Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Quyết định về việc phê duyệt đề án Phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 17/10/2023

Ngày 09 tháng 10 năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2354 /QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thị xã Hương Trà với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề án: Đề án Phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thị xã Hương Trà.

2. Cơ quan lập đề án: UBND thị xã Hương Trà.

3. Đối tượng và địa điểm thực hiện Đề án

a) Đối tượng thực hiện

- Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nguyện vọng đầu tư phát triển chăn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị; có đất đai phù hợp quy hoạch; đảm bảo vốn đối ứng thực hiện.

- Các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ năng lực tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lợn thịt và lợn giống.

b) Địa điểm: Đề án được triển khai thực hiện tại những vùng quy hoạch của 8 xã, phường trên địa bàn thị xã (không triển khai ở phường Tứ Hạ).

4. Thời gian thực hiện

Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến 2025, trong đó:

- Hỗ trợ các hộ đầu tư thực hiện mô hình: Từ năm 2023 đến năm 2024.

- Năm 2025: Tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình.

5. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, tiến tới phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại tách biệt với khu dân cư. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Thay đổi tập quán chăn nuôi từ tự phát sang nuôi có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.

- Xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị để khôi phục, phát triển đàn đảm bảo an toàn dịch bệnh, hiệu quả kinh tế và bền vững. Gắn sản xuất với thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025 có 42 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi giá trị, quy mô có mặt thường xuyên 126 lợn nái, 2.772 lợn thịt. Trong đó:

- Năm 2023 hỗ trợ 20 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị, quy mô có mặt thường xuyên 60 lợn nái, 1.320 lợn thịt.

- Năm 2024 hỗ trợ 22 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuỗi giá trị, quy mô có mặt thường xuyên 66 lợn nái, 1.452 lợn thịt.

- Năm 2025 hỗ trợ tuyên truyền, nhân rộng mô hình.

6. Quy mô chăn nuôi

Mỗi hộ tham gia Đề án nuôi từ 03 lợn nái và 33 con lợn thịt/lứa trở lên; khuyến khích các hộ nuôi với số lượng đạt quy mô trang trại.

7. Nội dung và định mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ được bố trí theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; các Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 và số 30/2021/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh; kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ khác của trung ương và địa phương. Trong đó:

- Hỗ trợ 100% chi phí Hội nghị, tập huấn, chỉ đạo kỹ thuật. Năm 2023 đến 2025 mỗi năm tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và 01 Hội nghị.

- Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng dự án liên kết chỉ đạo kỹ thuật và quản lý.

- Hỗ trợ 50% chi phí mua giống lợn, thức ăn chăn nuôi, vắc xin (chỉ hỗ trợ lứa đầu tiên).

8. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp tuyên truyền, vận động

Thông qua các phương tiện truyền hình, truyền thanh và các cuộc hội họp, tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thay đổi tập quán của người chăn nuôi, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Giải pháp về chọn vùng phát triển chăn nuôi

- Căn cứ tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển triển kinh tế xã hội để lựa chọn, định hướng các khu vực có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn, tách biệt với khu dân cư. Trong đó ưu tiên các vùng có hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất, ít ngập úng.

- Hằng năm, UBND các xã, phường tổ chức rà soát, bổ sung những vùng có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển vùng chăn nuôi tập trung, trang trại, có chính sách ưu đãi về thuế, tập trung đất đai, đổi đất; bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch đáp ứng nhu cầu sản xuất.

c) Giải pháp về kỹ thuật

- Về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật

Tổ chức tập huấn, cho các hộ trước khi đầu tư. Nội dung tập huấn gồm: Phương pháp chọn giống lợn nái, lợn thịt; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; cách phòng trị dịch bệnh; kỹ thuật xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải; đánh giá hiệu quả kinh tế;...

- Về giống lợn

+ Giống lợn: Lợn nái F1 (con lai giữa lợn nái Móng Cái và đực giống ngoại); lợn nái, lợn thịt F2 (con lai giữa lợn nái F1 và đực giống ngoại).

+ Tổ chức tuyển chọn lợn giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng để đưa vào sản xuất. Lợn giống đưa vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thủ tục kiểm dịch, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

+ Chỉ nhập vào nuôi giống lợn nái và lợn thịt cho lứa đầu tiên; các đợt nuôi tiếp theo, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín, con giống được các hộ tự sản xuất và cung cấp tại chổ.

- Về xây dựng chuồng trại

+ Đối với chăn nuôi lợn theo quy mô nông hộ: Chuồng trại xây dựng tách biệt với nhà ở để bảo đảm vệ sinh; xây dựng kiên cố, diện tích phù hợp với số lượng và chủng loại lợn (định mức 1,8-02 m2/con trở lên).

+ Đối với chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học: Chuồng trại phải có khoảng cách theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Xây dựng hố sát trùng ra vào chuồng trại và hệ thống hàng rào để kiểm soát việc ra vào của con người và ngăn chặn động vật gây hại xâm nhập.

- Về thức ăn, nước uống

+ Thức ăn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với khẩu phần ăn theo từng giai đoạn phát triển của lợn. Nước dùng cho lợn uống phải sạch.

+ Các hộ chăn nuôi sử dụng thêm các nguyên liệu (ngô, đỗ tương, các loại rau,...) để cho ăn bổ sung, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ các loại thức ăn sẵn có giúp lợn tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Từ đó, hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Giải pháp phòng, chống dịch bệnh

+ Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống để hạn chế rủi ro dịch bệnh cho vật nuôi.

+ Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định của cơ quan thú y và kế hoạch tiêm phòng của địa phương.

+ Định kỳ tổ chức vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi; tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi và dụng cụ bằng các hóa chất thông dụng như vôi bột, Bencocide, Iodine,...

+ Xây dựng hố sát trùng trước lối ra, vào chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập.

+ Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, xét nghiệm lưu hành theo kế hoạch của cơ quan Thú y để có các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

d) Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

Tranh thủ nguồn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, các nguồn hỗ trợ khác; ngân sách địa phương bố trí kinh phí triển khai tổ chức thực hiện theo quyết định phê duyệt hàng năm; nguồn đóng góp, đối ứng của Doanh nghiệp, nhân dân; nguồn vốn tín dụng (theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn).

đ) Giải pháp về liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm

- Liên kết với các cơ sở giết mổ trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm.

- Tìm kiếm, liên kết thêm với các doanh nghiệp, quầy bán nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

e) Giải pháp về môi trường

- Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường như: Nuôi lợn trên đệm lót sinh học, xây dựng công trình Khí sinh học (biogas), hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.

- Thường xuyên kiểm tra, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

g) Giải pháp về công tác quản lý và tổ chức sản xuất

- Thực hiện tốt công tác quản lý về đất đai, có chính sách cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, tách biệt với khu dân cư.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, việc chấp hành quy trình chăn nuôi theo hướng dẫn và việc cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nguời chăn nuôi của doanh nghiệp.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung, giải pháp thực hiện.

- Thực hiện tốt công tác quản lý chăn nuôi, thú y theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành.

9. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực hiện Đề án

9.1. Tổng nhu cầu vốn thực hiện:                     14.619.260.000 đồng.

Trong đó:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ:            5.099.803.000 đồng, gồm:

- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật:                      29.025.000 đồng.

- Hỗ trợ người chăn nuôi:                   4.813.358.000 đồng.

- Hội nghị sơ kết, tổng kết:                      18.600.000 đồng.

- Hỗ trợ công theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật:  32.000.000 đồng.

- Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: 130.000.000 đồng.

- Chỉ đạo, quản lý:                                     76.820.000 đồng.

b) Nguồn vốn Doanh nghiệp, người dân: 9.519.458.000 đồng.

9.2. Phân bổ nguồn vốn:

- Ngân sách trung ương, tỉnh:                           3.569.862.000 đồng.

- Ngân sách huyện, xã:                                     1.529.941.000 đồng.

- Nguồn của doanh nghiệp, người dân:             9.519.458.000 đồng.

Ngân sách tỉnh và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác 70%, ngân sách huyện 30% tổng nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ.

10. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án đúng tiến độ và nội dung phê duyệt.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện Đề án.

b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ thực hiện Đề án từ ngân sách Trung ương, tỉnh, thị xã Hương Trà.

- Hằng năm, căn cứ tình hình thực hiện Đề án và khả năng ngân sách tỉnh, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho ngân sách thị xã Hương Trà để thực hiện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện Đề án.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn UBND thị xã Hương Trà thực hiện các điều kiện bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi lợn trên địa bàn. Chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành và UBND thị xã Hương Trà tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất chăn nuôi theo đúng quy định. Hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có quỹ đất phát triển chăn nuôi.

d) Các Sở, ban, ngành liên quan

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với UBND thị xã Hương Trà triển khai Đề án có hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật.

đ) UBND thị xã Hương Trà

- Có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện Đề án. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn trực thuộc chịu trách nhiệm thực hiện.

- Đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi. Hằng năm lập kế hoạch triển khai và dự toán nhu cầu kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp để gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án. Đồng thời, bố trí ngân sách thị xã để hỗ trợ thực hiện Đề án.

e) UBND các xã, phường thuộc phạm vi Đề án

Tổ chức và triển khai thực hiện Đề án thuộc quản lý của địa phương mình, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện đúng nội dung đề án đã phê duyệt.

Tập tin đính kèm:
VP HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 22.103