Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lễ động thổ thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc
Ngày cập nhật 25/04/2024

Trên địa bàn thị xã Hương Trà có 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia gồm: Địa đạo Khu ủy Trị Thiên, Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ, Đình làng Văn Xá, Tháp đôi Liễu Cốc. Trong đó Tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc đặc trưng của văn hóa Chămpa, có niên đại hơn 1.000 năm, được xây dựng gần nhau trên hai trục song song hướng đông - tây, lối vào tháp ở phía đông. Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với Tháp đôi Liễu Cốc.

Nhằm mục đích nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và biến đổi của di tích, góp phần bảo vệ di sản văn hóa Chămpa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời thu thập các tư liệu, hiện vật có nguyên gốc, phục vụ hiệu quả cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích ngày một tốt hơn, ngày 24/4/2024, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức lễ động thổ thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham dự có ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Trần Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; ông La Thiên Phương – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế; ông Đỗ Ngọc An – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà; ông Nguyễn Văn Duật – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Trà; bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân; nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Thế và ông Nguyễn Ngọc Chất - Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Người chủ trì thăm dò, khai quật.

Theo đó, diện tích thăm dò và khai quật là 80 m2, trong đó thăm dò trên diện tích 20 m2 với 4 hố và khai quật khảo cổ trên diện tích 60 m2 với 3 hố (20 m2/hố), thời gian từ nay đến ngày 5-7. Mục đích của việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc nhằm bổ sung hồ sơ khoa học, đề xuất hướng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

My Na - Phòng VHTT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.570.719
Truy câp hiện tại 2.669