Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030
Ngày cập nhật 01/04/2022

Người Việt ta khi nói về văn hóa gia đình, có câu “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong” hay đơn giản hơn là “nếp nhà”. Từ xa xưa, ông cha ta đã dày công xây dựng nề nếp trong gia đình như con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em thuận hòa… Cùng với các tiêu chí đó là hàng loạt quy tắc ứng xử nghiêm ngặt như đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới, thuận vợ thuận chồng.          

Ngày nay, nội dung xây dựng đạo đức, lối sống gia đình chính là kế thừa những tinh hoa truyền thống mà ông cha ta đã để lại và tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho các gia đình nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình. Trước tình trạng ly hôn, ly thân có chiều hướng gia tăng; bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại trẻ em tuy có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ nghiêm trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (TTGDĐĐLSTGĐ), và đây được xem là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã và đang được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn việc thực hiện đề án với hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương gia đình điển hình, phát huy được vai trò giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình, nêu gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thông qua các hoạt động đã tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình.       

Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể. Từ đó, giúp thế hệ trẻ trang bị kiến thức, hiểu được những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên, đẩy lùi BLGĐ

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19/1/2022 phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.

Ngày 21/3/2022, UBND thị xã Hương Trà đã có văn bản nhất trí với toàn văn nội dung dự thảo “Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”,

Mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình  100% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở; phấn đấu hằng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Phấn đấu hằng năm 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình; phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang hội nhập và phát triển, do ảnh hưởng từ phương Tây nên các hệ giá trị đang có những thay đổi nhất định, mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo nên nhiều tiêu cực, cám dỗ đã ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của các em.

Như vậy, có thể khẳng định vai trò của gia đình đối với việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

 

Văn Thu Thảo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.608
Truy câp hiện tại 338