Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
Ngày cập nhật 24/04/2024

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là mục tiêu chung của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn thị xã Hương Trà đã đạt được một số kết quả như sau:

Về thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết

Các cấp ủy và chính quyền đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật; mọi người dân đều hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi trọng giáo dục đạo đức công dân, giáo dục nhân cách, giáo dục tri thức, định hướng thẩm mỹ hướng đến những chuẩn mực đạo đức chân - thiện - mỹ, giáo dục truyền thống lịch sử trong cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ cho người dân thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao từ cơ sở đến thị xã,...

Coi trọng nâng cao thể chất, tầm vóc con người thông qua phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Với mục tiêu: tạo ra một xã hội tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngày một đông đảo, rộng rãi, phong phú và tiến bộ nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt khoảng 25%, số gia đình thể thao đạt khoảng 22%; 100% số trường học trên địa bàn thị xã đảm bảo việc thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp; có nhiều câu lạc bộ TDTT như bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, quần vợt, yoga, gym, thể dục của người cao tuổi…được hình thành, tạo điều kiện cho mọi người tham gia tập luyện thể dục thể thao phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng rộng khắp.

          Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng phường đô thị văn minh. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được phát huy, mở rộng và nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Việc xây dựng các quy ước thôn, tổ dân phố văn hóa được các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định.

Phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước cũng như tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng xã hội. Đến nay, tổng số gia đình đăng ký gia đình văn hóa là 16.577/17.253 hộ, số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa là 16.061/16.577 hộ, chiếm tỉ lệ 96,9%; số thôn, tổ dân phố đăng ký văn hóa là 72/72, số thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa là 67/72, chiếm tỉ lệ 93,05%; số cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế trên địa bàn đều được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa lần đầu 100%. Có 02/04 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới: Hương Bình, Hương Toàn; có 03/05 phường được UBND thị xã công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”: Hương Văn, Tứ Hạ, Hương Xuân. Những kết quả của cuộc vận động đã góp phần tác động tích cực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

  Công tác gia đình trên địa bàn thị xã tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, hiệu quả. Cán bộ làm công tác gia đình từ thị xã đến cơ sở được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức để triển khai thực hiện tốt công tác gia đình ở cơ sở. Chất lượng xây dựng gia đình văn hóa ngày càng tăng lên; Việc xây dựng nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện, gắn với phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp đã được triển khai nhân rộng trên khắp địa bàn thị xã cùng với phong trào chủ nhật xanh.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong những năm qua được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 7/9 xã, phường được đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa; hệ thống các nhà sinh hoạt của các thôn, tổ dân phố từng bước được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn xã hội hóa.

          Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay trên địa bàn thị xã có 10 di tích được xếp hạng công nhận, trong đó thị xã quản lý trực tiếp 08 di tích: 02 di tích cấp quốc gia, 06 di tích cấp tỉnh.

Hàng năm, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tỉnh tổ chức trưng bày, triển lãm thành tựu nghề nhiếp ảnh cho hàng trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh trên toàn quốc về tham dự nhân dịp giỗ tổ nghề nhiếp ảnh Danh nhân Đặng Huy Trứ, tại nhà thờ Hạ Đặng, tổ dân phố Thanh lương, phường Hương Xuân.

Năm 2017, Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên Huế tổ chức Trại sáng tác âm nhạc với chủ đề “Hương Trà khúc hát yêu thương” để lại 19 tác phẩm có giá trị, ca ngợi về con người và địa danh Hương Trà qua hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đổi mới. Năm 2021, phối hợp Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật tại xã Bình Điền (nay là xã Bình Tiến), hoàn thành 65 tác phẩm, trong đó có 27 tác phẩm nhiếp ảnh; 11 tác phẩm mỹ thuật với nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, acrylic, ký họa bút sắt…

Câu lạc bộ thơ Sông Bồ được hình thành và đi vào hoạt động, đến nay đã hơn mười năm, có nhiều tác giả, tác phẩm được đăng tải trên các ấn phẩm văn hóa nghệ thuật, các báo và xuất bản tập thơ của một số tác giả có tên tuổi, đã có 11 kỳ tổ chức đêm thơ của thị xã vào Tết Nguyên Tiêu nhân ngày thơ Việt Nam, giới thiệu đến công chúng yêu văn học, nghệ thuật những tác phẩm có giá trị, nhiều văn nghệ sĩ đã có những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đã được các cấp trao tặng giải thưởng như: nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, nhà thơ Lê Vĩnh Thái…

  Công tác phát triển công nghiệp văn hóa được đầu tư, đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Các sản phẩm du lịch, làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, chất lượng, tiêu biểu có các sản phẩm từ Làng nghề sản xuất bún Vân Cù, bánh gói Hương cần, cốm An Thuận (xã Hương Toàn), đang xây dựng Hồ sơ để trình công nhận Di sản Văn hoá Phi vật thể quốc gia Nghề thủ công làm bún truyền thống ở làng Vân Cù, xã Hương Toàn,…

Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn thị xã đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hiện trên địa bàn có 63/72 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng; ở các địa phương đều có quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trong việc thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới. Thị xã hiện có 01 nhà thi đấu, 01 sân tennis, 01 sân vận động. Ngoài ra, đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: 01 sân bóng cỏ nhân tạo, 01 bể bơi và các Câu lạc bộ gym, yoga, trung tâm thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ... đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của quần chúng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các dịch vụ văn hóa, thể thao.

          Về thực hiện các giải pháp của Nghị quyết, đặc biệt là tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa

Trong những năm qua, thị xã đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho văn hóa, nhất là công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đầu tư ngân sách để phát triển các thiết chế văn hóa thể thao: xây dựng nhà văn hóa trung tâm của thị xã, trung tâm văn hóa các xã, phường; các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng. Có 7/9 xã, phường được đầu tư xây dựng và sữa chữa nhà văn hoá: Hương Toàn: Năm 2017 và năm 2019 đầu tư sửa chữa, nâng cấp, trang bị các thiết bị đảm bảo nhu cầu hoạt động với tổng kinh phí 835 triệu đồng; Hương Bình năm 2018 với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng; Bình Tiến năm 2019 với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng; Bình Thành năm 2023 với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; phường Hương Văn đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách địa phương năm 2018, với kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng. Phường Tứ Hạ được sử dụng Hội trường UBND thị xã làm nhà văn hoá phường. Phường Hương Xuân đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách.

Trong những năm qua thị xã đã làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao; tài trợ tổ chức các giải thể thao tại trung tâm thị xã và các xã, phường trên 300 triệu/năm. Đặc biệt trong tổ chức Đại hội TDTT xã, phường năm 2017 - 2018 các doanh nghiệp và các nhà mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng, đóng góp một phần trong việc tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cơ sở.

Khu bể bơi và sân bóng đá mini đạt chuẩn với kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng của Công ty Môi trường và Đô thị An Nhiên hoạt động hiệu quả; Nhà thi đấu đã được sữa chữa nâng cấp trải thảm gần 300 triệu đồng và lắp đặt 25 dụng cụ thể thao cộng đồng ở các công viên với kinh phí xã hội hóa 280 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ xây dựng, sửa chữa và trang bị các thiết bị thiết yếu cho các nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2021, phường Tứ Hạ huy động nguồn đóng góp xã hội hoá xây dựng nhà văn hoá TDP 2 với số tiền là 328.655.000 đồng; phường Hương Văn huy động được 100.000.000 đồng, xã Hương Toàn là 700.000.000 đồng để sửa chữa nhà văn hóa thôn, TDP. Bình Thành huy động lắp đặt dụng cụ thể thao cộng đồng ở trung tâm xã với kinh phí 320 triệu đồng.

Năm 2024, thị xã đã phân bổ nguồn vốn để thực hiện “Đề án lắp đặt các dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời cho các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã đến năm 2025” với tổng kinh phí 2.250 tỷ đồng.

Mỹ Lệ - Phòng VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.580.252
Truy câp hiện tại 8.792