Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả đạt được và thách thức thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg
Ngày cập nhật 31/08/2020

Nhằm cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ủy ban nhân dân thị xã xây dựng Kế hoạch 789/KH-UBND ngày 10/08/2010 của UBND huyện (nay là thị xã) về triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010.

 

UBND thị xã chỉ đạo các Phòng ban chuyên môn phối kết hợp với các ban ngành đoàn thể và UBND các xã, phường thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa và các chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến tận người dân

* Những mặt đạt được

Mặc dù triển khai đề án gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo từ thị xã đến xã, phường, sự tham gia tích cực của các ngành, các tổ chức đoàn thể nên các chính sách, giải pháp và hoạt động của đề án đã từng bước triển khai đồng bộ, đúng hướng.

Tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn. Mô hình dạy nghề nông thôn đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của đông đảo lao động và phát triển nguồn nhân lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn trên địa bàn.

Người lao động nông thôn nói chung và lao động thuộc diện nghèo nói riêng đã được học những nghề tương đối phù hợp, cơ bản đã tìm được việc làm hoặc tự tạo công ăn việc làm ổn định, theo số liệu thống kê thì hơn 30% lao động thuộc diện hộ nghèo sau khi học nghề đã góp phần giúp hộ gia đình mình thoát nghèo. Tỷ lệ lao động nông thôn học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới qua các năm đã tăng.

Qua đào tạo người lao động đã nắm bắt được những kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, từ đó áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi khá hiệu quả ở một số xã, phường.

Các cơ sở dạy nghề từng bước đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo của người học, sự tham gia tích cực, nhiệt tình, có hiệu quả của các giáo viên thỉnh giảng tại trung tâm GDNN thị xã.

* Khó khăn, tồn tại, hạn chế

Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu của người lao động cũng như đặc điểm của từng xã, phường. Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa đi đôi với nhau đặc biệt là nhóm nghề phi nông nghiệp, lao động theo học nhóm ngành nghề phi nông nghiệp sau khi tốt nghiệp vẫn chưa thật sự làm đúng công việc như đã được đào tạo, việc làm người lao động chưa thật sự ổn định.

Công tác tuyên truyền chưa cao, nội dung chưa phong phú, công tác tuyên truyền tư vấn học nghề cho lao động nông thôn một số nơi chưa đến tận thôn, tổ dân phố và người lao động nông thôn.

Các cơ sở dạy nghề vẫn chưa gắn kết việc đào tạo nghề đi đôi với giải quyết việc làm cho người lao động; sự kết hợp giữa các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề chưa được được chặt chẽ.

 Một bộ phận người dân, học viên còn xem nhẹ, không chú trọng, chưa thấy được lợi ích về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chưa có sự “vào cuộc” mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương,  nhận thức chưa sát đáng về đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất  lao động; góp phần phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, giảm bớt chi phí, rủi ro, tăng thêm thu nhập, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế địa phương. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, ở địa phương nào có sự quan tâm của cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội… thì ở đó công tác đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn đạt được kết quả mong muốn.

Việc huy động mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ để huy động mở lớp. Mặt khác, do chính sách khuyến khích đào tạo để thu hút nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn (doanh nghiệp tự đào tạo) nên công tác tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề tiến độ còn chậm.

Trung tâm dạy nghề thị xã trước đây chưa có đủ đội ngũ giáo viên cơ hữu, chủ yếu phải hợp đồng giáo viên từ các đơn vị khác khi mở lớp nên trong quá trình triển khai đào tạo còn bị động và gặp nhiều khó khăn. Một số lớp đào tạo nghề được tổ chức tại các địa phương cơ sở nên việc vận chuyển trang thiết bị dạy học, đi lại quản lý lớp còn nhiều trở ngại.

Nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề còn hạn chế do tập quán sản xuất, thời gian và điều kiện làm việc. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người học thấp so với biến động giá cả, trong những năm đầu thực hiện đề án chưa có chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo tham gia học nghề.

Cán bộ quản lý lao động, việc làm ở các xã, phường còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm chưa được biên chế nên khó khăn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện Đề án.

Việc vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nghề sau khi được đào tạo của người lao động vẫn còn khó khăn do công tác tư vấn, thủ tục giải ngân và nguồn vốn giải quyết việc làm còn hạn chế.

* Nguyên nhân:

Cấp ủy và chính quyền ở một số cơ sở chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, chưa thật sự huy động và phát huy đầy đủ sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội cùng tham gia thực hiện Đề án 1956.

Việc tổ chức tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án 1956 của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa sát với từng địa bàn dân cư.

Công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, tổ chức dạy nghề chưa xuất phát từ nhu cầu học nghề và điều kiện của người học

Trung tâm dạy nghề thị xã hiện chưa có đủ đội ngủ giáo viên, hằng năm phải hợp đồng đội ngũ các giáo viên thỉnh giảng thuộc các trường, người có tay nghề cao, đội ngũ kỹ sư trong, ngoài thị xã.

Các cơ quan chuyên môn liên quan từ thị xã đến các cơ sở xã, phường phối hợp chưa chặt chẽ trong việc thực hiện Đề án, chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát.

* Tổng kết một số bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện

Qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 đã thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề giải quyết việc làm, việc thực hiện Đề án đúng hướng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định đúng nhu cầu học nghề của người dân, gắn với khả năng tạo việc làm (tại chỗ, dịch chuyển lao động và xuất khẩu lao động) ở các địa phương. Vì vậy kế hoạch dạy nghề dứt khoát phải bám chặt và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu nhân lực của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ngoài công tác đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề thì cần có sự góp phần của toàn xã hội trong việc đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, đặc biệt là vừa đào tạo tay nghề vừa giải quyết việc làm chính tại các doanh nghiệp.

Cần phải chủ động và quyết tâm trong chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề làm cho người lao động nông thôn thấy rõ học nghề và giải quyết việc làm là quyền lợi và nghĩa vụ của mình nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó để họ chủ động, tích cực học nghề. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau học nghề để người lao động tích cực tham gia học nghề.

Việc chỉ đạo phải tập trung, sâu sát, cụ thể, cần huy động sự tham gia của các ngành, của cả hệ thống chính trị ở các cấp và người dân.

Cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề phải có đủ năng lực và điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án, cần chú trọng bố trí cán bộ quản lý dạy nghề ở Phòng LĐTBXH thị xã và cán bộ LĐTBXH các xã, phường.

Tạo điều kiện về vốn để lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn gây dựng cơ sở làm nghề.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề ở tất cả các cấp theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT – BLĐTBXH – BNV - BNN&PTNT – BCT – BTTTT ngày 12/12/2012 của liên bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông về việc hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 30/2012).

 

Phòng LĐ-TB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.509.039
Truy câp hiện tại 251