Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2022
Ngày cập nhật 20/01/2022

Ngày 07 tháng 01 năm 2022, UBND thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về việc tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2022, nội dung kế hoạch như sau:

1. Mục đích, yêu cầu:

- Ngăn chặn và xử lý kịp thời dịch bệnh tái phát, đặc biệt là, Viêm da nổi cục trên Trâu, bò, Dịch tả lợn Châu phi, dịch tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc, dịch cúm gia cầm để phát triển và ổn định chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và môi trường sinh thái.

- Quản lý tốt đàn gia súc, gia cầm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

- Tiêm phòng triệt để các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Phấn đấu không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn.

2. Nội dung thực hiện:

- Thời gian tiêm phòng: Từ 10/01/2022 đến 31/03/2022.

- Loại vắc xin sử dụng và mức thu:

+ Đối với Trâu bò: Tiêm vắc xin tụ huyết trùng nhũ hoá chủng P52. Lở Mồn Long móng và Viêm Da nổi cục.

+ Đối với lợn: Tiêm vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn.

+ Đối với đàn dê: Tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng dê.

+ Đối với đàn gia cầm: Vắc xin Cúm, Newcastle, Lasota, Tụ huyết trùng, Gumboro, Đậu gà và  Dịch tả vịt.            

+ Đối với Chó mèo: Tiêm Vắc xin dại.  

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Ủy ban nhân dân các phường, xã: 

- Xây dựng kế hoạch và họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giao chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm cho các tổ dân phố, thôn, chỉ đạo nhân viên thú y phân công thú y viên phụ trách từng địa bàn, phối hợp với tổ trưởng dân phố, thôn trưởng để thống kê đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi vụ Xuân năm 2022 đạt chỉ tiêu và đúng thời gian quy định.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức cho nhân dân biết sự nguy hại của dịch bệnh; lợi ích của công tác tiêm phòng để mọi người dân tự giác thực hiện.

- Tổ chức triển khai cho người chăn nuôi thực hiện Thông tư số: 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Trong đó có việc kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo mẫu để theo dõi chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi.

- Thực hiện các biện pháp tổng hợp để phòng dịch tái phát, trong đó chú trọng việc giám sát phát hiện dịch sớm, báo cáo nhanh, xử lý gọn ổ dịch không để lây lan; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi có gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh nguy hiểm phải báo ngay với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã để kiểm tra xử lý kịp thời.

- Tổ chức tiêu độc khử trùng định kỳ hàng tháng đến tận hộ chăn nuôi, các hố chôn huỷ gia súc, gia cầm, đường làng ngõ xóm và những nơi có nguy cơ cao; vận động chủ chăn nuôi tự mua hóa chất tiêu độc, thường xuyên vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của thú y.

- Chỉ đạo nhân viên Thú y phối hợp các ngành liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra và xử lý kiên quyết hành vi mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có thủ tục kiểm dịch, giết mổ động vật để kinh doanh không đúng địa điểm quy định, các quầy bán không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; chủ nuôi không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiêm phòng bắt buộc đối với vật nuôi; thú y viên không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công.

3.2. Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp:

- Phối hợp với UBND các phường, xã và các ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để chủ vật nuôi tự giác thực hiện các quy định, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

- Bố trí cán bộ về cơ sở hướng dẫn, đôn đốc, công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đảm bảo kỹ thuật, thời gian theo quy định. Tập huấn kỹ thuật cho thú y viên, các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng, giám sát dịch, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật và xử lý khi có nghi ngờ dịch bệnh.

- Chuẩn bị đủ vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng, trang thiết bị cần thiết phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Trong quá trình tiêm phòng, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã phối hợp với các UBND các phường, xã tổ chức trực báo hàng tuần để đôn đốc các đơn vị có tiến độ chậm và tổng hợp kết quả tiêm phòng các loại vắc xin của các phường, xã báo cáo về Ủy ban nhân dân thị xã để chỉ đạo kịp thời (vào sáng thứ 5 hàng tuần).

3.3. Chủ chăn nuôi:

- Thực hiện nghiêm túc việc kê khai về loại, số lượng vật nuôi theo quy định cho UBND các phường, xã. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật, tiêm phòng văc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm, tiêu độc định kỳ chuồng trại và trả phí theo quy định.

- Những hộ chăn nuôi cố tình trốn tránh không kê khai chăn nuôi, không thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Thú y và không được xem xét hưởng các chính sách hỗ trợ có liên quan.

3.4. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao:

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành cho mọi người về công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

3.5. Thủ trưởng các ban ngành liên quan:

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, UBND các phường, xã tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Hoài Nam - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.852