Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Qúa trình hình thành và thực trạng phát triển làng nghề trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 01/04/2014

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Hương Trà có từ lâu đời, chủ yếu tập trung ở một số xã, phường trên địa bàn như làng nghề mộc Hương Hồ, bánh ướt- bánh tráng Lựu Bảo, bún Vân Cù, rượu Dương Sơn, nón lá Hương Cần, gạch ngói Thủy Phú, rèn Bao Vinh, chạm cẩn Địa Linh, cốm An Thuận, gạch ngói Nam Thanh, đan lát Lai Thành. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các làng nghề trên địa bàn thị xã Hương Trà vẫn đang hoạt động, một số làng nghề phát triển khá mạnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó do chịu tác động của nền kinh tế thị trường sản phẩm hàng hóa của một số làng nghề còn quá đơn điệu, chưa có giá trị kinh tế cao, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề vẫn còn phổ biến, do đó một số làng nghề truyền thống không thể phát triển và đang dần bị mai một.

1. Làng nghề sản xuất bánh ướt - bánh tráng Lựu Bảo (phường Hương Hồ) – đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống: là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, được hình thành vào cuối thế kỷ XV, đến đầu thế ký XIX nghề bánh tráng, bánh ướt phát triển mạnh và lan rộng khắp làng Lựu Bảo, gắn liền với tên tuổi của Làng. Hiện nay toàn làng có trên 62 hộ chuyên làm nghề bánh ướt, bánh tráng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh. Số lượng lao động : 180 người. Thu nhập bình quân: 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng.

2. Làng mộc An Bình (phường Hương Hồ) - đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề : Được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII, là làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng và mỹ nghệ, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh, trước đây các cơ sở tập trung chủ yếu ở thôn An Bình nhưng hiện nay do nhu cầu phát triển sản xuất các cơ sở mộc được phân bố khắp địa bàn toàn phường. Hiện nay toàn phường Hương Hồ có trên 150 cơ sở thu hút khoảng trên 400 lao động, thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng (Riêng làng An Bình có khoảng 60 cơ sở với hơn 150 lao động).Hiện nay đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề.

3. Làng nghề sản xuất bún Vân Cù (xã Hương Toàn) - đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyềnn thống: Là làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Những ngày đầu được truyền nghề, người dân trong làng chỉ sản xuất bún thủ công, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho người dân trong làng và một số vùng lân cận. Ngày nay, nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ nông sản ngày càng cao, nghề làm bún ngày càng phát triển bà con đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất sản xuất. Hiện nay, toàn làng Vân Cù có 124 hộ sản xuất bún với trên 240 lao động, thu nhập bình quân 2,0-2,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân một ngày mỗi hộ sản xuất khoảng 150-300 kg bún, sản phẩm bún tươi làng Vân Cù được tiêu thụ rộng rãi trong toàn tỉnh. Hiện nay đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận “ Làng nghề”

4. Làng nghề nấu rượu Dương Sơn (xã Hương Toàn): Có nguồn gốc từ lâu đời, hiện nay nghề nấu rượu phát triển khá mạnh với khoảng 180 hộ sản xuất, thu nhập bình quân 1,3 -1,5 triệu đồng/lao động/tháng. Hiện nay một số cơ sở sản xuất đang liên kết, nhập rượu cho cơ sở sản xuất rượu Thủy Dương, Hương Thủy.

5. Làng rèn Bao Vinh: Hình thành từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, làng rèn trước đây phát triển khá mạnh với các sản phẩm chủ yếu phục vụ nông nghiệp như dao, cuốc, xẻng, liềm, rựa... Khi nền kinh tế phát triển, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất được chú trọng, các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp được sản xuất hàng loạt bằng dây chuyền máy móc hiện đại nên sản phẩm thủ công của làng rèn Bao Vinh không có tính cạnh tranh, do đó, số lượng các cơ sở rèn giảm đáng kể. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, với bản chất cần cù, sáng tạo của người lao động, làng rèn Bao Vinh đang dần được phục hồi và phát triển nhiều lĩnh vực mới như sản xuất gon lề, lách xe cơ giới, xe rùa, cửa bông sắt..., với 19 cơ sở với khoảng gần 40 lao động, thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/ người/tháng.

6. Làng gạch ngói Thuỷ Phú (xã Hương Vinh): Là một làng nghề truyền thống được hình thành từ thời nhà Nguyễn, sản xuất các loại gạch thẻ, gạch vồ, ngói liệt, ngói âm, ngói nóc vảy cá, phục vụ việc xây dựng cung điện, đền đài, lăng tẩm cho triều đình và tầng lớp quan lại thời bấy giờ.

Trước đây, theo số liệu khảo sát năm 2007, làng nghề gạch ngói Thuỷ Phú có 23 lò gạch với 260 lao động, chủ yếu sản xuất gạch ngói thủ công như gạch thẻ, gạch lỗ, ngói lợp, ngói nóc vảy cá... phục vụ cho các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn. Hiện nay do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, hướng đến các sản phẩm chất lượng tốt nên gạch nung thủ công không cạnh tranh được với gạch tuynen, ngoài ra do chủ trương hạn chế phát triển lò gạch thủ công nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên toàn làng nghề Thủy Phú hiện chỉ còn 04 lò nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, không thường xuyên với khoảng gần 40 lao động, thu nhập bình quân chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.

7.Làng đan lát Lai Thành: có nguồn gốc từ lâu đời nhưng hiện nay đã bị mai một do sản phẩm của làng nghề không còn phù hợp với thị trường, toàn thôn Lai Thành hiện chỉ còn khoảng trên 10 hộ có nghề đan gót nhưng không phải là nghề cho thu nhập chính, mỗi hộ chỉ có 1 – 2 lao động tham gia đan gót để tăng thêm thu nhập lúc nhàn rỗi (chủ yếu là người già và phụ nữ), thu nhập không đáng kể.

8. Làng nón lá Hương Cần (Hương Toàn), chạm cẩn Địa Linh (Hương Vinh), gạch ngói Nam Thanh (Hương Toàn), gạch ngói Thuỷ Phú (Hương Vinh), đan lát Lai Thành (Hương Vân): Mặc dù quy mô, hoạt động của các làng này không lớn nhưng cũng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đa số người lao động địa phương lúc nông nhàn.

 

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 8.936