Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch nông thôn mới xã Bình Tiến đến năm 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày cập nhật 06/01/2022

Ngày 24/12/2021, UBND thị xã ban hành Quyết định số 1677/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch nông thôn mới xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh Quy hoạch nông thôn mới xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

2. Vị trí, phạm vi ranh giới và quy mô:

- Vị trí: Xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phạm vi ranh giới: Phía Đông giáp xã Bình Thành; phía Tây giáp xã Hương Nguyên và một phần xã Hồng Hạ huyện A Lưới; phía Nam giáp xã Hương Nguyên huyện A Lưới; phía Bắc giáp phường Hương Vân và  xã Hương Bình.

- Quy mô: Nghiên cứu Quy hoạch chung toàn xã khoảng 140km2.

3. Mục tiêu

- Đạt yêu cầu tiêu chí số 01 về quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu xây dựng xã Bình Tiến đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

- Hợp nhất 2 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 2 xã cũ đã thực hiện thành 1 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Bình Tiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Tính chất:

- Điều chỉnh các điểm không còn phù hợp tại xã Hồng Tiến cũ, rà soát các số liệu để đưa ra phương án điều chỉnh hợp lý cho toàn xã Bình Tiến theo hướng phát triển đô thị vệ tinh của Thành Phố Huế mở rộng trong tương lai.

- Làm cơ sở quản lý quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, lập dự án đầu tư, phát triển đúng hướng, ổn định trên địa bàn xã.

- Xây dựng phương án khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, đảm bảo sự phát triển bền vững.

5. Yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới:

- Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát thực tiễn, phân tích và đánh giá chi tiết hiện trạng về điều kiện tự nhiên, về kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng của xã Bình Điền, quy hoạch xây dựng thị tứ... theo 19 tiêu chí yêu cầu (kèm bảng tổng hợp đánh giá và so sánh quy định); dự báo các vấn đề liên quan cần phải quy hoạch, tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến quy hoạch theo quy định;

- Lập quy hoạch phát triển sản xuất; định hướng quy hoạch chung xây dựng xã Bình Điền và quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã. Xác định nhu cầu đầu tư và khả năng huy động nguồn lực đầu tư theo giai đoạn;

- Đề xuất những giải pháp cần thiết, phù hợp thực tiễn, khả thi để tổ chức thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên có hiệu quả (kèm bảng tổng hợp danh mục dự án); các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện quy hoạch, đặc biệt là các tiêu chí chưa đạt.

5.1. Đối với quy hoạch sản xuất

- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh, của thị xã, những chủ trương, chính sách, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, yêu cầu xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn (lũ, lụt, sạt lở đất, hạn hán,... ) đối với sản xuất và đời sống, nội dung quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần xác định ranh giới, quy mô đất phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng  công trình phục vụ sản xuất; xác định ranh giới, quy mô đất, mặt nước phục vụ phát triển sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ yếu trên địa bàn; đặc biệt là quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất. Cụ thể:

a.  Quy hoạch sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Bố trí cơ cấu diện tích sản xuất các loại cây trồng chủ yếu trên địa bàn xã: quy mô, vị trí từng loại cây trồng ngắn ngày và dài ngày. Dự báo khả năng sản xuất, sản lượng thu hoạch các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã theo từng giai đoạn. Định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung để đầu tư sản xuất (thâm canh, bán thâm canh...).

- Chăn nuôi: Xác định những vật nuôi chủ yếu và có lợi thế trên địa bàn xã, quy hoạch phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp quy mô phù hợp, xa khu dân cư để kiểm soát được dịch bệnh, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường sinh thái. Dự báo khả năng sản xuất, sản lượng thu hoạch các loại vật nuôi trên địa bàn xã theo từng giai đoạn. Định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm.

- Bố trí sử dụng đất: Thiết kế phân lô, phân thửa sản xuất có kích thước phải thuận lợi, phù hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi; cho quản lý sản xuất và phải phù hợp với địa hình của khu sản xuất. Đáp ứng được yêu cầu rừng phòng hộ, an toàn cho các công trình liên quan, kết hợp với mương, bờ, đường lô để tiết kiệm đất, kết hợp lợi ích phòng hộ với lợi ích kinh tế khác.

- Xác định nhu cầu vốn cho sản xuất và đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa thực hiện hoàn thành của giai đoạn 2016-2020 và khái toán cho giai đoạn 2021-2030.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về dồn điền, đổi thửa đất sản xuất; về khuyến nông, về khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (cách thức tuyên truyền nhân rộng mô hình khuyến nông, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc - giống, thức ăn, canh tác, bảo vệ thực vật, thú y; hình thức tổ chức - câu lạc bộ khuyến nông....). Giải pháp về phát triển nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y; Giải pháp về tổ chức hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (nhóm nông dân cùng sở thích, liên kết…). Giải pháp về xây dựng các dịch vụ cộng đồng về tiếp thị nông sản và vật tư nông nghiệp; tạo nguồn vốn qua huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức và cộng đồng, vốn vay và nguồn hỗ trợ khác để phát triển sản xuất. Giải pháp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất quy mô vừa và nhỏ (huy động sự tham gia của cộng đồng…)

b. Quy hoạch sản xuất lâm nghiệp, cây ăn quả

- Xác định diện tích các loại rừng trên địa bàn xã, diện tích đất có khả năng trồng rừng, trồng cây ăn quả, tình hình quản lý rừng. Diện tích rừng đã giao cho dân, diện tích rừng do các tổ chức kinh tế xã hội quản lý nhằm cụ thể hoá quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn xã làm cơ sở để chủ rừng tiến hành cắm mốc ranh giới và quản lý theo quy chế quản lý rừng hiện hành. Đối với diện tích quy hoạch là rừng sản xuất, cây ăn quả, rừng gỗ lớn…xây dựng phương án và kế hoạch phát triển ngắn hạn (hằng năm), trung hạn và dài hạn tới từng lô khoảnh thuộc từng chủ sở hữu khác nhau. Định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm từ loại đất này.

- Bố trí sử dụng đất, thiết kế phân lô, phân thửa sản xuất có kích thước phải thuận lợi, phù hợp cho phát triển cây, cho quản lý sản xuất và phải phù hợp với địa hình của khu sản xuất.

- Xác định nhu cầu vốn cho sản xuất và đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất chưa thực hiện hoàn thành của giai đoạn 2016-2020 và khái toán cho giai đoạn 2021-2030.

- Đề ra các giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về tổ chức bộ máy; giải pháp về chính sách đất đai (rà soát quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho cá nhân và các tổ chức sử dụng ổn định lâu dài); giải pháp về vốn, tín dụng: tạo vốn qua huy động vốn tự có, vốn vay, ngân sách nhà nước, các dự án quốc tế và các nguồn hỗ trợ khác cho phát triển lâm nghiệp; giải pháp về thị trường và tiêu thụ sản phẩm (liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, hợp tác và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ...). Về khoa học công nghệ, cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp quản lý rừng hiệu quả, áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật thâm canh cao, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao trong sản xuất lâm nghiệp thông qua phát triển hệ thống khuyến nông các cấp; giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng gồm cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển lâm nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về bảo vệ và phát triển rừng.

c. Quy hoạch sản xuất, nuôi trồng thủy sản

- Đánh giá diện tích mặt nước, đất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và có khả năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã như: Ao hồ nhỏ, hồ tự nhiên, hồ thủy điện... có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

- Dự báo khả năng sản xuất, sản lượng thu hoạch các loại sản phẩm thuỷ sản trên địa bàn xã theo từng giai đoạn. Định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm.

- Bố trí diện tích đất mặt nước nuôi trồng từng loại sản phẩm thuỷ sản gắn với từng phương thức nuôi và điều kiện trên từng địa bàn, các chỉ tiêu cho giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng khu nuôi trồng thủy sản hàng hóa thâm canh phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy định vùng nuôi an toàn và tiêu chuẩn quốc gia về nuôi công nghiệp. Thiết kế phân chia lô, thửa sản xuất và hệ thống ao chứa, lắng, xử lý nước; quy mô diện tích từng lô, thửa phải thuận lợi, phù hợp cho phát triển khu nuôi trồng, cho quản lý sản xuất và phải phù hợp với địa hình của khu nuôi trồng; đảm bảo thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; xử lý nguồn nước và bảo vệ môi trường.

- Xác định nhu cầu vốn cho sản xuất và đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất giống chưa thực hiện hoàn thành của giai đoạn 2016 - 2020 và khái toán cho giai đoạn 2021- 2030.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về giao đất, cho thuê đất, diện tích ao hồ có mặt nước; giải pháp về phát triển nguồn giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản, về tổ chức hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về vốn (tạo nguồn vốn qua huy động vốn tự có, vốn vay và nguồn hỗ trợ khác để phát triển sản xuất nếu có). Giải pháp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển thuỷ sản quy mô vừa và nhỏ có huy động sự tham gia của cộng đồng.

d. Bố trí công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

- Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản cần bố trí đất cho các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Việc bố trí cần đảm bảo hoàn chỉnh, hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vật tư, nông sản phẩm, đẩy mạnh công tác cơ giới hóa các khâu sản xuất.

- Đường giao thông nội đồng nằm trong hệ thống đường giao thông của xã phải thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 4454/1987 của Bộ Xây dựng. Khi thiết kế cần lưu ý chọn tuyến đường ngắn ít dốc; tận dụng các đường sẵn có (nếu phù hợp với yêu cầu); kết hợp chặt chẽ việc bố trí đường với bố trí hệ thống thủy lợi; nối liền được các cơ sở sản xuất, các cơ sở kinh tế xã hội trong khu sản xuất có tính hệ thống, hợp lý, phù hợp phương tiện vận chuyển hiện tại và hướng phát triển tương lai.

- Hệ thống thủy lợi tưới tiêu, bao gồm những mương tưới, tiêu, bờ đập, ao hồ; xác định các công trình cần cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, cấp thoát nước.

- Hệ thống điện được xem xét theo nhu cầu phục vụ sản xuất để bố trí hệ thống trạm, đường dây phù hợp đảm bảo đáp ứng nhu cầu, an toàn và tiết kiệm điện.

- Giải pháp thực hiện đối với các công trình quy mô vừa và nhỏ cần đề xuất giải pháp huy động sự chủ động tham gia của cộng đồng là chính.

5.2 Đối với phạm vi quy hoạch toàn xã:

- Tùy theo đặc điểm hiện trạng và định hướng phát triển lâu dài của địa phương, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Bình Tiến cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Xác định viễn cảnh phát triển của xã đến năm 2030 và tiếp theo đến năm 2050;

- Xác định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chính của xã; đề xuất cấu trúc tổng thể phát triển không gian toàn xã và các cấu trúc đặc trưng phù hợp với các chiến lược phát triển chính đã đề ra (phân vùng phát triển; phân bố dân cư, phát triển các khu ở; hệ thống các trung tâm, các công trình công cộng, công trình bảo tồn; công trình CN - TTCN và phục vụ sản xuất…);

- Dự báo quy mô dân số, nhu cầu lao động và nhu cầu đất đai xây dựng xã nông thôn mới gắn liền với định hướng xây dựng đô thị động lực trong tương lai;

- Đề xuất các chỉ tiêu về sử dụng đất, chỉ tiêu cung cấp hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của xã;

- Đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất với khả năng sử dụng đất hỗn hợp ở mức độ tối đa, đảm bảo tính linh hoạt và năng động để thực hiện các chiến lược phát triển lâu dài;

- Định hướng hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội:

+ Đánh giá tổng hợp và chi tiết 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lựa chọn đất xây dựng, đất sản xuất đáp ứng các mục tiêu phát triển đã lựa chọn (định hướng tổ chức mạng lưới các điểm dân cư sinh sống; tổ chức không gian sản xuất, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi, vùng trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp...; định hướng phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, các điểm dịch vụ phục vụ sản xuất, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, các xưởng chế biến gỗ rừng trồng... đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, phù hợp với phong tục tập quán, sinh hoạt và sản xuất của địa phương...);

+ Xác định cốt xây dựng khống chế tại các khu vực thuộc đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2014, các trục giao thông chính đảm bảo kiểm soát và liên kết giữa các khu chức năng trong xã;

+ Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, các trục giao thông chính của xã, các công trình đầu mối giao thông; xác định chỉ giới đường đỏ các trục giao thông chính cấp xã quản lý;

+ Lựa chọn nguồn, xác định quy mô, vị trí, công suất của các công trình đầu mối; mạng lưới truyền tải và phân phối chính của các hệ thống cấp nước, cấp điện; mạng lưới đường cống thoát nước chính; các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang và các công trình hạ tầng kỹ thuật chính khác của đô thị;

+ Tổ chức hệ thống tuy-nen kỹ thuật phù hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung.

- Xác định các dự án chiến lược và nguồn lực thực hiện;

- Trên cơ sở cấu trúc không gian tổng thể toàn xã, đề xuất các không gian trọng tâm, trọng điểm và các không gian đặc trưng trên địa bàn;

- Đánh giá tác động môi trường và đề xuất các biện pháp kiểm soát môi trường.

5.3 Đối với phạm vi trung tâm xã:

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch phục vụ cho nhu cầu đầu tư hoặc chủ trương đầu tư cụ thể, đảm bảo phù hợp với chiến lược và cấu trúc phát triển chung của tòan xã, đảm bảo liên kết về mặt tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực lập quy hoạch và các khu vực lân cận, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

- Quy hoạch chi tiết xây dựng phải đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ đề ra của quy hoạch chung, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc trên mặt đất và không gian xây dựng ngầm;

- Xác định tính chất, chức năng và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu về sử dụng đất, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của khu trung tâm;

- Đề xuất nội dung về quy hoạch sử dụng đất, bao gồm: xác định diện tích, mật độ xây dựng và chiều cao công trình cho từng lô đất; xác định quy mô các công trình ngầm;

- Đề xuất giải pháp quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm, bao gồm:

+ Mạng lưới đường giao thông: Các giải pháp quy hoạch giao thông đối ngoại, đối nội có liên quan khu trung tâm, giao thông đến từng công trình; mặt cắt, chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng của các tuyến đường; vị trí, quy mô bến, bãi đỗ xe và hệ thống công trình ngầm, tuy-nen kỹ thuật...;

+ Hệ thống cấp nước: Nhu cầu, nguồn cấp nước; vị trí, quy mô các nhà máy, trạm bơm nước; bể chứa; mạng đường ống cấp nước đến từng công trình và các thông số kỹ thuật chi tiết...;

+ Hệ thống cấp điện: Nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp điện năng; vị trí, quy mô các trạm điện phân phối; mạng lưới đường dây trung thế, hạ thế và chiếu sáng công cộng...;

+ Hệ thống thoát nước: Mạng lưới thoát nước; vị trí, quy mô các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn...;

- Yêu cầu khác: Đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát thực hiện được theo quy hoạch;

- Đánh giá tác động môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Đối với các điểm dân cư trong khu trung tâm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phù hợp định hướng quy hoạch chung xây dựng mạng lưới các điểm dân cư đã chọn. Thông qua đó, dự báo quy mô và hình thái phát triển hợp lý theo từng giai đoạn quy hoạch.

+ Xác định được mối quan hệ giữa các điểm dân cư trong mạng lưới quy hoạch với vùng xung quanh về mọi mặt (kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...);

+ Xác định được tiềm năng, thế mạnh và các tiền đề phát triển;

+ Dự báo được dân số và nhu cầu xây dựng các loại công trình;

+ Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, bố trí các công trình xây dựng như nhà ở, công trình dịch vụ, các khu vực bảo tồn tôn tạo di tích và cảnh quan, các khu vực cấm xây dựng;

+ Quy hoạch phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn...;

+ Thống kê, tổng hợp và đề xuất các dự án ưu tiên xây dựng đợt đầu.

6. Thành phần hồ sơ:

6.1. Phần bản vẽ (thể hiện trên nền hiện trạng):

- Bản vẽ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng (kết hợp bản đồ vị trí xã, liên hệ vùng);

- Bản vẽ quy hoạch phát triển sản xuất và hạ tầng sản xuất;

- Bản vẽ Quy hoạch chung xây dựng:

+ Bản vẽ vị trí, mối liên hệ vùng, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn xã tỷ lệ 1/5.000;

+ Bản vẽ quy hoạch phát triển không gian toàn xã, tỷ lệ 1/5.000;

+ Bản vẽ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/5.000;

+ Bản vẽ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn  tỷ lệ 1/5.000;

+ Bản vẽ định hướng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật toàn xã; 1/5.000;

(các bản vẽ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật có thể lập riêng theo từng loại)

- Quy hoạch chi tiết trung tâm xã:

+ Bản vẽ hiện trạng tổng hợp, đánh giá quy hoạch sử dụng đất, hệ thống cơ sở hạ tầng Khu Trung tâm xã;

+ Bản vẽ quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan; tỷ lệ 1/5.000;

+ Bản vẽ quy hoạch chi tiết hệ thống các hạ tầng kỹ thuật; tỷ lệ 1/5.000;

(các bản vẽ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật có thể lập riêng theo từng loại)

+ Bản vẽ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030;

+ Bản vẽ định hướng QHCT sử dụng đất đến năm 2050;

6.2. Phần thuyết minh gồm:

Báo cáo Thuyết minh chi tiết các nội dung quy hoạch;

Các bản vẽ thu nhỏ (in màu trên khổ giấy A3);

Các văn bản có liên quan đến việc xét duyệt đồ án quy hoạch;

Phần phụ lục:

- Phụ lục 1: Các số liệu hiện trạng (thống kê các thông số, số liệu hiện trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng... theo 19 tiêu chí quy định);

- Phụ lục 2: Các biểu tính toán và các phương pháp tính toán các chỉ tiêu KTKT từng thời kỳ và đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Phụ lục 3: Các tài liệu tham khảo (các chỉ tiêu KTKT, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, các nguồn tham khảo khác...), các biên bản, văn bản tổng hợp lấy ý kiến tại các cuộc họp, tham vấn cộng đồng của từng thôn, của xã và tổng hợp lập thành Nghị quyết thống nhất của Đảng ủy hoặc Hội đồng nhân dân xã Bình Tiến.

6.3. Số lượng hồ sơ:

- Gồm 07 bộ thuyết minh, 07 bộ bản vẽ  màu và kèm 07 đĩa CD + Dĩa CD chứa toàn bộ nội dung dữ liệu của sản phẩm quy hoạch sau khi phê duyệt.

- Nội dung và quy cách thể hiện bản vẽ tuân thủ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

6.4. Các tài liệu khác:

- Dự thảo Tờ trình thẩm định và phê duyệt.

- Dự thảo Quy định quản lý theo quy hoạch.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Thanh Hiền - Phòng QLĐT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 5.288