Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giảm nghèo
Ngày cập nhật 04/01/2024

Trong thời gian gần đây, chuyển đổi số được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bằng cách áp dụng công nghệ số, nhằm tạo ra giá trị mới, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất làm việc. Nằm trong xu hướng và lợi ích đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thực hiện điều tra rà soát hộ nghèo, cập nhật thông tin, trích xuất dữ liệu; đồng thời chuyển đổi số giúp người dân tiếp cận thông tin, giao lưu, trao đổi hàng hoá qua môi trường mạng, phá bỏ rào cản về khoảng cách địa lý, vùng miền.

Thực hiện Kế hoạch số 3443/KH-UBND ngày 22/9/2021 về Chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn thị xã Hương Trà; Chương trình số 686/CTr-UBND ngày 08/3/2022 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số thị xã Hương Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động số 1742/CTr-UBND ngày 06/6/2022 về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa XIV về Chuyển đổi số thị xã Hương Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian qua, Phòng Lao động-TB&XH thị xã bám sát các Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực để tham mưu UBND thị xã triển khai có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo của thị xã.

Nhất là trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ được thực hiện trực tiếp đối với hộ gia đình, đảm bảo chính xác, kịp thời thông qua App rà soát hộ nghèo trên điện thoại thông minh. Cập nhật, thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo lên hệ thống phần mềm giúp đảm bảo an toàn trong việc lưu trữ, thuận tiện trong việc quản lý dữ liệu.

Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, thông tin. Uỷ ban nhân dân thị xã Hương Trà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, cung cấp thông tin về cơ sở, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất, nền tảng cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho người dân.

Nhằm đa dạng hóa sinh kế cho người dân, đặc biệt bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để vươn lên thoát nghèo, thời gian qua, nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển các hợp tác xã, hộ gia đình; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng, coi đây là bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự lan tỏa của công nghệ, livetream kết nối nông sản, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình vùng miền núi đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, làm kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần giảm nghèo bền vững. Hộ gia đình ông Nguyễn Bá Lộc, ở thôn Quang Lộc, xã Hương Bình thị xã Hương Trà là một trong số những hộ dân tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả đặc sản. Thời gian qua, ông Lộc đã trồng 5ha cây ăn quả đặc sản, gồm cam V2, cam Xã Đoài, quýt Thanh Bình, thanh trà, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Theo ông Lộc, riêng diện tích đang cho thu hoạch trên 2ha, với hơn 400 gốc cam trồng xen canh với quýt, mỗi năm cho sản lượng khoảng 30 - 35 tấn, gia đình ông đã có nguồn thu hơn 600 - 700 triệu đồng. Một số địa phương trên địa bàn thị xã Hương Trà cũng đã áp dụng công nghệ thông tin, livestream tiêu thụ nông sản nhằm mang lại lợi ích kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn như ổi Vietgap Hương Xuân, quýt Hương Cần, cốm An Thuận-Hương Toàn… Nhờ mạng xã hội facebook, nhiều người dân, khách hàng biết đến sản phẩm địa phương, cũng như học hỏi cách làm hay để áp dụng trong trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi, góp phần mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo, tạo sự chủ động, thuận tiện cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như người dân, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin ở các hộ nghèo, cận nghèo để người dân nâng cao được ý thức, chủ động tìm hiểu thông tin chính xác để thực hiện các giải pháp thoát nghèo hiệu quả cho gia đình.

Ngọc Bích - Phòng LĐTB&XH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 3.150