Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)
Ngày cập nhật 01/04/2022

Ngày 24/2/2022, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà ban hành Kế hoạch số 49-KH/TU về việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Nội dung của Kế hoạch đó là:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (viết tắt là Kết luận số 21); Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm (viết tắt là Quy định số 37) của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Qua đó triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 21, Quy định số 37 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận số 21, Quy định số 37 và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

- Việc tổ chức, triển khai thực hiện Kết luận số 21, Quy định số 37 phải kế thừa kết quả, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tuyệt đối không được hình thức, chiếu lệ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

- Tạo bước chuyển biến sâu sắc, rộng rãi trong nhận thức và hành động, khắc phục triệt để bệnh hình thức; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện trước. Thể hiện tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN HỌC TẬP QUÁN TRIỆT

1. Nội dung và tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt

1.1. Nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt

- Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm.

- Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 23/02/2022 của Ban Thường vụ Thị ủy về Thực hiện Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

1.2. Tài liệu hội nghị

Gồm các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phát hành:

- Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên);

- Tài liệu học tập các Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở);

- Tài liệu hỏi - đáp về các Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Dùng cho đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và tuyên truyền trong nhân dân).

2. Đối tượng, hình thức nghiên cứu, học tập, quán triệt

2.1. Đối tượng

Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn thị xã.

2.2. Hình thức nghiên cứu, học tập, quán triệt

- Các TCCS đảng xây dựng kế hoạch và triển khai mở các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt tới tất cả cán bộ, đảng viên với những nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng.

- Kết hợp nghiên cứu, học tập, quán triệt tại hội nghị với tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên.

3. Thời gian tổ chức các hội nghị

3.1. Hội nghị cấp thị xã

Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thị xã tham gia học tập, quán triệt vào ngày 9/12/2021.

3.2. Đối với các TCCS đảng

- Các TCCS đảng trực thuộc tổ chức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt (kể cả những đồng chí chưa tham gia tại hội nghị cán bộ chủ chốt của thị xã). Đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp làm báo cáo viên; trong trường hợp thực sự cần thiết báo cáo Ban Tuyên giáo Thị ủy để bố trí báo cáo viên.

- Thời gian nghiên cứu, học tập, quán triệt: ½ ngày; hoàn thành trong tháng 3/2022.

3.3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã

- Căn cứ Kết luận số 21, Quy định 37 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và các tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì biên soạn, chỉ đạo, tổ chức học tập, phổ biến sâu, rộng đến từng đoàn viên, hội viên.

- Thời gian nghiên cứu, học tập, quán triệt: ½ ngày; hoàn thành trong tháng 3/2022.

4. Bổ sung nội dung thực hiện Kết luận số 21 vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp

- Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Kết luận 21. Quá trình thực hiện phải tạo sự đồng bộ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định 37 và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

- Các TCCS đảng trực thuộc Thị ủy bổ sung, lồng ghép nội dung thực hiện Kết luận số 21 vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng cơ sở: có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể rõ ràng, chặt chẽ, tránh hình thức. Chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21, Quy định số 37 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); kịp thời chấn chỉnh những địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt. Đưa kết quả thực hiện Kết luận thành tiêu chí đánh giá hàng năm và cả nhiệm kỳ đối với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, bí thư, cấp ủy và người đứng đầu.

5. Tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 21, Quy định số 37 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) trong các tầng lớp nhân dân

- Các TCCS đảng căn cứ vào Tài liệu hỏi - đáp các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…

- Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã, đài phát thanh các xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch, có chuyên trang, chuyên mục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).

III. TỔ CHỨC ĐỢT SINH HOẠT CHÍNH TRỊ VỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

1. Nội dung đợt sinh hoạt chính trị

Mở đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị một cách sâu rộng từ thị xã đến cơ sở với chủ đề “Tự soi, tự sửa”, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

1.1. Quán triệt quan điểm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta đề ra trong các kỳ đại hội, hội nghị Trung ương, nhất là từ Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992, Hội nghị Trung ương 6, lần 2 (khóa VIII) năm 1999, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).

1.2. Quán triệt, thảo luận, làm rõ những nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII):

- Sâu rộng hơn về nội dung tư tưởng chỉ đạo và phạm vi: quy mô xây dựng, chỉnh đốn Đảng được mở rộng, không chỉ trong Đảng mà cả hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi dễ phát sinh tình trạng đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Mục tiêu được xác định lần này cao hơn, sát thực và phù hợp hơn với tình hình mới: không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà phải đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách.

- Bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; về phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, bổ sung, nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

1.3. Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Kết luận số 21, Quy định số 37; Bài phát biểu của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII như: Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

1.4. Đặt việc thực hiện Kết luận số 21, Quy định số 37 trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, của Tỉnh ủy và Thị ủy, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại,… chứ không phải “đóng cửa” để chỉnh đốn Đảng.

1.5. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai thực hiện Kết luận, Quy định trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách.

2. Đối tượng

Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và cán bộ, đảng viên.

3. Hình thức tổ chức

3.1. Tổ chức các hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình

- Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chỉ đạo đưa nội dung Kết luận số 21, Quy định số 37 và những nội dung được nghiên cứu, học tập, quán triệt vào sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị… để thảo luận, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tổ chức thực hiện thật tốt, đạt kết quả thiết thực.

- Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào Kết luận số 21, Quy định số 37, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, gia đình mình, đơn vị mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; không đứng ngoài cuộc, coi như mình vô can.

- Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được tiến hành nghiêm túc, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang và lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng.

- Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

- Tự phê bình và phê bình trên tinh thần tự giác, trách nhiệm, có tình thương yêu đồng chí thật sự, chân tình. Đây là cơ sở để đánh giá, xem xét, quy hoạch cán bộ cho thời gian tới.

3.2. Tổ chức các cuộc tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Tập trung vào các nội dung:

- Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Các kiến nghị, đề xuất.

4. Thời gian tổ chức

- Các cấp ủy, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tự soi, tự sửa” trong sinh hoạt định kỳ tháng 3/2022.

- Các cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội từ thị xã đến cơ sở tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tự soi, tự sửa” trong tháng 4/2022, tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022).

Ngoài ra, trong dịp kiểm điểm, sơ kết 6 tháng đầu năm và kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên cuối năm 2022 phải gắn tinh thần “Tự soi, tự sửa” trong tổ chức sinh hoạt.

Hoài Trang - BTG Thị ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.545.277
Truy câp hiện tại 5.495