơn vị mới, anh luôn là một người có trách nhiệm cao với bản thân và mọi người, công tác tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương.
Một đồng nghiệp của BS Nhân chia sẻ, làm cán bộ y tế ở Bình Tiến hồi đó khổ lắm. Khổ không chỉ từ cái ăn, cái ở mà khổ từ chuyện bám dân, vận động tuyên truyền giúp dân nắm bắt kiến thức ăn uống hợp vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh nhưng BS Nhân không nề hà gian khó. Đơn cử, việc tiêm chủng cho trẻ, hễ có lịch, anh Nhân khăn gói vật dụng, thuốc men, vắc xin đến tiêm tận nhà. Mà đến từng nhà đâu thuận lợi như bây giờ, bởi đường sá vùng núi đồi cách trở. Oái ăm hơn khi vừa đến nơi, nhiều phụ huynh sợ con cháu đau không hợp tác, anh phải mất thời gian khuyên nhủ. Hoàn thành một đợt tiêm chủng là cán bộ ở trạm mừng vui hớn hở.
Do tiếp cận nhiều ở cơ sở, anh càng hiểu sự vất vả, thiếu thốn của bà con. Khi về huyện, phố họp hành, anh kết nối với bạn bè, đồng nghiệp tuyến trên, đưa các chương trình thiện nguyện của tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm đến với bà con địa phương. Có thể là quà gạo, vật dụng chăn màn, thuốc men... là những dịp giúp anh có cơ hội để lồng ghép tuyên truyền người dân nâng cao kiến thức ăn uống sinh hoạt hợp vệ sinh và khi đau ốm phải đến cơ sở y tế để khám chữa trị kịp thời...
Minh chứng điều đó, anh kể, vào dịp hè năm 2009, một trường hợp nam tầm 60 tuổi, thôn 2 đi rừng về sốt run cầm cập. Lúc đó, anh đang khám bệnh ở trạm nghe tin họ bày biện hương đèn mời thầy mo đến cúng. Biết việc chẳng lành, anh tìm đến thăm hỏi, khám, đo huyết áp, kê thuốc cho bệnh nhân uống. Sau đó bệnh nhân dần dần hạ sốt, tỉnh táo.Lúc này, người thân bệnh nhân chào mời vui vẻ, còn thầy cúng lẳng lặng ra về. Cũng tại thôn 2 này, cuối năm 2009, có phụ nữ đi suối trên đường về nhà lên cơn co giật, miệng không nói thành lời nhưng người nhà vẫn tin vào thầy cúng. Lúc ấy, cùng với sự hỗ trợ của một số thanh niên trong thôn anh tìm đã thấy chị này lơ mơ nên la lớn: “Người đã sốt cao, nếu không đưa ra trạm khám xử lý sớm, bệnh nhân sẽ chết oan uổng”. Lời nói rắn rỏi của anh khiến thầy cúng không thể tiếp tục làm trò lừa bịp...
Cũng trong thời điểm này, bên cạnh loại trừ các hủ tục lạc hậu ở địa phương, anh Nhân và đội ngũ cán bộ y tế ở trạm tiếp tục thắp lên niềm tin, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở Hồng Tiến. Chính anh là người vận động tuyên truyền các chị em nơi đây bỏ tập quán sinh đẻ tại nhà bằng việc đỡ "mát tay" mỗi năm từ 15-20 trường hợp sản phụ sinh con tại trạm; đồng thời tiên lượng nhiều trường hợp đẻ khó, sản phụ bị sản giật (hội chứng Hellp) chuyển lên tuyến trên để được mẹ tròn con vuông.
Bác sĩ Võ Quang Nhân khám bệnh cho người dân
Sau khi sáp nhập hai đơn vị hành chính xã Hồng Tiến và xã Bình Điền, BS Võ Quang Nhân tiếp tục được chính quyền địa phương cũng như Ngành y tế thị xã chỉ định làm Trưởng Trạm Y tế xã Bình Tiến. Trải qua nhiều công tác ở các xã miền núi nơi đây, nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh lớn, các chương trình y tế quốc gia được đảm bảo, hoàn thành các chương trình y tế như phòng chống dịch, Tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống bệnh lao người dân đến khám và chữa bệnh tại Trạm ngày càng đông. Minh chứng cho điều đó, bên cạnh sự phát triển y tế của xã nhà, thì công tác như Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cũng được chú trọng, sau nhiều lần tổ chức tuyên truyền vận động cũng như chỉ đạo chuyên trách dân số triển khai thôn 5 xã Bình Tiến đến tháng 5 năm 2024 vừa qua điển hình trên toàn thị xã không có người sinh con thứ 3 trở lên… Không chỉ hết lòng chuyên môn với vai trò Bí thư chi bộ, đồng chí cùng chính quyền và người dân địa phương thắng lợi mọi nhiệm vụ góp phần nhỏ phát triển kinh tế - văn hoá xã hội, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan ở xã miền núi nơi đây.
Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, BS Võ Quang Nhân đã được Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Sở Y tế tặng nhiều giấy khen có thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các năm liền và giấy khen của UBND thị xã Hương Trà và nhiều danh hiệu cao quý khác.