Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Ngày cập nhật 19/08/2020

Phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng thị xã Hương Trà phát triển nhanh và bền vững gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Cách mạng Tháng Tám ở Hương Trà 

Sau khi nhận Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị mở rộng ở Cầu Hai đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh lấy bí danh là Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Tháng 6/1945, Mặt trận Việt Minh huyện Hương Trà được thành lập lấy tên là Việt Minh Bình Sơn và công tác chuẩn bị về các mặt được tiến hành gấp rút, nhất là tổ chức lực lượng Cứu quốc.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thời điểm khởi nghĩa các huyện và thành phố. Theo đó, Ngày 17/8/1945, Việt Minh Bình Sơn tiến hành họp để thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện và khu vực, đề ra kế hoạch khởi nghĩa ở các làng, tổng, huyện; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế.

Sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa huyện đã huy động nhân dân các tổng tham gia khởi nghĩa ở huyện và tỉnh. Lại Bằng khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Hương Trà (20/8). Tiếp theo là các làng Long Khê, Sơn Công, Lai Thành ở tổng Phú Ốc.

Ngày 21 và 22-8, khởi nghĩa giành chính quyền liên tục diễn ra ở nhiều làng trong các tổng Hương Cần, An Ninh, Vùng Kim Long, Xuân Hòa, Triều Nam, Triều Đông, Minh Hương, Địa Linh, Bao Vinh, Triều Tây, An Hòa.

Trong suốt đêm 22-8, Việt Minh các khu vực huy động lực lượng quần chúng đông đảo, khí thế bừng bừng, vũ trang bằng đại đao, gươm, kiếm, dây, đùi và mang băng cờ khẩu hiệu tiến về quận lỵ Hương Trà hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập đồng minh muôn năm”, Sáu giờ sáng ngày 23/8/1945, quần chúng bao vây quận lỵ Hương Trà, lúc này huyện trưởng Nguyễn Xuân Đương và toàn bộ cơ quan đã sẵn sàng hồ sơ tài liệu, vũ khí và công quỹ để giao cho chính quyền cách mạng.

Đồng chí Lâm Mộng Quang thay mặt Ủy ban khởi nghĩa huyện đọc diễn văn tuyên bố xóa bỏ hệ thống bộ máy cai trị ở huyện và các xã trong huyện, giới thiệu danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện.

Sau khởi nghĩa huyện thắng lợi, lực lượng nhân dân Hương Trà tiếp tục vũ trang tuần hành kéo vào thành phố Huế bằng 3 mũi: Mũi từ Bao Vinh lên Phú Hiệp, mũi từ An Hòa, Triều Tây qua cầu An Hòa và mũi từ Xuân Hòa- Kim Long áp xuống thành phố từ rạng sáng ngày 22-8.

Nhiều đơn vị tự vệ chiến đấu của Hương Trà đã tham gia đi chiếm lĩnh các công sở ở Huế và chốt giữ nhiều ngả đường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong thành phố những ngày lịch sử này. Chỉ trong vòng 5 ngày, nhân dân Thừa Thiên Huế đã khởi nghĩa dành thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước.

Ngày 22-8, nhân dân Hương Trà cùng nhân dân toàn tỉnh nhiệt liệt chào mừng và đón tiếp phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Hà Nội vào dự lễ thoái vị của Bảo Đại. Ngày 30 tháng 8, hàng nghìn nhân dân Hương Trà vào Huế tham dự cuộc mít tinh dưới rừng cờ đỏ sao vàng ở Ngọ Môn trong buổi lễ thoái vị của Bảo Đại. Đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Trong trang lịch sử vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên Huế, tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh và nhân dân Hương Trà đã cố gắng vươn lên sau những năm bị địch khủng bố nặng nề, thực hiện thắng lợi kế hoạch khởi nghĩa của huyện sát thành phố do tỉnh đề ra, góp sức vào “Cuộc đổi đời chưa từng có” của nhân dân Hương Trà và Thừa Thiên Huế. Nhân dân Hương Trà vô cùng phấn khởi trước bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập”.

Lịch sử đã sang trang, nhân dân Hương Trà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp sức xây dựng, bảo vệ chính quyền, thực hiện hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển quê hương Hương Trà.

Sau 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân Hương Trà đã kiên cường trong chiến đấu, bền bỉ trong xây dựng và phát triển quê hương, vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng trong cuộc đổi mới, tích cực phấn đấu xây dựng thị xã Hương Trà phát triển nhanh và bền vững gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trải qua 30 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Hương Trà đã vượt qua các chặng đường gian nan lửa đạn, chấp nhận mọi hy sinh để xoá bỏ nỗi đau mất nước, xoá bỏ họa chia cắt non sông, góp phần thu giang sơn về một mối. Với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” nhiều đồng chí, đồng bào đã không tiếc máu xương “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng bộ, dân và quân Hương Trà đã cùng với nhân dân cả nước bước vào một trận chiến đấu mới - trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu với biết bao khó khăn, thách thức đặt ra. Trước tình hình đó Đảng bộ vừa tập trung xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa lo cho dân nơi ăn chốn ở, chữa bệnh và học hành.

Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62-CP về việc hợp nhất một số huyện ở tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền hợp nhất thành một huyện lấy tên là huyện Hương Điền. Lúc này, Hương Trà trong huyện Hương Điền hợp nhất gồm có 12 xã.

Sau 13 năm hợp nhất, ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 345-HĐBT về việc chia huyện ở tỉnh Thừa Thiên Huế - lúc này huyện Hương Trà bao gồm 15 xã và 1 thị trấn. Đến ngày 15/11/2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 99 về việc thành lập thị xã Hương Trà và thành lập các phường thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó thị xã Hương Trà có 7 phường và 9 xã. Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH1 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Đảng bộ xã Bình Tiến, như vậy sau khi sắp xếp, thị xã Hương Trà có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và 7 phường.

Sau ngày quê hương Hương Trà được giải phóng, với biết bao sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hương Trà đã có những cố gắng phấn đấu, tạo nên nhiều thành tựu quan trọng và rất đỗi tự hào. Hương Trà đã được công nhận trở thành một trong hai thị xã đầu tiên của tỉnh từ năm 2011 và được xác định là đô thị động lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”, quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế được nâng lên, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khá hoàn thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Văn hóa - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hương Trà lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, quân và dân Hương Trà đã nỗ lực, phấn đấu đạt những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng thị xã phát triển bền vững. Hầu hết các mục tiêu, chương trình trọng điểm và 19/21 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt kế hoạch; quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế được nâng lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7.250 tỷ đồng. Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; an sinh xã hội đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả; đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã.

Những thành tựu đó đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới của Đảng, đánh dấu sự trưởng thành trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền, tạo thêm thế và lực để Đảng bộ, quân và dân Hương Trà tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đất nước; đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV; xây dựng thị xã Hương Trà phát triển nhanh và bền vững gắn với xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Hoài Trang - Ban TG
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.565.894
Truy câp hiện tại 7.549