Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính đầu vụ Đông xuân
Ngày cập nhật 16/01/2018

Vụ Đông xuân 2017- 2018, kế hoạch gieo cấy lúa trên địa bàn thị xã khoảng 3.110ha và đến nay đã xuống vụ, mạ đã gieo khoảng 17ha chủ yếu nếp địa phương, Xi23 và 4B; đã gieo sạ giống lúa dài và trung ngày được 122ha. Các giống lúa ngắn ngày sẽ gieo sạ tập trung 15- 30/01/2018. Theo dự báo của Trung tâm KTTV Thừa thiên Huế, từ cuối tháng 12/2017 đến đầu tháng 02/2018 sẽ có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại có thể xảy ra ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy, sinh trưởng phát triển cây lúa và đặc biệt là việc sử dụng thuốc trừ cỏ đầu vụ sẽ gặp khó khăn và có thể gây chết lúa nếu sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật. 

Vì vậy,để chủ động phòng ngừa, Trạm Trồng trọt và BVTV đề nghị UBND các xã, phường, các HTXNN hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ và chủ động phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính đầu vụ Đông xuân như sau:

1.  Đối với cỏ dại trong ruộng lúa gieo sạ:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng, cỏ dại đem tiêu hủy. Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng tránh ngập nước cục bộ. Sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy. Bón phân đầy đủ, bón cân đối đạm- lân- kali ngay từ đầu vụ, đặc biệt là bón lót lân, vôi.

- Trước khi gieo sạ nên đánh rãnh, lên luống vừa cho lối đi để thuận tiện trong việc gieo sạ, chăm sóc bón phân, phun thuốc phòng trừ dịch hại đồng thời ốc tập trung xuống rãnh sẽ dễ dàng cho việc thu bắt hay xử lý thuốc.

- Sử dụng thuốc hóa học: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ cỏ, mỗi loại có tính năng tác dụng diệt cỏ, cách sử dụng khác nhau và được chia thành 2 nhóm chính: tiền nảy mầm và hậu nảy mầm.

a. Nhóm tiền nẩy mầm: Các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm đều có chất an toàn đối với cây lúa như Sofit 300EC, Vifiso 300EC, Prefit 300EC, BeBu 30WP, Sonic 300EC, Venus 300EC,... Là những loại thuốc dùng để phòng trừ các loại cỏ mọc từ hạt, phun khi hạt cỏ chưa nẩy mầm, phun sau gieo sạ 1- 3 ngày (sau khi làm đất lần cuối), khi phun trong ruộng phải đủ ẩm.

b. Nhóm hậu nẩy mầm: Thường không có chất an toàn đối với cây lúa, sử dụng khi cỏ đã mọc mầm. Nhóm này chia thành 2 nhóm nhỏ:

- Hậu nẩy mầm sớm: Gồm các loại thuốc như Sirius 10WP/70WDG, Star 10WP, Top super 119WP, Pyanchor 3EC,… sử dụng khi cỏ có 1- 2 lá, khi phun thuốc trong ruộng phải có nước 1- 3cm, sau khi phun giữ nước trong ruộng ít nhất 3 ngày.

- Hậu nẩy mầm muộn: Gồm các loại thuốc như Nominee 100OF/10SC,  Clincher 10EC, Dany 20DF, Topshot 60 OD,… sử dụng khi cỏ có 2- 3 lá, khi phun thuốc nên tháo cạn nước (phải đủ ẩm) để lá cỏ tiếp xúc với thuốc, sau khi phun 1- 3 ngày phải đưa nước vào ruộng cho ngập lá cỏ và giữ nước trong ruộng ít nhất 5 ngày.

* Khi sử dụng thuốc trừ cỏ cần lưu ý một số vấn đề sau:

+ Trường hợp nhiệt độ xuống thấp dưới 180C không được phun bất kỳ loại thuốc trừ cỏ nào. Hoặc sau khi phun thuốc gặp mưa, cần giữ mực nước trong ruộng để thuốc không bị trôi đi nơi khác, không bón thêm phân đạm.

+ Phun đúng nồng độ, liều lượng ghi trên nhãn. Không phun chồng lối.

+ Sau khi sử dụng thuốc cỏ không để ruộng khô nứt nẻ, song cũng không để ruộng đọng nước cục bộ (đối với thuốc tiền nảy mầm) hoặc ngập úng gây chết lúa.

+ Không nên sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate, 2,4D và Paraquat để phun trừ lúa chét, cỏ dại trên đồng ruộng trước khi làm đất sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, sức khỏe con người và môi trường.

+ Sau khi sử dụng xong, nên thu gom và để bao gói ở những địa điểm tập trung theo quy định của địa phương.

2. Đối với chuột:

+ Tổ chức diệt sớm, đồng loạt khi xuống vụ bằng các biện pháp tổng hợp như đào hang, đổ nước kết hợp với đặt bẫy bán nguyệt, bẫy lồng sập, bẫy dính,…

+ Phát quang cỏ bờ, bụi rậm để tránh nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.

+ Sử dụng các loại thuốc hóa học ít tác động đến môi trường như: Racumin TP 0.75, Klerat 0.005%, Storm 0.005%,… ngay sau khi làm đất (trước khi xuống giống). Hạn chế các loại thuốc có độ độc cao như Fokeba 20CP, Zinphos 20% và tuyệt đối không sử dụng điện để đánh bắt chuột gây thiệt hại đến con người, vật nuôi,...

3. Đối với ốc bươu vàng:

+ Khi cây lúa còn nhỏ ốc dễ gây hại nên điều chỉnh mực nước trong ruộng phù hợp (khoảng 2- 3cm) để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc sang nơi khác.

+ Những ruộng có mật độ ốc thấp nên bắt thủ công; những ruộng có nật độ ốc cao, nên dùng các loại thuốc như Viniclo 700WP, Pazol 700WP, Dioto 250EC, Anpuma 70WP,... để phun trừ. Lưu ý không sử dụng thuốc này cho những ruộng có nuôi cá, gần khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt.

Thanh Vân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.538.235
Truy câp hiện tại 2.452