Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 24/02/2022

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

 

Theo Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính; Những hành vi bị nghiêm cấm có nhiều quy định mới. Cụ thể như sau:

1. Về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: Bổ sung quy định Chính phủ được giao quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; đối tượng bị xử phạt; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước bên cạnh thẩm quyền được giao quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Luật cũng làm rõ hơn quy định về việc sử dụng biểu mẫu trong trong xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, biểu mẫu được sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ, mà hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định tại Điều 4 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo hướng giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, căn cứ quy định của Luật này để quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

2. Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

Liên quan đến thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, theo đó:

- Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, đồng thời, quy định rõ vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, lĩnh vực thủ tục thuế có thời hiệu xử phạt là 02 năm).

- Sửa đổi quy định về thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những nội dung được sửa đổi, bổ sung về các biện pháp xử lý hành chính.

- Bổ sung quy định về việc tính thời hiệu trong trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo hướng thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Về những hành vi bị nghiêm cấm

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể thấy một số sai phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định là hành vi bị nghiêm cấm.

Chính vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính, Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính như:

- Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng;

- Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính;

- Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

Kim Bằng - Đội QTĐT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.612.913
Truy câp hiện tại 2.173