Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Biện pháp phòng trừ bệnh lỡ cổ rễ trên cây lạc vụ Đông Xuân 2023-2024
Ngày cập nhật 26/03/2024

Hiện nay, cây lạc trên địa bàn thị xã Hương Trà bệnh lỡ cổ rễ gây hại rải rác ở các HTX  tỷ lệ phổ biến 3-5%, cục bộ nơi cao 20- 30%. Bệnh sẽ phát sinh gây hại mạnh nếu không phòng trừ trong thời gian đến.

Nguyên nhân: Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Sợi nấm màu trắng, hạch nấm màu trắng lúc mới, sau đó có màu nâu vàng hoặc nâu đen, hạch nấm hình cầu có bề mặt trơn láng, kích thước 1-2 mm. Đây là hai dạng lưu tồn và lây lan chủ yếu của mầm bệnh. Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con, thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh và ẩm độ cao. Nấm bệnh lưu tồn trong tàn dư cây bị bệnh, đất và lây lan qua gió, nước. Nhiệt độ nóng ẩm là điều kiện thích hợp để nấm phát triển, từ 25-300C

Triệu chứng: Trên cây con được biểu hiện là cổ thân bị úng và teo tóp lại, cây bị ngã ngang nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau đó mới héo lại. Bệnh xâm nhiễm ở thân, nhất là ở phần gốc thân sát cổ rễ, làm cho mô vỏ bị thối nâu hoặc nâu đen, viền vùng thối không đều đặn và có màu nâu đỏ, phần bệnh hơi lõm vào, sau đó thân bị nứt ra, lá héo khô rồi rụng dần. Cây bị nhiễm bệnh chậm phát triển và thường bị chết. Ngoài gây lở cổ rễ nấm còn gây bệnh thối khô quả.

Biện pháp phòng trừ bệnh:

Để phòng trừ bệnh, bà con cần kết hợp biện pháp canh tác và biện pháp hóa học hợp lý.

Sử dụng giống kháng bệnh, giống đã được xử lý trước gieo trồng. Sử dụng hạt giống khỏe ở cơ sở tin cậy để hạn chế nguồn bệnh.

Vệ sinh tàn dư cây vụ trước. Nếu vườn thường bị hại, cần xử lý đất trước khi trồng ví dụ bón vôi bột. Cày đất phơi ải nếu có điều kiện trước khi trồng.

Lên luống cao để đất và vườn được thông thoáng tránh để đất quá ẩm hoặc đọng nước.

Bón lót phân chuồng đã được ủ với nấm đối kháng Trichoderma để đất được tơi xốp, thoát nước. Hoặc sử dụng các loại phân vi sinh có chứa nấm đối kháng.

Trường hợp ruộng lạc bị bệnh, bà con cần sớm phát hiện và nhổ bỏ cây bệnh, rồi tưới nước vôi bột 4% vào đất nơi gốc cây bệnh nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh; thu gom đốt cây bệnh còn lại trên ruộng, hoặc đào hố vùi sâu.

Khi chăm sóc và vun gốc, bà con nên tránh gây vết thương ở gốc thân, rễ và cành lạc. Đặc biệt, cần quan sát kỹ triệu chứng bệnh và diễn biến phát triển của bệnh để có biện pháp phù hợp.

Về biện pháp hóa học, bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc như Vilaxyl 35WP, Mataxyl 500WP, Ridomil gold 68WG, Vimonyl 72WP,…đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng. Chú ý do tác nhân gây bệnh ở trong đất nên cần phun kỹ ướt đẫm lá và gốc cây.

Nguyễn Thị Thương - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.538.235
Truy câp hiện tại 6.932