Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy
Ngày cập nhật 14/02/2022

Ngày 18/11/2021, Thị ủy Hương Trà ban hành Kế hoạch thực hiện số 37-KH/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 04).

Với mục đích, yêu cầu là:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn thị xã đối với việc góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động phát thanh truyền hình, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

- Tạo sự thống nhất và quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra. Đồng thời, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong lĩnh vực văn hóa, du lịch - dịch vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hương Trà lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

- Triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn thị xã. Khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, lựa chọn những mục tiêu, khâu đột phá nhằm đạt kết quả cao nhất.

Nội dung Kế hoạch

Xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa, con người Hương Trà mang đậm bản sắc văn hóa Huế gắn với bản sắc văn hóa dân tộc

Nhằm góp phần xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế nói chung trên cơ sở gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc văn hoá, con người vùng đất Hương Trà.

Tăng cường củng cố bản sắc văn hóa, con người Hương Trà với những đặc trưng như: yêu nước, tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, khoan dung nhân ái, cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống... góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Chăm lo phát triển đời sống văn hóa xã hội; chú trọng xây dựng văn hóa học đường gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, tình yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào, sống tích cực lành mạnh trong học sinh.

Khôi phục các lễ hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Hy, Cơ Tu, Vân Kiều… trên địa bàn.

Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; gắn kết giữa văn hóa với du lịch, lấy văn hóa làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ.

Đánh giá, bảo tồn và phát huy giá trị, tiềm năng của hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã gắn với phát triển du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển văn hóa, xã hội và các ngành kinh tế khác. Làm tốt công tác đánh giá, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy hệ thống các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn.

Hoàn thành công tác đo đạc, xác định tọa độ, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ 07 di tích được UBND tỉnh phân cấp quản lý trực tiếp. Lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Lăng Thoại Thái Vương (TDP Long Khê, phường Hương Vân), Suối Máu (thôn 3, xã Bình Tiến), Đình làng Thanh Lương (TDP Thanh Lương, phường Hương Xuân), Đình Phe Ba (TDP Giáp Ba, Hương Văn). Phối hợp chỉnh trang, cắm biển khảo cổ 06 địa điểm: Cồn Ràng, Cồn Thu Lu, Cồn Dài (phường Hương Chữ), Bàu Đưng (phường Hương Văn), Cửa Thiềng, Cồn Tháp (phường Tứ Hạ). Phối hợp xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề may đo Áo dài Huế, Ẩm thực Huế trên địa bàn…

Xây dựng hệ thống tour; tuyến du lịch, tham quan, trải nghiệm với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy gia trị di sản văn hóa.

Xây dựng hệ thống tour, tuyến du lịch, tham quan, trải nghiệm với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân các vùng trên địa bàn thị xã. Tạo sự phát triển cân đối giữa kinh tế, văn hóa - xã hội thông qua việc tổ chức các hoạt động và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng và phát triển “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần xây dựng con người mới có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, phòng chống tiêu cực, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Xây dựng Quảng trường và Nhà văn hóa và quảng trường trung tâm thị xã; xúc tiến xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao tại trung tâm thị xã và tại xã, phường, các trường THPT, THCS trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa phường Hương Xuân, phường Hương Vân, phường Tứ Hạ, xã Bình Thành, các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố gắn với hình thành các cơ sở tập luyện thể dục, thể thao, hệ thống thư viện xã, phường. Phấn đấu 100% xã, phường có hệ thống thư viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao; 90% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Thực hiện đổi mới phương thức quản lý các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đầu tư các dụng cụ thể dục, thể thao trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp.

Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực đội ngũ để không ngừng nâng cao chất lượng phát thanh trên địa bàn; xây dựng các trang truyền hình địa phương phát sóng trên đài tỉnh, khu vực và quốc gia.

Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng gia đình, khu dân cư, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới của con người Hương Trà phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ. 

Xây dựng mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống; gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; mỗi trường học phải thực sự là môi trường giáo dục, rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa. Nhân rộng các mô hình, gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp.

Đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”.

Tiếp tục nâng cao thực chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội. Đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, con người. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm, thần bí, thực hành mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự.

Phấn đấu đến năm 2025, duy trì 95% gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; 95% xã, phường, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa và 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đăng ký xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 80% doanh nghiệp đã đăng ký được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% các xã đăng ký và đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% các phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị (trong đó có 03 phường đạt chuẩn).

Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực thương hiệu Hương Trà gắn với tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch

Xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương gắn với bản sắc văn hóa riêng nhằm đa dạng hoá các chương trình kích cầu và sản phẩm du lịch, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã.

Tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng làm sản phẩm chủ lực với các loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề. Trong đó tập trung xây dựng du lịch sinh thái tại Khe Đầy, suối Máu, các hệ thống khe, suối và lòng hồ tại thủy điện Bình Điền, Hương Điền, hồ Thọ Sơn; du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa ở các di tích như: Địa đạo Khu ủy Trị Thiên - Huế, Nhà thờ Đặng Huy Trứ, Tháp Đôi Liễu Cốc, Đình và Chùa La Chữ…; du lịch cộng đồng trải nghiệm làng quê như: trồng rau, làm bánh, nuôi cá, làm đồ mã, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê. Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với chương trình OCOP như: bún Vân Cù, quýt Hương Cần, thanh trà Hương Vân, Đông trùng hạ thảo xã Hương Bình; hình thành các điểm du lịch trải nghiệm các vườn cây ăn quả tại Hương Bình, Bình Thành gắn với du lịch sinh thái.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng và kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển dịch vụ, du lịch. Phát triển hệ thống điện, nước, hệ thống chứa và xử lý rác thải, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư loại hình dịch vụ homestay phù hợp với điều kiện địa phương và thích hợp với thị hiếu của du khách.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Khai thác tài nguyên rừng gắn với bảo tồn bền vững và đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, hình thành một số mô hình sản xuất nông - lâm - chế biến gắn với phát triển dịch vụ, du lịch tại các xã vùng núi.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu danh mục dự án và thông tin để kêu gọi đầu tư từ các dự án, các tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư vào địa bàn thị xã. Tạo cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư du lịch tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá để tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Hương Trà như: tuyên truyền bằng hình ảnh, các phóng sự, bản tin trên báo chí, đài truyền thanh, truyền hình địa phương, tỉnh, trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Tích cực tham gia, phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và Nhân dân tích cực tham gia công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch

Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, phát triển nhân lực trên lĩnh vực văn hoá, du lịch một cách có hệ thống; nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động làm việc trong lĩnh vực văn hoá, du lịch và hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các bộ làm văn hóa về vai trò, vị trí của văn hóa; lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ văn hóa có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, uy tín để lãnh đạo, quản lý và vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao từ thị xã đến xã, phường có chất lượng và hiệu quả.

Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc tôn trọng, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá, môi trường sống gắn với nâng cao hình ảnh của một thị xã “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Huy động sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, nhất là nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trong tôn giáo cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, đảm bảo tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Tăng cường phối hợp và mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép các nội dung phong trào, trong đó có nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, vận hành, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao; gia đình không có bạo lực; xây dựng gia đình văn hóa… góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn và phương pháp tổ chức hoạt động cho cán bộ quản lý, tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao; đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt các chuyên đề ở cơ sở.

Tập huấn kiến thức về phát triển du lịch có trách nhiệm, các kiến thức cơ bản về đón tiếp, phục vụ khách du lịch cho hộ kinh doanh du lịch. Đặc biệt, quan tâm bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng làm du lịch cho người dân, để giúp họ hiểu sâu hơn cách làm du lịch cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa bản địa, sản vật phong phú của địa phương… tạo sự thu hút, hài lòng cho du khách.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng, phát triển văn hóa, du lịch

Tổ chức quán triệt để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và phát triển văn hóa; thấy được vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã và của đất nước. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; coi tọng sự phát triển cân đối giữa kinh tế, văn hóa – xã hội.

Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa, du lịch, nhất là ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế.

Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa tại cơ sở, đảm bảo hoạt động văn hóa đúng pháp luật. Đưa việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của từng địa phương, đơn vị. Quan tâm đầu tư có hiệu quả cho hoạt động văn hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động văn hóa, du lịch; khắc phục triệt để việc chạy theo thành tích, số lượng ảo trong quá trình thực hiện.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân tham gia hoạt động, sáng tạo văn học nghệ thuật, xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống địa phương; động viên cán bộ, hội viên và các tầng lớp Nhân dân bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch và tham gia phát triển du lịch.

Hoài Trang - BTG Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 4.931