Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nông nghiệp sạch,chất lượng cao năm 2021
Ngày cập nhật 11/01/2021

 

Ngày 04 tháng 01 năm 2020, UBND thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch số 04 /KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình nông nghiệp sạch, chất lượng cao năm 2021, nội dung kế hoạch như sau:

 

1.Mục tiêu

Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự chuyển dịch từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao; phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực địa phương, nông hộ, cơ sở hạ tầng; từng bước thương mại hóa và phát triển tính bền vững của chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

2. Nội dung

a. Lĩnh vực trồng trọt

Phát triển diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao khoảng 2.850 ha, tập trung ở các HTX trọng điểm về lúa như Hương Vinh, Vân An, Thuận Hòa, Tây Toàn, La Chữ, Đông Xuân,… trong đó liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khoảng 150 ha.

Tiếp tục vận động, hỗ trợ chuyển đổi khoảng 35 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác có hiệu quả hơn: Chuyển sang trồng cây sen ở Hương Phong, Hương Toàn, Hương Chữ, Hương Hồ…; chuyển sang trồng lạc, rau màu ở Hương An, Hương Chữ, Hương Văn, Hương Toàn,…

Xây dựng mô hình trồng cây đậu tương, cây dược liệu trên một số diện tích trồng sắn bị tiêu hủy do dịch bệnh khảm lá để tìm ra cây trồng có thể thay thế. Rà soát quỹ đất để phát triển vùng cây dược liệu như Tràm gió, Sả tía Java,… khoảng 10-15 ha

Theo dõi, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP đối với diện tích trồng rau màu đã được chứng nhận 20 ha; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau màu công nghệ cao tại vùng đã Quy hoạch như Hương Xuân, Hương Chữ, Hương An.

Phát triển mạnh các mô hình sản xuất hữu cơ: duy trì diện tích trồng lúa hữu cơ ở các HTX Văn Xá Đông; Đông Xuân,… và mở rộng thêm khoảng 05- 10 ha. Phát triển vùng sản xuất gạo đỏ Hương Phong lên 25 ha để hoàn thiện sản phẩm OCOP “Gạo đỏ Hương Phong”. Xây dựng vùng trồng ổi hữu cơ, VietGAP ở Hương Xuân, Hương Chữ để nâng cao giá trị kinh tế.

Duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như mô hình trồng các loại cây thực phẩm trái vụ như mướp đắng, bầu; mô hình trồng ném,....

Hướng dẫn, hỗ trợ khôi phục và phát triển diện tích trồng cây ăn quả, nhất là đối với những cây ăn quả đặc sản: Thanh Trà, quýt Hương Cần, Bưởi đỏ Hương Hồ, Bưởi cốm Hương Thọ,…

b. Lĩnh vực chăn nuôi

Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại vùng gò đồi, trong tâm là chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gắn với cơ sở chế biến và bảo vệ môi trường. Thực hiện hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tập trung thực hiện Tái đàn sau dịch để khôi phục đàn lợn; ưu tiên phát triển đàn lợn nái vùng trang trại, xa khu dân cư. Áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, chuồng trại hiện đại kết hợp với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh,... Nâng đàn lợn thịt nuôi theo hướng hữu cơ lên 120-150 con. Tiếp tục áp dụng phương thức lai tạo giữa lợn đực giống thuần ngoại với lợn nái F1, F2 để tạo con lai có 75% máu ngoại trở lên nuôi thịt; phát triển chăn nuôi lợn bản địa.

Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm cả số lượng, chất lượng, phát triển chăn nuôi gà đồi. Phấn đấu đàn gia cầm đạt 380.000-400.000 con.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở Hương Văn.

Phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng.

c. Lĩnh vực thủy sản

Ổn định diện tích nuôi 303 ha, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng thâm canh; áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và áp dụng VietGAP. Đa dạng hình thức nuôi (chuyên canh, luân canh, xen canh, nuôi ghép kết hợp) nhằm hạn chế dịch bệnh.

Ổn định số lồng nuôi nước lợ hiện có, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng thâm canh; tăng dần tỉ trọng sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi; bảo vệ môi trường và áp dụng VietGAP. Vận động người dân đầu tư nuôi cá lồng theo công nghệ lồng Đan Mạch thu nhỏ.

Sắp xếp lại số lượng nuôi cá lồng trên sông Bồ, từng bước hạn chế và giảm số lồng nuôi từ 1.384 lồng xuống còn khoảng 1.000 lồng.

d. Lâm nghiệp

Đẩy mạnh công tác trồng rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng, rừng trồng gỗ lớn theo chứng chỉ rừng bền vững (FSC); diện tích tham gia trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đạt 1.350 ha.

e. Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất

Khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng mô hình nhà lưới và hệ thống tưới bằng van tự động vào sản xuất các loại rau, màu (trong năm xây dựng 2-3 công trình).  Hỗ trợ đầu tư máy móc như: máy gặt đập liên hợp, máy cày... để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng hoa, cây cảnh kết hợp với dịch vụ, du lịch cộng đồng tại các địa phương như Hương Hồ, Hương An, Tứ Hạ, Hương Xuân,...

3. Giải pháp thực hiện

a. Công tác lãnh chỉ đạo

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình tại cơ sở; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

b. Công tác tuyên truyền, vận động

Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; tạo đồng thuận cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở và cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông phục vụ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao theo hướng đồng bộ từ ứng dụng khoa học công nghệ đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao thị xã và truyền thanh các xã, phường để tuyên truyền kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi và quảng bá sản phẩm “nông nghiệp sạch, chất lượng cao” rộng rãi đến người sản xuất và tiêu dùng.

c. Về đất đai, tổ chức sản xuất

Chỉ đạo thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề và các cơ sở chế biến, nhất là quy hoạh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và đầu tư cơ giới, tạo điều kiện các hộ dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ ít hoặc không có lao động, không có điều kiện đầu tư sản xuất hoặc đã chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định cho các hộ khác thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc cơ giới vảo phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp.

Ưu tiên chọn các vùng có diện tích canh tác tập trung, đã thực hiện việc dồn điền đổi thửa, có hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, giao thông thuận lợi. Đồng thời là vùng có nhiều nông dân chuyên canh về loại cây trồng phù hợp, giàu kinh nghiệm sản xuất và trình độ thâm canh cao để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Chủ động tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng phát huy tổng hợp lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn hồ chứa, đê ngăn mặn ven phá. Xây dựng hoàn thành hệ thống thủy lợi đảm bảo  phục vụ công tác tưới, tiêu, nâng cấp các tuyến giao thông, đê bao nội đồng, hồ chưa nước, xây dựng các trạm bơm còn lại theo quy hoạch đã được phê duyệt.

d. Về thị trường tiêu thụ

Tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, trang trại, gia trại. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, Hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cá nhân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong, ngoài thị xã và tham gia các kênh thông tin thị trường về sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, trường học, khu công nghiệp,... làm khâu cầu nối để tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường.

Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông sản từ sản xuất đến bảo quản chế biến, tiêu thụ, tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng.

e. Về cơ chế, chính sách

Thực hiện tốt chính sách theo quy định tại Nghị định số 35/NĐ/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và các chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ như: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/3/2018 về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2019 về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

f. Về nguồn lực để triển khai thực hiện

Huy động nhiều nguồn lực để triển khai chương trình (từ các nguồn: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã, Sự nghiệp Khoa học công nghệ, Chương trình Nông thôn mới, của các Doanh nghiệp, HTX, các hộ dân,...) thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các HTX, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo ra nguồn lực tổng hợp.

4. Tổ chức thực hiện

a. Phòng Kinh tế thị xã

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường triển khai thực hiện Kế hoạch này; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, tham mưu UBND thị xã giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Chỉ đạo phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp và PTNT; tiếp tục nghiên cứu, triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý, nhất là trên đất trồng lúa.

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã và các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách thương mại, hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hoá thế mạnh của thị xã; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.

Hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đối với các loại hàng nông sản địa phương có thế mạnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của thị xã.

b. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã

Tham mưu UBND thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Phân công cán bộ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền mô hình tiên tiến, vận động nông dân nhân rộng, đầu tư thâm canh.

Tham mưu UBND thị xã về kế hoạch của ngành ứng phó với dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh cây trồng, kịp thời tham mưu giải pháp và kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh; nâng cao năng lực, tinh thần phục vụ nhân dân của lực lượng bảo vệ thực vật; chú trọng các bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn đối với cây trồng.

Tham mưu UBND thị xã về xây dựng đội ngũ thú y cơ sở vững mạnh, làm tốt công tác tiêm phòng, cung ứng dịch vụ thú y, kiểm soát giết mổ, vận động nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chú trọng công tác phòng bệnh đối với các bệnh nguy hiểm và các bệnh thông thường nhưng gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi.

c. Phòng Tài chính và Kế hoạch thị xã

Tham mưu, bố trí kinh phí triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch, đảm bảo bố trí kịp thời các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tham mưu thu hút và bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất.

Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, tham mưu bố trí nguồn đầu tư hợp lý, để thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.

 

d. Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã

Chủ trì, phối hợp với phòng Kinh tế, UBND các xã, phường rà soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất làm trang trại và tham mưu UBND thị xã cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng phát triển kinh tế trang trại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; vận động người dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Phòng Kinh tế triển khai các nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

e. Các cơ quan liên quan khác

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao; phối hợp với Phòng Kinh tế trong tổ chức thực hiện Kế hoạch; tham mưu cho UBND thị xã về những vấn đề liên quan lĩnh vực ngành của mình quản lý, giải quyết các vướng mắc để thực hiện đề án có hiệu quả.

f. UBMTTQ Việt Nam và các Đoàn thể chính trị - xã hội thị xã

Đề nghị tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.

g. UBND các xã, phường

Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp, sát đúng với điều kiện của địa phương mình; rà soát, điều chỉnh, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của thị xã, xã phường.

Phối hợp với phòng Kinh tế trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất; bố trí ngân sách xã, phường ưu tiên hỗ trợ theo hướng gắn với chương trình “nông nghiệp sạch, chất lương cao” trên địa bàn.

Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của cấp trên để khuyến khích đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

h. Các HTX nông nghiệp, NTTS

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

VP HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.035