Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chủ động phòng trừ rầy nâu hại lúa cuối vụ Đông Xuân 2020- 2021
Ngày cập nhật 15/04/2021

Vụ Đông Xuân 2020- 2021, toàn thị xã gieo cấy 3.060 hecta lúa. Từ đầu vụ đến nay thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hiện nay cây lúa đang giai đoạn trổ đại trà, đến ngày 09/4 đã trổ khoảng 2.000 hecta, dự kiến 3-5 ngày tới sẽ trổ xong. Tình hình sâu bệnh trên cây lúa gồm có sâu cuốn lá nhỏ đang tuổi 1- 2, rải rác trưởng thành, mật độ thấp dưới 10con/m2; bệnh khô vằn gây hại các ruộng gieo cấy dày, thấp trũng tù đọng nước; rầy nâu gây hại rải rác trên nếp địa phương, Xi23, HT1,… mật độ còn thấp dưới 750con/m2, rầy tuổi 2-5. Hiện nay bà con đang tập trung để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt khi lúa bắt đầu trổ và sau khi vừa trổ xong; phun trừ sâu cuốn lá nhỏ cục bộ trên trà lúa muộn xanh tốt, mật độ cao trên 20con/m2.

 

Ngoài các đối tượng sâu bệnh gây hại trên, rầy nâu là đối tượng nguy hiểm thường gây hại giai đoạn lúa trổ, đặc biệt hại nặng khi lúa vào chắc xanh- chín, trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẻ rầy bộc phát gia tăng mật độ và gây hại trên diện rộng. Để chủ động phòng trừ rầy nâu hại lúa cuối vụ Đông Xuân 2020- 2021, xin giới thiệu triệu chứng gây hại, đặc điểm hình thái, quy luật phát sinh phát triển để giúp bà con nông dân nhận biết và có một số biện pháp phòng trừ hiệu quả:

1. Phạm vi ký chủ: Ngoài cây lúa, rầy nâu còn gây hại trên cây ngô, cỏ lồng vực,...

2. Triệu chứng gây hại

Rầy trưởng thành và rầy non dùng miệng chích vào thân cây lúa để hút dịch cây. Bị hại nhẹ các lá dưới có thể bị héo. Khi hại nặng cây lúa bị khô héo và chết, chúng gây nên hiện tượng “cháy rầy”, cả ruộng lúa bị khô héo, màu trắng tái hoặc trắng. Phần dưới thân cây lúa có màu đen nâu. Các vết thương cơ giới đó tạo điều điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập làm cho cây lúa thối lũn, đổ rạp, gây nên hiện tượng bông lúa bị lép một nửa hoặc toàn bộ. Hiện tượng “cháy rầy” đầu tiên mang tính cục bộ một vài mét vuông, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi vết cháy rầy lan toả rất nhanh lên tới một vài hecta hoặc cả cánh đồng trong vòng 1-2 tuần.

Ngoài ra, rầy nâu là môi giới truyền bệnh Lúa lùn xoắn lá, khi bị bệnh cây lúa vẫn giữ màu xanh nhưng bị thấp lùn, có những lá bị xoăn nhiều vòng, trổ bông muộn nhưng không thoát, ít hạt và hạt bị lép.

3. Đặc điểm hình thái:

- Rầy trưởng thành màu nâu và có 2 dạng cánh: cánh dài phủ kín thân, cánh ngắn phủ 2/3 thân.

- Trứng hình quả chuối, một đầu to, một đầu nhỏ màu trong suốt.

- Rầy non lúc nhỏ có màu đen xám, sau thành màu nâu vàng, thân hình tròn trĩnh. Rầy non có 5 tuổi, dài 1- 3mm.

4. Đặc điểm sinh học và quy luật phát sinh phát triển: 

- Đầu tiên, rầy xuất hiện thành từng đám/vạt giữa ruộng, sau đó lan dần ra quanh ruộng.

- Rầy nâu tập trung ở gốc lúa, chích hút nhựa cây, làm lúa chậm phát triển. Khi mật độ rầy cao gây hiện tượng “cháy rầy”.

- Rầy trưởng thành thường tập trung thành đám ở trên thân cây lúa, phía dưới khóm để hút nhựa. Khi bị khua động thì lẩn trốn bằng cách bò ngang hoặc nhảy sang cây khác, hoặc xuống nước hoặc bay xa đến chỗ khác.

- Mưa nắng xen kẻ là điều kiện thuận lợi để rầy phát sinh mạnh. Trường hợp thiếu thức ăn do lúa bị “cháy” hoặc khô già thì xuất hiện rầy cánh dài để di chuyển sang ruộng khác.

- Rầy thành trưởng thành được 4- 5 ngày thì đẻ trứng. Trứng đẻ ở mô tế bào bẹ lá và có thể gân chính của lá. Mỗi con có thể đẻ 400- 600 trứng, trứng được xếp thành từng hàng như nải chuối.

5. Biện pháp phòng trừ

- Hiện nay, lúa đang giai đoạn trổ bông, mật độ rầy còn thấp nhưng không được chủ quan, cần thường xuyên thăm đồng, đặc biệt chú ý tới những điểm, những vùng thường có các ổ rầy đã gây hại ở  những vụ trước.

- Khi phát hiện trong ruộng có rầy với mật độ cao trên 1.500con/m2 (2- 3 con/dãnh lúa) thì phun trừ bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Sagometro 50WG, Oscare 50WG, Startcheck 755WP,… Sau phun 3- 5 ngày kiểm tra lại, nếu rầy tiếp tục nở, mật độ còn cao cần phun lại lần 2.

- Trường hợp mật độ rầy quá cao, đen gốc (trên 10.000 con/m2), có nhiều pha phát dục, có khả năng gây “cháy rầy”, thì sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50EC, Vibasa 50EC trộn với cát, dầu diezel để vãi ở gốc lúa, phía trên phun bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Sagometro 50WG, Oscare 50WG,... Trường hợp rầy gây hại mạnh, lúa đã chín gần thu hoạch nên thu hoạch sớm 5-7 ngày để hạn chế thiệt hại do rầy gây ra.

- Khi sử dụng thuốc ruộng phải có nước hiệu quả trừ rầy mới cao. Nên giữ nước trong ruộng lúa đến khi mật độ rầy giảm không có khả năng gây hại mới rút nước để chuẩn bị thu hoạch.

Phước Lễ - TTDVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 6.824