Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Quy định kỹ thuật tạm thời khai thác, bảo quản và chế biến bền vững quả Ươi từ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 05/07/2021

Ngày 24/6/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 384/QĐ-SNNPTNT về việc Quy định kỹ thuật tạm thời khai thác, bảo quản và chế biến bền vững quả Ươi  (Scaphium macropodum (Miq.) Beumée ex K.Heyne) từ rừng tự nhiên  trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Quy định này hướng dẫn kỹ thuật khai thác bền vững quả Ươi từ rừng tự nhiên; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, chế biến quả Ươi cho các cơ sở sản xuất chế biến quả Ươi.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân khai thác, bảo quản và chế biến quả Ươi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

II. NỘI DUNG KỸ THUẬT KHAI THÁC VÀ BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN  

1. Công tác chuẩn bị

1.1. Chuẩn bị trình tự, thủ tục khai thác

Trình tự, thủ tục khai thác quả Ươi thực hiện theo Điều 10, Chương II, Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (sau đây gọi tắt là Thông tư 27), cụ thể như sau:

a) Hồ sơ khai thác: Bản chính báo cáo địa danh, diện tích, khối lượng lâm sản dự kiến khai thác (theo Mẫu số 07, Thông tư 27).

b) Trình tự thực hiện: Trước khi khai thác, chủ rừng nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Hạt Kiểm lâm cấp huyện để tổng hợp, giám sát, kiểm tra trong quá trình khai thác.

c) Sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản (theo Mẫu số 03, Thông tư 27) trước khi vận chuyển ra khỏi rừng.

- Chỉ có những chủ rừng được giao, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên mới được lập hồ sơ khai thác và tổ chức khai thác theo quy định tại Điều 10, Thông tư 27.

- Nếu chủ rừng là Tổ chức trong quá trình khai thác quả Ươi có hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác ngoài nhân viên, công nhân của đơn vị, phải ký hợp đồng trước khi vào rừng tự nhiên. Sau khi thu hái, chủ rừng phải lập bảng kê lâm sản theo mẫu số 03 như trên trước khi vận chuyển ra khỏi rừng.

- Nếu chủ rừng là Cộng đồng dân cư: trước khi khai thác, tổ chức họp cộng đồng, đăng ký thành viên khai thác. Sau khi thu hái, Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng phải lập bảng kê lâm sản theo mẫu số 03 như trên trước khi vận chuyển ra khỏi rừng.

1.2. Mùa khai thác

Mùa thu hoạch quả Ươi ở tỉnh Thừa Thiên Huế thường bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến cuối tháng 8 dương lịch. Vỏ hạt có hàm lượng polysaccharids cao và hút nước mạnh, vì vậy vào mùa hạt chín phải thu hạt kịp thời, nếu để chậm gặp mưa hạt sẽ hút nước trương phồng và thối.

1.3. Dụng cụ khai thác

Tên dụng cụ

Công dụng

Rựa dài

Phát dọn thực bì và chặt những cành nhánh nhỏ ở những vị trí xa thân cây

Rựa ngắn

Phát dọn thực bì và chặt những cành nhánh nhỏ ở những vị trí gần thân cây

Dây bắt đằng

Dùng để trèo cây

Sào dài có móc chế tạo bằng kim loại hoặc tre, gỗ

Dùng móc những cành nhánh nhỏ có quả ươi

Dây an toàn

Bảo vệ người hái hạt khỏi bị rơi xuống đất

Mũ bảo hộ

Bảo vệ đầu khi có vật cứng tác động

Ống nhòm

Quan sát hạt trên cây cao để nhận biết quả chín và chưa chín

Đá mài chuyên dùng

Mài rựa 

Bao đựng hạt Ươi

Dùng để đựng quả Ươi

Một số công cụ, dụng cụ khác

 

2. Kỹ thuật khai thác an toàn và bền vững

Do cây cao và dễ gãy, hiện vẫn chưa có phương pháp thu hái thật hiệu quả. Tuy nhiên để tránh phải chặt hạ cây và đảm bảo an toàn khi thu hái, có 02 phương pháp thu hoạch quả Ươi như sau:

- Thu lượm: Cách thu hoạch thông thường là tìm nhặt quả Ươi rụng ở xung quanh gốc cây và những khu vực lân cận có bán kính khoảng 50m từ gốc cây Ươi cho quả (còn gọi là “hạt Ươi bay”).

- Hái : Leo lên cây, chặt những cành nhỏ hoặc dùng sào dài có móc để kéo hoặc rung cho quả, hạt rụng xuống đất để thu gom, đựng vào bao tải.

Phương pháp trèo cây: Dùng dây nứa trong rừng buộc vào thân cây để leo (người dân địa phương gọi là “bắt đằng”), bắt đằng phải tạo vị trí thuận lợi để đặt bàn chân, khoảng cách giữa các đằng bằng một bước chân đi lên, sau khi tới độ cao cần thiết, dùng rựa chặt những cành nhánh nhỏ có quả Ươi, rơi xuống đất để thu hái quả Ươi. Đối với phương pháp này, khi leo trèo cần phải đội mũ bảo hộ, thắt dây an toàn để đề phòng tai nạn xảy ra.

Một số lưu ý quan trọng khi khai thác quả Ươi:

- Nghiêm cấm mọi hành vi chặt hạ cây Ươi dưới mọi hình thức để thu hái quả vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái rừng và tính mạng con người.

- Việc khai thác cần được tổ chức theo đoàn (tối thiểu là 2 người) nhằm hỗ trợ cho quá trình thu hái hạt Ươi.

- Những cây Ươi quá cao (trên 30m), thân có đường kính nhỏ (dưới 20cm) hoặc nằm ở những vị trí hiểm trở (dốc, vực sâu...) thì chỉ thu hái quả rơi rụng xuống đất, không được trèo lên cây vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người.

3. Kỹ thuật bảo quản và chế biến

3.1. Bảo quản sản phẩm sau thu hái

Quả Ươi sau khi thu hoạch được làm sạch tạp chất, phơi hoặc sấy khô tới độ ẩm 13%. Do khả năng hút nước cao, hạt ươi sau khi phơi sấy cần được bảo quản trong các thiết bị kín hoặc đóng gói trong các bao nilon chống ẩm.

3.2. Chế biến và sử dụng

Quả Ươi được sử dụng để chế biến nước uống dạng thạch. Cho quả khô vào nước sôi, vỏ quả hút nước và trương lên tạo thành dạng keo nhầy (gọi là thạch ươi). Vớt bỏ quả, bổ sung thêm đường, hương liệu và làm lạnh sẽ được một loại nước giải khát hợp khẩu vị. Thạch Ươi có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa các bệnh đường tiêu hoá. Để làm thạch, một cốc nước (250 ml) cần 3-5 hạt khô, có thể cho thêm các loại tinh dầu thơm (nhài, chuối, bạc hà,...) sẽ được nước giải khát có mùi thơm theo sở thích. Trong công nghiệp thực phẩm, thạch ươi là thành phần của một số đồ uống có đường đóng hộp.

Ngoài ra, quả Ươi có thể sử dụng để gieo ươm cây con phục vụ trồng rừng gỗ lớn, phục hồi rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, bất cập, các chủ rừng kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để hướng dẫn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Anh Văn - Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.075