Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” Truyền thống áo dài Việt
Ngày cập nhật 08/03/2022

Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục, chiếc Áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837 chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Áo dài Việt Nam là y phục truyền thống và là biểu tượng về nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn. 

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Đã ngót một thế kỷ nay, cô nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế trong trang phục áo dài trắng trinh nguyên như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Để đến bây giờ trang phục ấy trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh trong các trường phổ thông trung học như muốn nói với mọi người với du khách quốc tế về văn hóa và bản sắc dân tộc.

Ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ... là một cách biểu hiện tấm lòng thành kính gửi đến cửa thiền một lòng siêu thoát, tôn nghiêm. Chiếc áo dài trùm gối, khăn mỏ quạ chít khéo như hoa sen, tay nâng mâm lễ kính cẩn lên cửa chùa, miệng "mô phật di đà"... hình ảnh ấy đã đi vào bức họa tranh dân gian Đông Hồ là một biểu tượng độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, váy đầm, áo ngắn, áo thời trang... chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu và trở thành trang phục công sở ở nhiều nơi.

Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam”

Nhân kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2022) và 1982 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 – 2027. Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài năm 2022” đồng thời để thực hiện tốt Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” nhằm tôn vinh, lan tỏa những nét đẹp của áo dài truyền thống góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam và phụ nữ Huế luôn là nhân tố đặc biệt góp phần xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.

Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” Nhằm thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và chào mừng kỷ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện việc miễn phí vé tham quan di tích đối với phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt nam đến tham quan các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiên phong phát động vận động khuyến khích toàn thể công chức viên chức và người lao động nữ mặc áo dài truyền thống trong các hoạt động công sở tại tuần lễ áo dài năm 2022. Tiểu thương và cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ Đông Ba cũng niềm nở đón khách trong tà áo dài thướt tha.

Trong những ngày này trên địa bàn thị xã Hương Trà, các cơ quan, đơn vị cùng tích cực hưởng ứng “Tuần lễ áo dài năm 2022”, cũng đã phát động vận động khuyến khích toàn thể công chức viên chức và người lao động nữ mặc áo dài truyền thống trong các hoạt động công sở.

Mỹ Lệ - phòng VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 5.109