Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả có múi
Ngày cập nhật 24/03/2020

Tổng diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn thị xã khoảng 750ha, trong đó diện tích cây ăn quả có múi là 414ha, hiện nay cây đang giai đoạn phát triển quả. Qua điều tra theo dõi định kỳ, bệnh chảy gôm gây hại phổ biến trên cây đang cho quả, diện tích khoảng 120ha, tỷ lệ thấp 1- 3%, nơi cao 5- 7%, tập trung chủ yếu ở Hương Vân, Hương Hồ, Hương Thọ,... Sâu vẽ bùa gây hại trên lộc non, chủ yếu cây đang giai đoạn 1- 3 năm tuổi, tỷ lệ hại phổ biến 3- 5%, cục bộ nơi cao 10- 20%. Ngoài ra có muội đen, sâu đục thân, sâu đục quả... gây hại rải rác.

 

Dự báo thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh trên sẽ tiếp tục gây hại gia tăng, đặc biệt bệnh chảy gôm, sâu và ruồi đục quả sẽ gây hại nặng nếu không thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc phòng trừ. 

Để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Ngày 20/3/2020 Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà đã có thông báo số  67/TB-TTDVNN về việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây ăn quả có múi như sau:

1.  Công tác chăm sóc, vệ sinh vườn:

- Từ đầu năm đến nay thời tiết nắng ấm, xen kẻ các đợt không khí lạnh gây mưa nhẹ, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, nắng nóng có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3, nhiệt độ từ 35- 370C, cần tưới đủ nước cho cây,  tạo điều kiện cho cây hấp thu dinh dưỡng, tăng năng suất, chất lượng, đồng thời hạn chế rụng quả và giảm thiệt hại do các loài nhện nhỏ gây ra. Về phương pháp tưới, không  tưới một lúc quá nhiều nước, cuống trái sẽ hình thành tầng rời gây rụng quả sinh lý trầm trọng, cần tưới lượng nước vừa ướt gốc trong một lần tưới, sau 3- 5 ngày tưới lại lần 2,…

- Làm sạch cỏ dại trong vườn, cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh; khơi thông mương rãnh thoát nước để không bị ngập úng nếu có mưa to.

- Bón phân: Hiện nay cây đang giai đoạn phát triển quả nên rất cần dinh dưỡng. Tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng quả trên cây để bón đủ lượng phân, đây là thời điểm bón phân đợt 3, trung bình bón khoảng 0,3- 0,5kg ure + 0,4- 0,8kg kali/cây kết hợp với bón phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma  (hoặc bón khoảng 0,3- 0,5kg NPK16:16:8 cho 1 cây). Về phương pháp bón, đào hố hoặc cuốc rãnh  sâu 7- 10cm, luân phiên quanh tán cây, bón xong lấp đất lại, nên tưới nước sau khi bón.

2. Phòng trừ sâu bệnh:

a. Sâu đục quả, ruồi đục quả: Hai đối tượng này có chung đặc điểm là gây hại quả, làm cho quả thối và rụng.

- Sâu đục quả, trưởng thành là một loài bướm, toàn thân và cánh màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Con cái hoạt động vào ban đêm, đẻ trứng rải rác ở gần cuống  (hoặc trên thân) của những trái còn non. Sau khi nở sâu non đục vỏ trái chui vào bên trong để ăn phá phần thịt trái. Sâu tấn công và gây hại từ lúc trái còn rất nhỏ (trái bằng ngón tay cái) đến trái lớn, sắp thu hoạch và thiệt hại nặng nhất vào lúc trái sắp thu hoạch. Khi bị sâu hại, trái thường bị thối rất nhanh. 

- Ruồi đục quả, ruồi trưởng thành có thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống nhưng nhỏ hơn ruồi nhà, hoạt động vào ban ngày. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng, vết chích trên mặt có mủ khô màu nâu. Trứng nở ra thành dòi sẽ đục sâu vào để ăn bên trong quả khiến quả bị nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại mạnh từ khi quả già đến chín.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn trồng, thường xuyên thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi dòi, sâu non lưu tồn.

+ Sử dụng bẫy màu vàng để hấp dẫn ruồi; Sử dụng bẫy ViZubon- D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5 - 10m/1 bẫy).

+ Bao quả là biện pháp hữu hiệu nhất, bao quả từ khi còn non cho đến lúc thu hoạch để ngăn chặn sâu, ruồi đục quả và các loại côn trùng gây hại khác như rệp, bọ xít.... Sử dụng bao chuyên dùng và bao khi quả có đường kính từ 5- 7cm. Trước khi bao quả cần phun thuốc để trừ một số đối tượng trên quả như ruồi, sâu đục quả, nhện các loại, một số nấm bệnh trên quả; có thể kết hợp các loại thuốc sau: Virtako 40WG+ Amistar Top 325SC hoặc Dylan 2EC+ Amistar Top 325SC,... phun ướt quả, sau khi phun 5- 7 ngày tiến hành bao quả.

b. Sâu vẽ bùa:

- Trưởng thành là loài bướm rất nhỏ, cánh màu vàng nhạt và nhiều đốm đen nhỏ. Bướm đẻ trứng rải rác trên các đọt non vào ban đêm, trứng nở thành sâu non rồi đục vào ăn thịt lá dưới lớp biểu bì của phiến lá tạo thành các đường hầm ngoằn ngoèo, lá non bị hại kém phát triển, cong queo, giảm khả năng quang hợp, các vườn cây mới trồng đến 3 năm tuổi thường gây hại nặng, cây sinh trưởng kém.

- Theo dõi chặt chẽ các đợt lộc non xuất hiện, chú ý nhất là đợt lộc xuân, các đợt lộc sau khi mưa và sau khi tưới nước. Sử dụng một số loại thuốc như  Ajuni 50WP, Trigard 100SL, Newgard 75WP,... để phòng trừ sớm khi lộc non dài 1- 2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.

c. Rệp sáp:

- Thường tấn công vào rễ của cây làm cho cây chậm phát triển, cây mau cằn cỗi, vàng lá và chết héo. Nên xử lý đất trước khi trồng bằng một trong các loại thuốc như: Regent 800WG, Legend 800WG, Lexus 800 WP,... theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn.

- Do cơ thể rệp được phủ một lớp sáp nên khi phun thuốc cần kết với chất bám dính để hiệu qủa diệt rệp của thuốc sẽ cao hơn. Cần phun trừ bằng các loại thuốc xông hơi và nội hấp mạnh có chứa hoạt chất Chlopyrifos Ethyl như: Mapy 48EC, Dragon 700EC, Rockest 555EC, Vitashield gold 600EC... Cũng có thể dùng máy bơm nước có áp suất cao xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp để làm trôi bớt rệp.

d. Sâu đục thân, đục cành:

Luôn vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa càng tăm, cành già, cành sâu bệnh. Nếu sâu đã đục vào thân, cành lớn có thể dùng dây thép nhỏ (ruột phanh xe) để luồng vào đường đục diệt sâu hoặc dùng ống tiêm bơm thuốc xông hơi vào lỗ đục và bịt lại bằng đất sét hoặc bông gòn tẩm thuốc. 

đ. Bệnh chảy gôm do nấm Phytopthora spp:

- Cây bị bệnh, trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rễ dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết.

-  Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn, thu gom các cành, cây bị bệnh đem tiêu huỷ.

+ Khi cây bị bệnh, dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần vỏ tươi và dùng một trong các thuốc như Aliette  800WP, Ridomil Gold  68WG, Vimonyl  72WP,... hòa nước để bôi vào vết thương, bôi 3- 4 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày.

+ Dùng Agrifos 400 pha nồng độ: 1 lít thuốc/1 lít nước tiêm vào thân cây. Dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2- 3cm, độ cao cách mặt đất từ 40- 50cm (đường kính thân > 10cm). Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh tiêm, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.

 

Tâm Sỹ - TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 8.996