Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phục hồi môn nữ công gia chánh cho học sinh THPT nhằm giáo dục kỹ năng sống, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế
Ngày cập nhật 14/03/2021

Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, Trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa-TP Huế) sẽ được chọn làm thí điểm khôi phục lại việc dạy bộ môn nữ công gia chánh trong nhà trường. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế Phan Ngọc Thọ tại cuộc họp với Trường THPT Hai Bà Trưng về giáo dục kỹ năng sống trong trường học. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo: Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh TTn Huế, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh và Hội Cựu nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng.

 

Nhắc đến nữ sinh Đồng Khánh một thời ai cũng nghĩ về những thiếu nữ có đủ công, dung, ngôn, hạnh. Ngoài học văn hóa, nữ sinh Đồng Khánh còn học các môn đặc trưng của một trường nữ.

Trong thập kỷ 50 của thế kỷ XX, học sinh đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) Trường Đồng Khánh được học các môn nữ công, gồm thêu, may, gia chánh và dưỡng nhi. Chương trình nữ công được sắp xếp vào thời khóa biểu chính thức như các môn văn hóa. Từ thập niên 60 - 70 cho đến 1975, các lớp đệ tam và đệ nhị, (lớp 10 -11 hiện nay) cũng được học nữ công gia chánh.

Chủ trương của nhà trường là đào tạo nữ sinh sau khi hoàn tất hai cấp học phổ thông sẽ trở thành những thiếu nữ đủ trình độ về văn hóa phổ thông và có khả năng làm tốt vai trò người vợ, người mẹ mà gia đình, xã hội giao phó để khỏi ngỡ ngàng lúng túng khi bước vào đời.

Môn học về nữ công gián đoạn khi sau này trường không còn học sinh thuần nữ nữa. Nhất là qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn như trước.

Sau khi nghe thầy giáo Ngô Đức Thức-Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng báo cáo khái quát kết quả hoạt động dạy kỹ năng sống trong trường học; ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp đều thống nhất đề nghị tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống trong trường học nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh trong đó chú trọng đến môn nữ công gia chánh nhằm giúp cho học sinh trong trường phổ thông có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho cuộc sống cá nhân và gia đình.

Theo nghệ nhân Mai Thị Trà, cựu nữ sinh Đồng Khánh và là cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng: “Ngày trước Trường THPT Hai Bà Trưng là ngôi trường có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Đây là môn học được nữ sinh rất yêu thích, tập trung vào kỹ năng dưỡng nhi, kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu, may, chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Bản thân cô Trà rất yêu thích học môn này và cũng là người tâm huyết truyền dạy môn học này, nhưng rất tiếc ngày nay đã mai một”.

Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền,Trưởng Ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu Trưởng trường Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: “Ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học này còn là nơi dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Chính vì điều đó mà nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế. Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn như trước, dẫn đến hậu quả là một lượng lớn nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi là người phụ nữ của gia đình. Do vậy phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách”.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao kết quả tích cực của Trường THPT Hai Bà Trưng nói riêng và của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà trong thời gian qua. Để đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế, để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế có lòng tự hào về vùng đất, lòng biết ơn, lòng vị tha, làm hành trang cho các em vào đời.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022. Giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia,  nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm vừa học vừa chơi vừa trải nghiệm, không lý thuyết cao siêu để tạo hứng thú học tập cho các em học sinh, với mục tiêu sau khi rời trường phổ thông các em học sinh phải biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn của gia đình. Qua dạy nữ công gia chánh để dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.

Việc dạy nữ công gia chánh tại trường học phải gắn với tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở, làng nghề ẩm thực truyền thống Huế; gắn dạy lý thuyết với hướng dẫn thực hành và thuyết trình để tạo sức hấp dẫn, trong đó mời các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh – Hai Bà Trưng về hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực hành, thuyết trình. Đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế đồng hành, hỗ trợ Trường THPT Hai Bà Trưng trong việc thí điểm phục hồi dạy môn nữ công gia chánh.

Nhằm đảm bảo tiến độ đưa vào dạy thí điểm từ năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh giáo trình, tiến hành rà soát cơ sở vật chất Trường THPT Hai Bà Trưng, để có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất từ ngân sách và kêu gọi xã hội hóa nguồn lực phục vụ việc dạy và thực hành môn nữ công gia chánh tại Trường. “Mục tiêu đặt ra là làm cho Trường THPT Hai Bà Trưng trở thành điểm sáng, một nét đẹp trong việc giáo dục kỹ năng sống và nữ công gia chánh để làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh” – Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế nhấn mạnh.

Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo là sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng nghề du lịch để dạy nghề cho các em; đồng thời, huy động lực lượng  giáo viên đã từng giảng dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng cùng với các nghệ nhân để rà soát đánh giá lại chương trình dạy văn hóa trên lớp, từ đó bố trí thời gian học hợp lý. Tổ chức hoạt động này dưới hình thức như câu lạc bộ để hướng nghiệp cho học sinh.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sẽ hợp nhất chương trình dạy nghề hiện nay với chương trình giáo dục kỹ năng sống này để tạo điều kiện thuận lợi cho các em có chứng chỉ học nghề trong trường phổ thông, đảm bảo các quyền lợi trong thi cử cũng như phục vụ cho các em khi tham gia các hoạt động xã hội.

Sau Trường THPT Hai Bà Trưng, các trường trên địa bàn sẽ khôi phục dạy những ngành nghề được xem là thế mạnh phù hợp với đặc điểm của mỗi trường, mỗi địa phương.    

Xuân Trường
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 1.908